Vừa qua, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ban hành Quy định hỗ trợ kinh phí cho tác giả bài báo khoa học quốc tế, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích với mức hỗ trợ lên tới 150 triệu đồng.
Theo đó, tác giả là cán bộ, người học của Học viện tham gia thực hiện các bài báo khoa học đã được công bố và đăng tải trên các tạp chí/hội nghị quốc tế thuộc cơ sở dữ liệu WoS/Scopus; bằng sáng chế, phát minh và tiến bộ kỹ thuật, giải pháp hữu ích sẽ được nhận hỗ trợ kinh phí từ nguồn chi cho hoạt động thường xuyên của Học viện.
Hai nhóm đối tượng tác giả có các công trình khoa học là bằng sáng chế, phát minh và tiến bộ kỹ thuật được công nhận cấp quốc tế và bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học thuộc top 5% tạp chí hàng đầu được phân loại theo nhóm lĩnh vực, ngành/chuyên ngành của Scimago và tương ứng với lĩnh vực chuyên môn của tác giả sẽ được nhận mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/công trình.
Các nhóm đối tượng tác giả có công trình khoa học là bằng sáng chế, phát minh và tiến bộ kỹ thuật được công nhận cấp quốc gia và công trình khoa học là bái báo được công bố trên các tạp chí quốc tế trong danh mục WoS/ Scopus thuộc nhóm Q1 sẽ được nhận mức hỗ trợ tối đa là 50 triệu đồng.
Nhóm tác giả có công trình khoa học là bái báo được công bố trên các tạp chí quốc tế trong danh mục WoS/ Scopus thuộc nhóm Q2 sẽ được nhận mức hỗ trợ tối đa là 40 triệu đồng.
Nhóm đối tượng tác giả có công trình khoa học là các giải pháp hữu ích được công nhận cấp quốc gia, quốc tế hoặc công trình khoa học là bái báo được công bố trên các tạp chí quốc tế trong danh mục WoS/ Scopus thuộc nhóm Q3 sẽ được nhận mức hỗ trợ tối đa là 30 triệu đồng.
Ngoài ra, Học viện cũng dành những mức hỗ trợ khác tối đa từ 5 triệu trở lên cho các bài báo không được công bố trên các tạp chí quốc tế trong danh mục WoS/ Scopus đã được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác như: đề tài, dự án các cấp, từ doanh nghiệp…
Mỗi nhóm đối tượng tác giải được xét hỗ trợ 01 lần/công trình khoa học. Các công trình khoa học được xét phải có ít nhất 01 tác giả là cán bộ của Học viện hoặc người học của Học viện và ghi rõ địa chỉ tác giả này là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, email liên hệ có tên miền là ptit.edu.vn.
Để phục vụ định hướng xếp hạng quốc tế của Học viện, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Học viện cũng đã đưa ra mục tiêu gia tăng số lượng và chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là các công bố quốc tế thuộc danh mục WoS/Scopus. Phấn đấu trung bình số bài báo trên tổng số cán bộ khoa học/năm đạt tỷ lệ 0,5 vào năm 2025 và tỷ lệ 1,6 vào năm 2030. Một trong những giải pháp được Học viện đưa ra là khuyến khích cán bộ, giảng viên tăng cường nghiên cứu khoa học thông qua các chính sách về lương, thu nhập dựa trên kết quả hoạt động khoa học công nghệ; Kịp thời khen thưởng cán bộ, giảng viên có bài báo quốc tế (ISI, Scopus) nhằm đặt mục tiêu nằm trong nhóm 03 trường đại học ICT dẫn đầu về số lượng công bố quốc tế tại Việt Nam.
Được biết trong những năm qua, với sự quan tâm của Lãnh đạo Học viện, số lượng các bài báo khoa học quốc tế của Học viện không ngừng tăng. Cụ thể, năm 2021: Học viện có 176 bài báo khoa học quốc tế, trong đó có 85 bài được công bố trên các tạp chí ISI/Scopus và 30 bài báo thuộc nhóm thuộc nhóm Q1, đến năm 2023, Học viện có 212 bài báo khoa học quốc tế, trong đó có 100 bài được công bố trên các tạp chí ISI/Scopus và 24 bài báo thuộc nhóm Q1.