Ngày 23/11/2023, đoàn công tác của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) do TS. Tân Hạnh – Phó giám đốc Học viện làm trưởng đoàn đã  đến thăm và làm việc tại trụ sở của hãng ARM tại Cambridge, Vương quốc Anh. Trong khuôn khổ chương trình làm việc, PTIT và ARM đã ký biên bản hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và phát triển kỹ năng trên toàn cầu trong các ngành Kỹ thuật Máy tính và Tin học (CEI) cho công nghệ chip, đặc biệt như khoa học máy tính, mạch và hệ thống điện tử, hệ thống nhúng, chất bán dẫn, thiết kế vi mạch, và rộng hơn là Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM).

Tiếp đoàn về phí đại diện phía ARM có: ông Gary Campbell, Phó tổng Giám đốc điều hành Kỹ thuật; ông Robert Lannello, Giám đốc cấp cao, Hỗ trợ giáo dục đại học; ông Khaled Benkrid, Giám đốc cấp cao Giáo dục và nghiên cứu; ông Richard Buttrey, Giám đốc Hợp tác học thuật; ông Nguyễn Minh Bảo Trân, Giám đốc cấp cao các dịch vụ thiết kế.

Về phía Việt Nam, tham dự và chứng kiến lễ ký kết có: PGS.TS. Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Đào Thị Hồng, Thư ký thứ nhất, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh; bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc giáo dục, Hội đồng Anh Việt Nam; PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số trường đại học tại Việt Nam và các phóng viên báo chí.

Cùng đi với đoàn, về phía Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có: PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế, Phụ trách Khoa đa phương tiện và đại diện lãnh đạo một số khoa đào tạo 1 và 2.

TS. Tân Hạnh, Phó Giám đốc PTIT phát biểu tại Lế ký kết
Ông Gary Campbell đại diện ARM trình bày định hướng phát triển và hợp tác
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa PTIT và ARM
Đại diện PTIT và ARM trao Biên bản hợp tác

Theo biên bản ký kết, ARM và PTIT sẽ hợp tác trong việc thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ chiến lược nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hành trong giáo dục và nghiên cứu CEI và STEM, với sự tham gia của các đối tác công nghiệp, tổ chức giáo dục đại học và các đối tác khác. Hai bên tiến tới thành lập một liên minh để hợp tác và kết hợp các nguồn lực nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách về giáo dục, nghiên cứu và kỹ năng trong CEI và STEM, thông qua việc sử dụng hiệu quả các công nghệ nền tảng của ARM và các đối tác (Liên minh Giáo dục).

Với tư cách là thành viên của Liên minh Giáo dục, PTIT sẽ có toàn quyền hợp tác với ARM, các tổ chức đào tạo, trong việc phát triển các khóa học và chương trình trên nền tảng học tập trực tuyến, tận dụng các nguồn tài liệu được chia sẻ từ ARM để tạo ra nội dung mới, cùng nhau xây dựng chương trình giảng dạy tiêu chuẩn. Hỗ trợ nhau trong việc nâng cao kiến thức chuyên môn. Tham gia cùng nhau để có ảnh hưởng đối với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, nhằm ủng hộ giáo dục, nghiên cứu và kỹ năng trong lĩnh vực CEI và STEM.

Từ sự hợp tác chung, PTIT và các đại học Việt Nam sẽ có thể tiếp cận nhanh chóng nền tảng khoa học kỹ thuật từ nguồn tài nguyên của ARM, đồng thời tạo điều kiện thu hút các tài năng tham gia nhóm nghiên cứu.

Các đại biểu thảo luận chuyên môn và kế hoạch hợp tác chụp ảnh lưu niệm

Dự kiến, trong thời gian tới hai bên sẽ xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung hợp tác cụ thể, thiết thực. Với việc hợp tác giữa PTIT với ARM, Liên minh các trường đại học lĩnh vực bán dẫn có thêm nguồn tài liệu, hướng tiếp cận để phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và các lĩnh vực liên quan đến CEI và STEM.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là một trong 5 thành viên sáng lập Liên minh các trường đại học Việt Nam trong đào tạo nghiên cứu lĩnh vực chip vi mạch bán dẫn trong dưới sự chủ trì và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường trong liên minh cam kết cùng nhau chia sẻ tài nguyên phục vụ giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác nghiên cứu các dự án có tính học thuật và thực tiễn nhằm tiệm cận với nền công nghiệp bán dẫn và nhu cầu của các doanh nghiệp bán dẫn.