Sản phẩm “Ứng dụng Blockchain trong quản lý văn bằng, chứng chỉ cơ quan nhà nước (PTIT-CERT)” của Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp (IEC) cùng với Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) đã xuất sắc vượt qua 45 sản phẩm dự thi và đạt giải Ba Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thành phố Hà Nội năm 2023.
Nhằm khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Hà Nội và Vùng Thủ đô; nâng cao nhận thức đồng thời tôn vinh các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng phát triển, UBND thành phố Hà Nội phát động cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” thành phố Hà Nội năm 2023.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi Nguyễn Hồng Sơn cho biết, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển một số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối thị trường, kết nối các quỹ đầu tư, tài trợ của các tổ chức, cá nhân thông qua các chuỗi hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, hướng dẫn hoàn thiện dự án, mô hình kinh doanh, kỹ năng thuyết trình ý tưởng khởi nghiệp… Hà Nội phát động cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” thành phố Hà Nội năm 2023.
Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” thành phố gồm 2 vòng: Vòng loại (tìm kiếm ý tưởng, giải pháp, dự án sáng tạo) và Vòng chung kết (các nhóm khởi nghiệp sẽ thể hiện các dự án/sản phẩm của mình trước Hội đồng giám khảo).
Sản phẩm dự thi “Ứng dụng Blockchain trong quản lý văn bằng, chứng chỉ cơ quan nhà nước (PTIT-CERT)” của Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp (IEC) cùng với Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) đã xuất sắc lọt vào Vòng chung kết và nằm trong top 12 sản phẩm tiêu biểu nhất trong 45 sản phẩm dự thi. Đội dự thi gồm các thành viên: ThS. Nguyễn Việt Dũng – Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện; TS. Nguyễn Việt Hưng – Giảng viên Khoa Kỹ thuật Viễn thông 1, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp; Nguyễn Quang Huy – Sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp. Sau vòng chung kết báo cáo, thuyết trình sản phẩm, PTIT CERT đã được Hội đồng Giám khảo nhất trí trao giải Ba và được vinh danh trong phiên Bế mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô năm 2023.
Giải pháp đề xuất PTIT-Cert
Hiện nay, tình trạng buôn bán, sử dụng chứng chỉ hay bằng cấp giả đã và đang là một vấn nạn của xã hội. Các cơ quan, tổ chức đều đang phải đối mặt với bài toán nan giải này trong quá trình tuyển dụng. Điều đáng báo động chỉ trong vài năm trở lại đây, đã có hàng chục nghìn bằng cấp, chứng chỉ giả đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Bên cạnh đó, theo báo cáo của hiệp hội giáo dục Mỹ, giáo dục là một ngành blockchain đang nhen nhóm tạo dấu ấn. Ứng dụng blockchain trong giáo dục mới ở giai đoạn sơ khai khi chỉ vài học viện chấp nhận nó. Khảo sát năm 2019 của hãng phân tích Gartner cho thấy, chỉ có 2% cơ sở giáo dục đại học đang dùng blockchain, 18% dự định sử dụng trong 2 năm tới.
Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu đã thực hiện sản phẩm “Ứng dụng Blockchain trong quản lý văn bằng, chứng chỉ cơ quan nhà nước (PTIT-CERT)”. Sản phẩm bao gồm:
– Quản lý văn bằng chứng chỉ nhà nước bằng Blockchain
– Xác nhận văn bằng, chứng chỉ nhà nước bằng Blockchain
Sản phẩm “Ứng dụng Blockchain trong quản lý văn bằng, chứng chỉ cơ quan nhà nước (PTIT-CERT)” của giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được tài trợ kinh phí của Tập đoàn Naver Việt Nam.