Trong những năm gần đây, ngành công nghệ vi mạch bán dẫn đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thiếu hụt chip trên toàn cầu là vấn đề nóng đang được các quốc gia quan tâm. Nhận thức được tầm quan trọng đó, sáng ngày 30/5, khoa Kỹ thuật điện tử 1 đã tổ chức buổi hội thảo “Công nghệ vi mạch và tương lai phát triển ở Việt Nam” với sự góp mặt của các chuyên gia đến từ những tập đoàn, công ty hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực công nghệ điện tử và thiết kế vi mạch. Hội thảo là nơi các chuyên gia, nhà khoa học và sinh viên được trao đổi, được hỏi đáp xoay quanh lĩnh vực công nghệ vi mạch, là cơ hội để sinh viên tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp và hiểu biết hơn về ngành nghề mình theo học. Hội thảo không chỉ dành cho sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện, Điện tử (sau viết tắt là Kỹ thuật Điện tử) mà còn là cầu nối cho những sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học, nhất là lĩnh vực công nghệ vi mạch.
Tại buổi tọa đàm, khi được hỏi về xu hướng phát triển công nghệ IC trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ông Phil Hoàng – Senior Manager Skywork solutions cho biết: Vi mạch được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu và sản xuất chip.
Thiết kế vi mạch chỉ cần bộ óc, cộng thêm kiến thức căn bản của kỹ thuật điện tử. Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhất là nguồn nhân lực trẻ, năng động và sáng tạo.
Cũng trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Yên, Giám đốc kỹ thuật Công ty CoAsia Vietnam Co.Ltd chia sẻ về cơ hội cũng như thách thức đặt ra đối với ngành công nghệ vi mạch ở Việt Nam, đặc biệt là sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử. Theo ông Yên: “Xã hội đang bước những bước tiến vào kỷ nguyên dữ liệu lớn, nơi mà sự gia tăng của những tiến bộ khoa học công nghệ như xe tự hành, điện toán may, phân tích dữ liệu lớn. Chính những yếu tố khách quan này đã dẫn đến sự thiếu hụt chip, vi mạch điện tử trên toàn cầu. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức, công ty sẵn sàng tiếp nhận các bạn sinh viên, kỹ sư mới ra trường và đào tạo thêm kỹ năng. Công ty Coasia sẽ hỗ trợ và chia sẻ với Khoa tài nguyên phòng Lab nghiên cứu ở công ty, và cho phép truy cập từ xa bằng cách cấp cho account. Công ty sẵn sẵn chuyển giao tài liệu để giảng dạy VLSI và sẵn sang hỗ trợ đào tạo cho sinh viên khi khoa có nhu cầu”.
Lời khuyên cho sinh viên học ngành thiết kế vi mạch theo ông Yên: “Cần học những kiến thức cơ bản, thực hành và làm đồ án nghiêm túc, nên xin vào các cộng đồng thiết kế vi mạch tiếp cận với công việc thật. Cần bổ sung thêm tiếng anh cho công việc thiết kế vi mạch, hãy đặt nhiều câu hỏi”
Còn theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc thiết kế FPT Semiconductor, một chuyên gia trong lĩnh vực IC design chia sẻ “Cơ hội việc làm cho sinh viên ở các tập đoàn lớn: Cần một đội ngũ kế cận được đào tạo một cách chuyên sâu và bài bản”
Theo ông Trịnh Thanh Lâm – Giám đốc kinh doanh Synopsys Nam Á nhận định, nhu cầu chip bán dẫn ở thị trường trong nước và quốc tế trong những năm tới đây là rất lớn. Chip vi mạch bán dẫn tích hợp đóng vai trò tiên quyết trong các thiết bị, quyết định hiệu suất làm việc và ảnh hưởng lớn đến giá thành của tất cả các hệ thống điện tử. Trong bối cảnh doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển.
“Ở VN có khoảng 5 nghìn kỹ sư làm công nghệ vi mạch, phần lớn làm việc cho công ty nước ngoài. Kế hoạch tuyển 400 kỹ sư. Tuyển hầu hết ở các trường chuyên đào tạo ngành Kỹ thuật Điện tử. dưới tầm nhìn của những người trong nghề đây là cơ hội rất tốt cho lớp trẻ VN. Sv SV Vn chấp nhận làm công việc khó này. Khách hàng của Synopsys phản ánh, kỹ sư của VN chất lượng tốt hơn, chăm chỉ hơn. Cơ hội việc làm là rất lớn và Khoa Kỹ thuật điện tử đã sẵn sang mở chuyên ngành mới rồi, đây là cơ hội tốt, thời cơ tốt cho các bạn sinh viên ngành kỹ thuật Học viện CNBCVT nói chung và sinh viên Khoa Kỹ thuật điện tử nói riêng.
Trong cơn “khát” nguồn nhân lực có trình độ, từ năm 2023 Khoa Kỹ thuật điện tử sẽ mở chuyên ngành “IC design”, đó là bước đi chiến lược, đánh dấu sự đột phá trong việc nắm bắt xu hướng của nhân loại. Chương trình đào tạo ngành IC design của Học viện sẽ đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh – hai khu vực sôi động, thu hút rất nhiều công ty, nhà đầu tư nước ngoài mà Synopsys là một trong số đó.
TS. Vũ Tuấn Lâm, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo, Khoa Kỹ thuật điện tử là Khoa “lõi” của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, chuyên đào tạo lĩnh vực Điện – Điện tử phục vụ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội. Khoa không ngừng đổi mới và tiệm cận phương pháp dạy và học sao cho phù hợp với năng lực người học, đáp ứng xu hướng phát triển của xã hội, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng ngày, PGS. TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện đã có buổi tiếp các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ vi mạch. PGS. TS Đặng Hoài Bắc cảm ơn các diễn giả đã có những chia sẻ quý báu dành cho sinh viên khối ngành kỹ thuật của Học viện. Giám đốc Học viện cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Học viện và các doanh nghiệp sẽ có các hoạt động hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam.