Vừa qua, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản, đoàn công tác của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có chương trình làm việc với các trường đại học Aizu và Học viện Công nghệ Fukuoka của Nhật Bản để tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác đã ký kết.
Tại các buổi làm việc, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện đã chia sẻ: việc Văn phòng hợp tác nghiên cứu đào tạo của PTIT tại Nhật Bản thành lập vào tháng 12/2023 đã mở ra những triển vọng to lớn cho sự phát triển của Học viện, cho tiềm năng của những chương trình liên kết đào tạo, học bổng, trao đổi giảng viên, trao đổi học viên, sinh viên và hợp tác triển khai dự án nghiên cứu khoa học đón đầu sự phát triển những lĩnh vực công nghệ hứa hẹn sự phát triển bùng nổ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Giám đốc Học viện cũng nhấn mạnh sau thành lập văn phòng đại diện tại Nhật Bản các hoạt động và hình ảnh của Học viện đã được các địa phương và trường Đại học Nhật Bản quan tâm đặc biệt. Các địa phương của Nhật Bản mong muốn Học viện là đối tác cung cấp nguồn nhân lực cao cho Nhật Bản về Công nghệ thông tin đặc biệt là về AI và sẽ hỗ trợ trung tâm Việt Nhật của Học viện cũng như ưu đãi cho sinh viên Học viện bên cạnh các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên.
Hợp tác với đại học Aizu trong chương trình đào tạo liên kết 3+2
Đại học Aizu Nhật Bản được thành lập năm 1993, là trường đại học công lập đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin ở trình độ đại học và sau đại học. Với chính sách chú trọng vào các hoạt động nghiên cứu và quốc tế hóa, đại học Aizu có tỷ lệ giảng viên nước ngoài hàng đầu tại Nhật Bản và có nhiều chương trình đào tạo thực hiện hoàn toàn sử dụng tiếng Anh, là lợi thế đặc biệt so với các trường đại học khác tại Nhật Bản đối với sinh viên quốc tế. Theo bảng xếp hạng THE, đại học Aizu đang được xếp hạng trong top 3 các trường đại học hàng đầu tại Nhật Bản và cũng là một trong số ít trường công lập được Chính phủ Nhật Bản tín nhiệm, lựa chọn thực hiện chương trình toàn cầu hóa giáo dục (Top Global University) của Chính phủ.
Học viện và đại học Aizu đã có các hoạt động hợp tác sâu rộng kể từ năm 2008, năm 2015, hai trường đã ký thỏa thuận hợp tác trong đào tạo và trao đổi học viên cao học. Hai trường đã cùng triển khai nhiều chương trình như chương trình thạc sỹ liên kết 1 + 1, chương trình đại học liên kết 2 +2 ngành công nghệ thông tin, trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên, các buổi hội thảo chuyên đề và các hoạt động nghiên cứu chung. Đáng chú ý, đại học Aizu đã đào tạo cho Học viện 08 Tiến sỹ/Thạc sỹ đang công tác giảng dạy tại Học viện.
Hai bên đã trao đổi và thảo luận về hoạt động hợp tác mới là chương trình đào tạo liên kết 3 + 2, trong đó sinh viên khi kết thúc năm thứ 3 của Học viện được chuyển tiếp sang học thêm 2 năm tại đại học Aizu và nhận bằng thạc sỹ (ngôn ngữ học tập là tiếng Anh). Ngoài ra, hoạt động trao đổi sinh viên sẽ được quan tâm và đẩy mạnh từ năm 2024.
Thực hiện các chương trình trao đổi học viên, sinh viên với Học viện Công nghệ Fukuoka
Ngày 5/6/2024, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Đại học Công nghệ Fukuoka đã ký thỏa thuận hợp tác về phát triển nguồn nhân lực. Trong đó tập trung vào các nội dung: Trao đổi giảng viên-cán bộ và nghiên cứu viên; Hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu chung.
Để triển khai các nội dung đã ký kết, phía Học viện Công nghệ Fukuoka đã đề xuất kế hoạch triển khai hợp tác chi tiết như sau: tháng 2/2025, 05 sinh viên xuất sắc của Học viện Công nghệ Fukuoka sẽ được gửi sang trao đổi học tập và nghiên cứu tại Học viện; hai bên trao đổi chi tiết các chương trình đào tạo để thực hiện các hoạt động trao đổi sinh viên bậc đại học và thạc sỹ trong năm 2024, trong đó ưu tiên các sinh viên năm cuối sẵn sàng thực tập và bảo vệ đồ án được sang học tập, trao đổi.
Phía Học viện Công nghệ Fukuoka cũng cam kết tìm kiếm doanh nghiệp địa phương để tuyển dụng các em sinh viên Học viện sau khi tốt nghiệp.
Trên cơ sở các chính sách ưu đãi của các tỉnh/địa phương của Nhật Bản trong hoạt động cạnh tranh và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Nhật Bản như Aizu và Học viện Công nghệ Fukuoka đều rất sẵn sàng triển khai các chương trình hợp tác đã ký kết. Các sinh viên xuất sắc của Học viện đứng trước cơ hội được các địa phương hàng đầu tại Nhật Bản tạo điều kiện nhiều về cơ chế, chính sách để nhanh chóng đáp ứng công việc, và nhanh chóng trở thành các nhân sự IT tại Nhật Bản, đặc biệt về trí tuệ nhân tạo.