Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng lời cảm ơn thầy cô luôn ở trong tim mỗi học sinh. Cách cảm ơn thầy cô tốt nhất là học tốt hơn, thực chất hơn để thành người, để làm việc.

Cổng Thông tin điện tử Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THPT Yên Phong số 1, tỉnh Bắc Ninh – ngôi trường thời ông theo học lớp D chuyên Toán khóa 14 (1976-1979). Đây không chỉ là lời tâm sự của một học sinh cũ khi về thăm lại mái trường xưa, mà còn là suy nghĩ về sự học, sự biết ơn của một người học trò đã trưởng thành từ sự chỉ bảo, dìu dắt của thầy cô và sự đùm bọc của người dân Yên Phong. 

Hôm nay thực sự là một ngày hội lớn của nhà trường, đầy đủ các thế hệ đã hội tụ về đây, về ngôi trường Yên Phong số 1 thân yêu. Không khí thật vui tươi, phấn khởi, ấm áp của lớp lớp thế hệ thầy cô, học sinh nhà trường.

Quay lại mái trường xưa luôn là một niềm vui lớn, một hạnh phúc lớn.

Gặp lại thầy cô, gặp lại bạn bè và sân trường năm xưa để thấy nơi đây là một phần đời của mỗi chúng ta, đã tạo nên mỗi chúng ta, đã gắn kết chúng ta và sẽ tiếp tục gắn kết chúng ta, và không chỉ là giữa chúng ta với nhau mà còn là giữa chúng ta với ngôi trường này.

Về đây để chúng ta không quên và vì không quên mà chúng ta còn sống. Vì quá khứ không phải là quá khứ mà quá khứ đã tạo nên con người ta của hôm nay, tức là quá khứ ấy đang sống.

Mỗi năm trường của chúng ta không già đi một tuổi mà lớn thêm một lần. 60 năm qua, trường đã lớn thêm 60 lần. Bởi vì số người ra trường 60 năm qua đã tăng lên 60 lần. Và những người đã học ở đây, đã ra trường, đã đi làm luôn là một bộ phận quan trọng của trường. Và vì vậy mà sức mạnh của trường chúng ta là rất to lớn.

Hôm nay, có mặt tại đây nhiều cựu học sinh của trường. Các cựu học sinh luôn là một bộ phận không tách rời của trường. Họ học ở đây rồi ra đời làm việc và trưởng thành, nhưng trong tim vẫn luôn là nỗi nhớ, luôn muốn quay về. Nhiều người muốn đóng góp, mỗi người mỗi cách, có thể là vật chất, có thể là tinh thần, có thể là công sức, dù chỉ một chút nhỏ, một giọt nước nhỏ. Nhưng con sông và biển cả cũng là từ những giọt nước nhỏ. Đây chính là sự đóng góp cho sự nghiệp đào tạo nước nhà, cho thế hệ tương lai của đất nước, để góp phần cho chất lượng đào tạo của trường tốt hơn, các thế hệ học sinh sau này được học tốt hơn và ra đời thành công hơn.

Kính thưa thầy cô,

Học sinh ra trường thì càng xa trường càng nhớ. Càng lâu không về thì càng nhớ. Càng nhiều tuổi thì càng nhớ. Nó giống như nỗi nhớ cội nguồn đã tạo nên mình. Trong nỗi nhớ ấy là sự biết ơn sâu sắc thầy cô, nhà trường.

Ngày hôm nay, chúng em muốn nói lời cám ơn sâu sắc tới các thầy cô. Lời cám ơn ấy có thể chưa bao giờ được nói ra, nhưng nó luôn tồn tại, luôn có ở đây, trong tim mỗi người học sinh, trong suy nghĩ của mỗi người học sinh.

Thầy cô thì như cha, như mẹ. Cha mẹ với con cái thì nước mắt chảy xuôi. Tình thương mà thầy cô dành cho học sinh thì vô hạn, vô điều kiện, mặc dù học sinh thì luôn làm phiền lòng thầy cô. Sau này ra trường rồi mới thấy hối hận vì đã làm thầy cô phiền lòng. Nhưng chính sự hối hận ấy làm cho chúng em lớn lên thành người. Và vì vậy mà sự hy sinh của thầy cô đã không uổng công.

“Học sinh ra trường càng xa, càng lâu thì càng nhớ. Nó giống như nỗi nhớ cội nguồn đã tạo nên mình. Trong nỗi nhớ ấy là sự biết ơn sâu sắc thầy cô, nhà trường.”

Hôm nay, nhìn thấy những học trò cũ của mình thành người tử tế, thành người có ích cho xã hội, chắc thầy cô sẽ thấy ấm lòng.

Nếu chúng ta có thể trở về trường cũ theo nhiều cách khác nhau, nhất là trên môi trường số, thông qua chuyển đổi số, thì thầy cô sẽ thấy ấm lòng hơn nữa, không phải đợi đến 60 năm, đến những năm chẵn mới có cơ hội gặp gỡ nhau. Chúng em mong muốn ngôi trường Yên Phong thân yêu này có một ngôi nhà trên không gian mạng, và trong ngôi nhà ấy, thầy cô và học sinh các thế hệ được nhìn thấy nhau, được gặp nhau, được giúp đỡ nhau. Chắc tất cả chúng ta có mặt ở đây hôm nay và cả những người không có điều kiện về đây hôm nay đều có chung một mong muốn như vậy.

Các em học sinh thân mến,

Các em muốn học tốt thì hãy hỏi nhiều hơn. Hỏi là để học. Các cụ nhà mình nói: “Học hỏi”. Đa số các nước khác không có từ này. Hỏi là tư duy. Học mà không hỏi là học mà không tư duy. Học là ăn, hỏi là tiêu hoá. Học mà không hỏi là ăn mà không tiêu hoá. Hỏi là tìm cái gốc, học là cái ngọn.

“Hỏi là để học. Hỏi là tư duy. Học là ăn, hỏi là tiêu hoá. Hỏi là tìm cái gốc, học là cái ngọn. Hỏi là làm cho ít đi, học là làm cho nhiều lên. Học là nhận vào tri thức cũ, hỏi là để sinh ra tri thức mới.” 

Học mà không hỏi là có ngọn mà không có gốc. Hỏi là để hiểu, học là để nhớ. Nhớ nhiều mà không hiểu thì gọi là học vẹt. Hỏi là làm cho ít đi, học là làm cho nhiều lên. Ít đi thì nhớ, nhiều lên thì không nhớ. Người uyên thâm thì bao giờ cũng tìm đến sự ít.

Học là nhận vào tri thức cũ, hỏi là để sinh ra tri thức mới. Học sinh mà hỏi thì thầy cô cũng sẽ tư duy và vì thế mà sinh ra tri thức mới. Thầy cô đến lớp mỗi ngày thấy thú vị là do học sinh hỏi.

Không có sự thú vị mỗi ngày thì bài giảng cũng không hay được. Vậy là bằng cách hỏi, các em đã biến lớp học thành một môi trường sáng tạo. Học là để học sinh học ở thầy cô, hỏi là để thầy cô học ở học sinh. Thời 4.0 thì hỏi là việc đầu tiên của học.

Các em muốn học tốt thì cũng phải hành nhiều hơn. Hành là để học. Các cụ nhà mình nói: “Học hành”. Đa số các nước khác cũng không có từ này. Học mà không hành gọi là học suông.

“Thầy cô đến lớp mỗi ngày thấy thú vị là do học sinh hỏi. Bằng cách hỏi, biến lớp học thành một môi trường sáng tạo. Thời 4.0 thì hỏi là việc đầu tiên của học.”

Ăn đấy mà cái bụng vẫn rỗng. Học rồi hỏi thì hiểu. Nhưng chỉ có hành thì mới ngộ ra. Ngộ ra là khi kiến thức thành của mình. Học mà không hành thì kiến thức vẫn là của người khác. Người phương Tây thì dùng lý luận để hiểu, dùng tranh cãi để hiểu.

Người phương Đông thì làm để hiểu, thông qua làm để hiểu. Qua hành đạo mà trở nên hiền triết, mà ngộ đạo.

Bởi vậy mà hành càng quan trọng hơn với người phương Đông. Chắc cũng vì vậy mà có từ “học hành”.

Học thì không biết mình cần học gì thêm nữa. Hành thì mới biết mình thiếu gì, cần học gì thêm. Học mà không hành thì luôn thấy thừa. Học mà hành thì thấy mình luôn thiếu. Thiếu là điều kiện đầu tiên của học. Học là thầy dậy, trò nghe. Và vì vậy, trò khó mà giỏi hơn thầy. Hành là trò làm thầy xem.

“Hành là để học. Chỉ có hành mới ngộ ra, kiến thức thành của mình. Học là thầy dậy, trò nghe; trò khó mà giỏi hơn thầy. Hành là trò làm thầy xem; trò có thể giỏi hơn thầy.”

Và vì vậy mà trò có thể giỏi hơn thầy. Nó giống như huấn luyện viên thể thao. Trò thì có thể đá bóng giỏi hơn huấn luyện viên. Ngày xưa, sách mà ít thì học trước rồi hành sau là đúng. Sách mà nhiều như bây giờ thì làm trước để biết mình thiếu gì rồi tìm sách mà đọc, tìm thầy mà hỏi. Bây giờ vì thế mà hành trước rồi học sau. Vậy thì hãy hành nữa, hành mãi, học nữa, học mãi.

Các em muốn cảm ơn thầy cô thì cách tốt nhất là học tốt hơn, học thực chất hơn, học để thành người, học để làm việc. Học xong ra trường đi làm và thành người tài, đóng góp cho đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, làm rạng danh gia đình, quê hương và làm rạng danh chính ngôi trường Yên Phong số 1 này. Và rồi các em sẽ quay về giúp cho trường, làm cho trường mình ngày một có điều kiện tốt hơn để dạy và học của các thế hệ sau tốt hơn.

Kính thưa bà con, cô bác Yên Phong,

Cách đây 47 năm, lớp chuyên toán Hà Bắc khoá 1976-1979 của chúng con đặt chân đến mảnh đất Yên Phong khi mới 13-14 tuổi, là những đứa trẻ lần đầu tiên xa nhà, xa bố, xa mẹ. Được bà con, cô bác Yên Phong đón nhận cho ở, rồi chăm lo như con cái trong nhà. Bây giờ, chúng con cũng đã trên 60 tuổi rồi, thành ông thành bà rồi, mà vẫn nhớ, vẫn biết ơn những ngày đói kém ấy mà tình người thì đầy ắp. Con mình nuôi còn khó khăn mà còn nuôi thêm con người khác.

Hôm nay về đây, chúng em, các cựu học sinh của trường Yên Phong số 1 xin được nói lời cám ơn trân trọng và chân thành từ đáy lòng mình tới các thầy cô, tới bà con cô bác đã dạy dỗ, đã chăm lo để chúng em lớn lên thành người. Có lẽ trong số rất nhiều giá trị đã giúp chúng em thành người thì sự biết ơn là quan trọng nhất. Chúng em sẽ mang ơn nuôi dạy này đến những ngày cuối đời mình và sẽ truyền lại cho những thế hệ sau giá trị này.

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

https://mic.gov.vn/