Sáng 17/9/2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông long trọng tổ chức Lễ Mít tinh kỷ niệm 70 năm thành lập trường Bưu điện – Vô tuyến điện (1953-2023).  Tại buổi Lễ, PGS. TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện đã có bài diễn văn tổng kết chặng đưởng 70 năm truyền thống vẻ vang của trường Bưu điện – Vô tuyến điện, tiền thân của Học viện ngày nay. Cổng thông tin điện tử Học viện xin trân trọng đăng toàn văn bài diễn văn.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện đọc diễn văn tại buổi Lễ

Kính thưa Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số.

Kính thưa GS. TSKH Đỗ Trung Tá Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nguyên giảng viên sinh viên trg Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc.

Kính thưa Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, nguyên học viên Sau đại học của Học viện

Kính thưa các Nhà giáo lão thành, các thế hệ Lãnh đạo, thế hệ cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên của trường Bưu điện – Vô tuyến Điện, Trường Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông qua các thời kỳ.

Kính thưa các vị khách quý, các cơ quan báo chí truyền thông thưa các em sinh viên thân mến

      Được sự cho phép của các cấp Lãnh đạo, Hôm nay, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trang trọng tổ chức Lễ Mít-tinh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường Bưu điện – Vô tuyến điện, đơn vị tiền thân của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

      Trước hết, cho phép tôi được thay mặt Lãnh đạo Học viện, thay mặt tập thể Cán bộ, Giảng viên, nghiên cứu viên, học viên, và Sinh viên hiện đang công tác và học tâp tại Học viện nhiệt liệt chào mừng và chân thành cảm ơn Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, người đã quan tâm đến toàn bộ quá trình chuẩn bị tổ chức và có những chỉ đạo định hướng nhằm tổ chức trang trọng nhất Lễ kỷ niệm này đồng thời chỉ ra những định hướng tương lai phát triển rạng rỡ tiếp theo cho Học viện; trân trọng cảm ơn GS.TSKH Đỗ Trung Tá, các đồng chí Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành Bưu điện, ngành Thông tin Truyền thông qua các thời kỳ, Lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo, các vị khách quý, các nhà giáo lão thành, các đồng chí cán bộ, giảng viên và sinh viên của Nhà Trường qua các thời kỳ, các cơ quan thông tấn, báo chí đã luôn dành những tình cảm tốt đẹp và tới tham dự chia sẻ niềm vui lớn với chúng tôi trong sự kiện trọng đại hôm nay.

 

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu khách quý, các em SV

      Cách đây 70 năm, tại xã Cao Vân nay là xã Phú xuyên, Đại Từ tỉnh Thái nguyên, trong ATK Việt Bắc Trường Bưu điện – Vô tuyến điện, tiền thân của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ra đời và là Trường đào tạo cán bộ Bưu điện đầu tiên của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhằm phục vụ sự nghiệp trường kỳ kháng chiến của dân tộc

       Tên gọi trường Bưu điện Vô tuyến điện ngay từ ngày thành lập đã thể hiện tính công nghệ và hiện đại, có thể nói sau khi trường thành lập, khái niệm Vô tuyến điện mới được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam và là lĩnh vực quan trọng, hiện đại nhất trong Thông tin liên lạc. Mục tiêu đào tạo của trường cũng rất lớn lao và thể hiện rõ sự gắn kết giữa học và hành, đó là “Đào tạo cán bộ cấp trưởng ty để sau này điều khiển các Ty phòng hay nghiên cứu ở Nha khu sau một thời gian tập sự”. 70 năm đã trôi qua, Trường đã qua 9 lần đổi tên và 3 lần thay đổi chức năng, đối tượng đào tạo nhưng những tư tưởng của tiền nhân ngay từ ngày đầu thành lập vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay như phải đào tạo ra những cán bộ đầu ngành và luôn phải giữ gốc công nghệ, cập nhật xu hướng hiện đại, tính thực tiễn, dẫn đầu tiên phong trong mọi giai đoạn phát triển của mình.

      Trong suốt quá trình phát triển 70 năm của mình, Trường Bưu điện Vô tuyến điện và nay là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông luôn gắn liền với lịch sử phát triển của ngành Bưu điện, ngành Thông tin và Truyền thông, và luôn là một phần quan trọng không thể thiếu được đối với những thành công, những thăng trầm của ngành: 1/ Sau khi Hòa bình lập lại tại miền Bắc, giai đoạn 3 năm 1954-1957, khi chuyển về địa điểm Mộ Lao, Hà Đông chính tại nơi chúng ta đang ngồi đây, trường đã cung cấp 538 cán bộ để khôi phục và phát triển hệ thống thông tin liên lạc toàn miền Bắc. Năm 1962, do chủ trương sáp nhập bộ phận Truyền thanh vào Bưu điện, Trường tiếp nhận đào tạo thêm cơ sở đào tạo Truyền thanh mễ Trì gồm: lớp tại chức vô tuyến truyền thanh (48 học viên) và lớp quản lý kinh tế (31 học viên) đều là Trưởng, Phó các Ty địa phương. Đồng thời, Trường cũng được đổi tên thành Trường Chuyên nghiệp Bưu điện và Truyền thanh. Song song với công tác đào tạo, Trường đã thành lập chi hội phổ biến khoa học kỹ thuật nhằm giúp các địa phương và các cơ sở trong lĩnh vực chuyên môn và nghiệp vụ. Trường đã đăng cai dạy bổ túc cho cán bộ công nhân viên các trường và cơ sở địa phương, số người theo học có khi lên tới con số 800, đây chính là nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho ngành lúc đó. Ngoài nhiệm vụ đào tạo, với tính thực tiễn cao, trường còn đảm nhận xây dựng công trình đường dây Từ Sơn – Bắc Ninh với toàn bộ quy trình (khảo sát, đo đạc thiết kế, thi công), đảm bảo thời gian và chất lượng quy định.

       Đến năm 1965, với nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của ngành Thông tin Liên lạc phục vụ chiến trường miền Nam và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Trường đã đào tạo khóa Đại học đầu tiên và trở thành Trường Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc năm 1969;  nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên đã lên đường nhập ngũ đảm bảo mạng lưới thông tin liên lạc, thiết kế các máy vô tuyến chuyên dụng, phá thủy lôi, bom từ trường, một số cựu SV nhà trường đã hy sinh anh dũng. Trong quá trình này trường cũng đã trải qua các địa điểm sơ tán tại 03 xã Tuy Lộc, xã Ngô Xá, xã Tiên Lương thuộc huyện Cẩm Khê, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ và tại Thái Lai, Mê Linh, Vĩnh Phú nay thuộc Mê Linh Hà Nội và sau khi thống nhất đất nước 1975, trường lại chuyển về khu Mộ lao Hà đông, giai đoạn này Trường còn đào tạo nhiều cán bộ thông tin liên lạc cho các lực lượng vũ trang Công an và Quân đội 2/ Những năm 80 khi ngành Bưu điện khó khăn, Trường cũng phải chuyển chức năng đào tạo Đại học cho trường khác và gặp muôn vàn khó khăn để duy trì và cầm cự để đến đầu thập kỷ 90, khi ngành Bưu điện bắt đầu phát triển, trường tuy chưa được đào tạo bậc đại học nhưng hệ trung cấp của Trường đã thu hút rất nhiều học sinh giỏi và điểm trúng tuyển 02 môn trung cấp không thua gì điểm các trường Đại học hàng đầu khác. Năm 1997, cùng với sự bứt phá và tiến thẳng số hóa của Ngành Bưu điện, trường đã được Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT tổ chức lại cùng các đơn vị đào tạo nghiên cứu đầu ngành thành Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đào tạo từ bậc Đại học đến Tiến sỹ gắn kết giữa Đào tạo-Nghiên cứu- Sản xuất kinh doanh cung cấp nhân lực phục vụ giai đoạn phát triển vũ bão của ngành, không gian của Trường được mở ra toàn quốc với Học viện cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và có sức hút đặc biệt đối với những học sinh xuất sắc của cả nước. Sau khi trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2014, trong giai đoạn ngành Thông tin và Truyền thông dẫn dắt công cuộc Chuyển đổi số Quốc gia phát triển mạnh mẽ từ năm 2018 đến nay; dưới sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện đã nỗ lực thể hiện được vai trò tiên phong của mình, hình thành nền tảng Đại học số, được sự quan tâm của hơn 50 trường Đại học trong cả nước trực tiếp đến trao đổi chia sẻ kinh nghiệm Đại học Số, trong đó có nhiều trường đại học lớn; Học viện cũng là diễn giả chính tại nhiều diễn đàn Giáo dục Đại học Số quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và là Trường Đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo ủy quyền thu lệ phí, đối soát tự động Tuyển sinh quốc gia năm 2022, 2023 đạt độ tin cậy tuyệt đối 100% với nền tảng tuyển sinh số do Học viện tự phát triển. Học viện đã được bằng khen đột xuất của Thủ tướng Chính phủ năm 2022 về chuyển đổi số.

      Nhìn lại lịch sử 70 năm, Học viện chúng ta luôn tự hào là một trong những đơn vị có bề dầy truyền thống nhất và luôn đồng hành với sự phát triển của ngành thông tin truyền thông với nhiều thành tích vẻ vang, được Đảng và nhà nước ghi nhận phong tặng danh hiệu Anh hung Lao động thời kỳ đổi mới năm 2012. Ngày nay, các thế hệ Lãnh đạo ngành Thông tin và Truyền thông; thế hệ lãnh đạo, cán bộ giảng viên sinh viên Trường Bưu điện -Vô tuyến điện, Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông qua các thời kỳ có quyền tự hào hơn nữa vì Học viện chúng ta là trường đại học tự chủ công lập không hưởng ngân sách nhà nước, trực thuộc Bộ quản lý chuyên ngành có uy tín, quy mô và ảnh hưởng rộng khắp cả nước với 2 cơ sở khang trang tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, lưu lượng 20.000 sinh viên, là 1 trong 10 trường Đại học công nghệ lớn nhất Việt Nam, thuộc nhóm 3 trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông với các phòng Lab hiện đại về di động do Viettel tài trợ (bên cạnh những ngành đào tạo chủ lực về Công nghệ thông tin, Viễn thông, Điện Điện tử, chúng ta đã mở ra những ngành, chương trình đào tạo mới phục vụ Cách mạng công nghiệp 4.0 Chuyển đổi số như Kỹ thuật Dữ liệu, Công nghệ IoT, Robot AI Thiết kế IC; Chúng ta cũng là 1 trong 5 trường đại học hàng đầu khối kinh tế với những ngành nghề lai ghép như Công nghệ tài chính, thương mại điện tử, Maketing số; Học viện cũng đang là trường đầu ngành về Đa phương tiện truyền thông, Báo chí số. Học viện đã có những giải pháp sản phẩm Khoa học công nghệ tầm quốc gia như các nền tảng Đại học số đã được ứng dụng tại hơn 20 trường Đại học, hệ thống Chuyển đổi số công tác sinh hoạt Đảng, tham gia chủ chốt xây dựng báo cáo thường niên về Kinh tế số Việt Nam. Các hoạt động Hợp tác quốc tế của Học viện cũng được mở rộng, kết nối hơn 100 đối tác tại hơn 30 quốc gia, đặc biệt Học viện đã có mối quan hệ sâu sắc với các BigTech công nghệ như Amazon, Google, Qualcom, Nokia, Samsung, Naver và trong tháng 9 này Học viện sẽ ký kết các nội dung hợp tác về biến đổi khí hậu và bán dẫn với đối tác Hoa kỳ. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện đã mở lớp Thạc sỹ Khoa học máy tính bằng tiếng anh kết hợp với Viettel để đào tạo cho Asean và các nước trên Thế giới, Học viện cũng đã thu hút được 7 chuyên gia quốc tế tham gia giảng dạy nghiên cứu với Học viện và ngồi tại Hội trường này cũng có 2 giáo sư Yamada của Nhật và GS Pelugili của Italia. Các chỉ số phát triển quan trọng của Học viện những năm gần đây tăng trưởng là 20-30%.

      Kính thưa các vị khách quý, Thưa toàn thể các đồng chí,

      Cựu sinh viên và sự thành công của cựu sinh viên luôn là tài sản vô giá của một trường Đại học, 70 năm qua, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, chúng ta cũng luôn tự hào là trường chủ lực cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành và cho đất nước; nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của ngành Bưu điện, Thông tin và Truyền thông đã học tập và trưởng thành dưới mái trường này. Khóa đào tạo đầu tiên khi thành lập năm 1953 đã có những học viên ưu tú như bác Trương Văn Thoan sau là Tổng cục phó Tổng cục Bưu điện, GS.TS Trần Đức Hân là một trong những GS đầu tiên của ngành Điện tử Viễn thông, Trưởng Bộ môn Điện tử Bán dẫn của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và điều vô cùng hạnh phúc với nhà trường khi người sinh viên khóa 1 sau 70 năm vẫn đến tham dự lễ kỷ niệm ngày hôm nay. Khóa đầu tiên khi đào tạo Đại học của Trường Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc năm 1965 trường chúng ta đã có Sinh viên xuất sắc là GS. TSKH Đỗ Trung Tá, được giữ lại làm giảng viên, làm nghiên cứu sinh và sau đó trở thành Uỷ viên Trung ương Đảng chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và là Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông. Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam Vũ Văn Luân, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Vũ Tuấn Hùng, nguyên Phó Tổng Giám đốc VNPT: Bùi Thiện Minh, Phan Hoàng Đức, Ngô Hùng Tín, nguyên Giám đốc Học viện Vũ Văn San đều là sinh viên, giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc; Những khóa Đào tạo Sau đại học đầu tiên khi thành lập Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, chúng ta cũng tự hào có những học viên ưu tú như anh Ngô Đông Hải UVTU Đảng Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, anh Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, anh Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, anh Hoàng Minh, nguyên Giám đốc Học viện và nay là Giám đốc Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Bộ Khoa hoc và Công nghệ,

      Nhiều sinh viên Học viện đã trở thành những doanh nhân thành đạt như anh Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng Giám đốc Viettel Solution, anh Hoàng Tuấn Hải, Chủ tịch, Tổng Giám đốc VMO Holding 1 trong 10 công ty IT lớn nhất VN với 1200 nhân sự; anh Nguyễn Việt Tiến, Phó chủ tịch Ericson Việt Nam, anh Nguyễn Viết Lâm, Tổng Giám đốc Rikeisoft Academy, anh Nguyễn Văn Nam, Tổng Giám đốc ANSV, chị Nguyễn Thị Tâm, Phó Tổng Giám đốc Viettel Networks…

      Mạng lưới cựu sinh viên của Học viện đã được hình thành, nhiều hoạt động có ý nghĩa của Cựu sinh viên như tài trợ các phòng học thông minh, mở hệ đào tạo kết hợp với DN trên nền tảng số của các bạn cựu SV PTIT sáng lập của VMO, phối hợp xây dựng CSVC và đào tạo chứng chỉ nghề kết hợp với hệ ĐTTX như Riikesoft. Ban Liên lạc cựu sinh viên ở Bắc ninh hỗ trợ các khu tự học vui chơi cho sinh viên Học viện, Các cựu sinh viên cũng đang vận động sáng lập và ra mắt quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Đơi mới sáng tạo cho sinh viên Học viện.

      Thưa toàn thể các Quý vị đại biểu, các Đồng chí, và các em sinh viên thân mến,

      Để có Học viện hôm nay là cả một hành trình dài 70 năm thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, kế thừa truyền thống và phát huy những giá trị cốt lõi mà lớp lớp cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện gây dựng nên. Chúng tôi, những thế hệ cán bộ Học viện ngày nay luôn biết ơn và trân trọng những gì mà các thế hệ tiền bối đi trước, đặt nền móng xây dựng Học viện. Ngày 8/9 vừa qua, Học viện đã khánh thành Bia Kỷ niệm trường Bưu điện – Vô tuyến điện tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, là nơi thành lập trường Bưu điện – Vô tuyến điện và cũng là nơi đóng quân đầu tiên của thầy và trò nhà trường. Học viện vô cùng cảm kích trước tấm lòng của gia đình chị Mến anh Mạnh đã hiến đất, sự nhiệt tình của Lãnh đạo nhân dân xã Phú xuyên đã tạo mọi điều kiện cho công trình đặt bia kỷ niệm hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Đây là những tình cảm quý báu của chính quyền nhân dân địa phương suốt 70 năm qua không hề phai nhạt đối với nhà trường.

      Trong giờ phút trang trọng, xúc động kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã luôn quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ trường Bưu điện trước kia và Học viện ngày nay trong quá trình 70 năm xây dựng và trưởng thành. Xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới lãnh đạo địa phương và nhân dân Thành phố Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh nơi Học viện có các trụ sở, Lãnh đạo và nhân dân các địa phương nơi Học viện đóng quân. Xin gửi lời cảm ơn tới các đối tác Doanh nghiệp, các trường đại học, Viện nghiên cứu, các Hiệp hội các tổ chức và các cá nhân trong và ngoài nước về sự cộng tác chặt chẽ và giúp đỡ quý báu trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học hợp tác quốc tế.

      Đặc biệt, chúng ta xin bày tỏ lòng tri ân, biết ơn sâu sắc nhất tới các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, công nhân viên trường Bưu điện qua các thời kỳ đã tâm huyết và nỗ lực lao động, cống hiến và có những hy sinh thầm lặng để nhà Trường có được những kết quả ngày hôm nay. Tôi cũng xin gửi lời chúc mừng và cảm ơn tới các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, công nhân viên, học viên, sinh viên của nhà trường các thời kỳ do điều kiện tổ chức mặc dù Ban Tổ chức cũng đã rất cố gắng kết nối, hoặc do điều kiện sức khỏe, học tập, công tác đã không thể có mặt cùng tham dự Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm thành lập Trường bưu điện – vô tuyến điện. Học viện tiếp thu chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng sẽ xây dựng bảo tàng số để lưu trữ lại những con người, những sự kiện đã tạo nên lịch sử của trg Bưu điện và của Học viện.

      Chặng đường lịch sử 70 năm đã qua, tương lai đang mở ra phía trước. Thế hệ lãnh đạo, cán bộ giảng viên sinh viên Học viện ngày nay nhận thức được rằng cần phải nỗ lực hơn nữa đối với chặng đường sắp tới nhiều nhiều thử thách. Chúng ta phải lĩnh hội sứ mệnh đào tạo ra các sinh viên xuất sắc, những nhân tố đầu đàn dẫn dắt và thực hiện công cuộc Chuyển đổi số Quốc gia, đưa Việt nam trở thành đất nước hùng cường, chúng ta phải vươn ra thế giới với tâm thế của một Đại học đẳng cấp, một tổ hợp nghiên cứu đào tạo tiên tiến hiện đại về Công nghệ số hàng đầu khu vực. Lịch sử đang giao trọng trách cho chúng ta, phải cống hiến và dấn thân hết mình để Học viện đạt được những thành tựu rực rỡ hơn, để tương lai trân trọng chúng ta như hôm nay chúng ta đang trân trọng quá khứ.

      Đối với các em sinh viên ngồi đây, Học viện cam kết sẽ luôn là môi trường mở, khơi dậy những tư tưởng khai phóng, sáng tạo nhân văn tri thức, kiến tạo những mơ ước dù nhỏ nhất của các em trở thành hiện thực, là mái nhà thân thiết để bất cứ khi nào các em cũng có thể quay về chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, các em sẽ được tiếp cận những bài giảng số xuất sắc và các chuyên gia, giảng viên đầu ngành trong và ngoài nước và có một hệ sinh thái kết nối nhà trường sinh viên doanh nghiệp xã hội trên môi trường số, mỗi Sinh viên sẽ có một trợ lý ảo trợ giúp, để các em có những trải nghiệm tốt nhất hoàn thiện bản thân bằng những kỹ năng cụ thể và kiến thức tổng thể, hội nhập với nền giáo dục chia sẻ toàn cầu tại mái trường PTIT. Lịch sử đã tạo ra những con người xuất sắc của trường Bưu điện, chúng tôi tin chắc rằng chính các em sinh viên Học viện ngày hôm nay tại đây sẽ làm nên lịch sử của ngành của đất nước trong giai đoạn tiếp theo với công cuộc Chuyển đổi số quốc gia.

      Kính thưa Bộ trưởng, các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo, các em sinh viên,

      Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường Bưu điện Vô tuyến điện tiền thân của Học viện, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ giảng viên, công nhân viên của Học viện tại 2 miền Nam Bắc, hãy hợp thành một khối thống nhất, đoàn kết đồng tâm, giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp, giá trị cốt lõi, huy động mọi nguồn lực bên cạnh nội lực, sáng tạo tiên phong, khơi dạy khát vọng của hơn 800 cán bộ giảng viên và 20.000 sinh viên xây dựng Học viện ngày càng phát triển ngang tầm quốc tế với muc tiêu đến năm 2030 vào nhóm 100 trường Đại học hàng đầu Châu Á, 5 trường hàng đầu Đông Nam Á về công nghệ số.

      Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn và kính chúc đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, GS.TSKH Đỗ Trung Tá, các đồng chí lãnh đạo, các quý vị khách quý và toàn thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và các thế hệ sinh viên mạnh khỏe, hạnh phúc, đón vận hội mới với nhiều thành công.

      Xin trân trọng cảm ơn.