Vừa qua, tổ chức SCIMAGO (tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học – Tây Ban Nha) vừa công bố bảng xếp hạng năm 2024. Theo đó, trong các trường Đại học tại Việt Nam, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xếp thứ nhất tại tiêu chí đổi mới (Innovation).
Bảng xếp hạng SCImago Institutions Rankings – SIR ra đời năm 2009 do tổ chức SCImago phát triển. Cụ thể, SCImago (trụ sở ở Tây Ban Nha) là một tổ chức nghiên cứu làm nhiệm vụ cung cấp thông tin về chất lượng nghiên cứu khoa học của các quốc gia, các cơ sở nghiên cứu, mức độ uy tín của các tạp chí thông qua việc phân tích các chỉ số dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus do Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan, xây dựng từ năm 2004. Song song với việc cung cấp thông tin, tổ chức SCImago còn xây dựng hệ thống bảng xếp hạng để đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu trên toàn thế giới.
Theo SCImago năm 2024, dựa trên nguồn dữ liệu Scopus và một loạt các chỉ số để đánh giá, xếp hạng. Các cơ sở nghiên cứu trên thế giới (trường đại học, viện nghiên cứu) được đánh giá xếp hạng dựa trên 03 tiêu chí: Chỉ số nghiên cứu (Research): 50%; Chỉ số Đổi mới (Innovation):30%; Chỉ số xã hội (Societal): 20%. Trong đó, chỉ số về Đổi mới sẽ đánh giá dựa trên kết quả công bố khoa học từ một tổ chức được trích dẫn trong bằng sáng chế, tỷ lệ phần trăm của sản phẩm công bố khoa học được trích dẫn trong bằng sáng chế. Tỷ lệ phần trăm này được tính dựa trên tổng sản lượng trong các lĩnh vực được trích dẫn trong bằng sáng chế, số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế.
Phát huy lợi thế về đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Công nghệ, Thông tin và Truyền thông (ICT), trong những năm qua, Học viện luôn đi đầu và đạt nhiều kết quả trong chuyển đổi số giáo dục đại học. Học viện đã hoàn thiện 11 nền tảng cho giáo dục đại học số. Trong đó, ứng dụng S-Link đã có hàng vạn tài khoản, hàng triệu thông tin và hàng chục triệu tương tác trong suốt quá trình triển khai từ năm 2021 đến nay. Hệ thống Thực hành ảo D-Lab với hơn 16.000 tài khoản, trên 3.000 bài tập thực hành kỹ năng lập trình, hàng chục ngàn lượt nộp bài tập mỗi ngày. Học viện cũng đã tổ chức giảng dạy trên 700 lớp học phần, hơn 3.000 ca thực hành trực tuyến với sự tham gia của hơn 80 giảng viên. Đến nay, hệ thống ghi nhận gần 10 triệu lượt bài tập thực hành kỹ năng lập trình do sinh viên ngành các ngành kỹ thuật nộp khi học tập trên hệ thống D-Lab này. Hệ thống D-Lab cũng được thiết kế để tổ chức các kỳ thi olympic tin học sinh viên, các kỳ lập trình theo chuẩn quốc tế với sự tham gia trên 2000 thí sinh cùng thời điểm. Bên cạnh đó, các nền tảng: PTIT-Training Đào tạo Bồi dưỡng kỹ năng số; PTIT-LMS+Mooc Quản lý đào tạo số; PTIT-Proctor Thi trực tuyến; PTIT-Admission Tuyển sinh, nhập học số; PTIT 1Gate Dịch vụ công trực tuyến Mức độ 4, Cổng thông tin Tri thức, Cổng dữ liệu mở, … đã góp phần vào sự phát triển chung của Học viện.
Cùng với những chính sách khuyến khích cán bộ, giảng viên, hỗ trợ người học trong nghiên cứu, đào tạo Học viện với kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cán bộ, giảng viên, sinh viên PTIT và hướng tới phục vụ cộng đồng.