Ngày 10/7/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã phối hợp với Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “AI – Động lực phát triển báo chí số”.
Dự tọa đàm có ông Nguyễn Huy Ngọc – Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực miền Nam; ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, có PGS-TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện Về phía Báo Người Lao Động, có Nhà báo TS. Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã tập trung thảo luận về vai trò quan trọng của AI trong việc định hình tương lai của truyền thông báo chí và các cơ quan báo chí cần chủ động ứng dụng AI một cách trách nhiệm, bảo đảm sự minh bạch và công bằng trong việc sử dụng công nghệ này.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện cho biết, cách đây một năm đơn vị và Báo Người Lao Động – một trong những tờ báo của Việt Nam tiên phong trong việc chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đã ký kết đào tạo về AI. PGS-TS Đặng Hoài Bắc cũng vui mừng bởi đội ngũ Báo Người Lao Động đã tích cực học tập và ứng dụng AI vào công việc chuyên môn. Đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục đồng hành với Báo Người Lao Động để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng AI trong phát triển báo chí số, qua đó hình thành được tổ hợp truyền thông Báo Người Lao Động.
Trình bày tham luận tại chương trình, Ths. Đinh Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông II (Đơn vị trực thuộc Học viện) nhấn mạnh ứng dụng AI sẽ nâng cao hiệu suất tổ chức/doanh nghiệp và năng suất làm việc nhưng có nhiều rào cản trong việc áp dụng.Đó là vấn đề nhân sự, chi phí, sự thích nghi giữa nhân sự cũ và mới… “Trong bối cảnh đó, làm thế nào để sử dụng và sử dụng AI hiệu quả là câu hỏi cần được đặt ra và giải đáp”- ông ThS Đinh Duy Linh đặt vấn đề.
Giải pháp được ThS Đinh Duy Linh đưa ra là đào tạo kỹ năng ứng dụng AI. Việc đạo tạo gồm cơ bản (hiểu rõ AI, AI Generative, khả năng và giới hạn tư duy và cách tại ra các prompt hiệu quả) và chuyên sâu (tiếp thị, bán hàng; sáng tạo nội dung số; giải quyết vấn đề và tư duy…). Đào tạo lãnh đạo trước, nhân viên sau, lãnh đạo hiểu, đặt mục tiêu cho nhân viên. Cùng với đó tập trung vào ứng dụng thực tiễn của AI trong công việc hàng ngày; hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn liên tục sau đào tạo.
Kết luận buổi tọa đàm, Nhà báo – TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhìn nhận những sự nỗ lực giữa Báo Người Lao Động và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trong thời gian qua. Dù thời gian đào tạo không dài nhưng có thể nói Báo Người Lao Động đã ứng dụng AI rất hiệu quả với những sản phẩm cụ thể. Không dừng lại ở đó, kết quả lớn hơn là sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và cộng tác viên Báo Người Lao Động. Nhà báo – TS Tô Đình Tuân, cũng nhấn mạnh đây chỉ là bước khởi đầu: “Chúng ta còn chặng đường dài để đưa chuyển đổi số vào lĩnh vực báo chí. Rõ ràng con đường phía trước của báo chí thế giới, báo chí Việt Nam là phải ứng dụng AI để phát triển nhưng hiện thức hóa là không đơn giản”.
Cũng trong khuôn khổ của chương trình tọa đàm đã diễn ra ký kết giữa tòa soạn Báo Người Lao Động và Trung tâm Đào tạo Bưu chính viễn thông II nhằm hiện thực hóa biên bản đã ký kết. Trước đó, Báo Người Lao Động và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ký hợp tác trong đào tạo, chuyển đổi số báo chí. Sau khhi ký kết, hai đơn vị đã triển khai chương trình đào tạo “Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí số”, bao gồm 2 khóa học diễn ra từ ngày 22-3 đến ngày 19-6 cho hơn 120 học viên tại trụ sở chính và các văn phòng đại diện khắp mọi miền đất nước tham gia. Sau khóa học, học viên đã ứng dụng AI xử lý văn bản để sản xuất tin, bài viết dạng văn bản, podcast; tổng hợp, phân tích dữ liệu để tạo các bản tin infographic, biểu đồ; sản xuất video/clip ngắn; tạo hình minh họa cho cả báo in và báo điện tử – một hình thức mới mẻ, phong phú và sinh động hơn.