Ngày 23/02/2023, tại cơ sở đào tạo Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã tổ chức Hội thảo trao đổi học thuật trong khuôn khổ dự án APT 2020. Tham dự Hội thảo có, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện, PGS.TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện, ông Hiroshi Yamasaki, Ban Thư ký Liên minh Viễn thông châu Á – Thái Bình Dương (APT), ông Sheigehiro Ano, Chủ tịch Quỹ KDDI, Nhật Bản, ông Hirofumi Manabe, Phó Chủ tịch Quỹ KDDI, Nhật Bản, ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam, nhóm thực hiện dự án và các giảng viên Học viện.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện và các đại biểu tham dự Hội thảo

Ông Hiroshi Yamasaki, Ban thư ký APT đã giới thiệu về ATP và những hỗ trợ, hợp tác của APT với Bộ Thông tin và Truyền thông trong các dự án phát triển công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT) ở các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đồng thời, ông Hiroshi Yamasaki cảm ơn sự hợp tác tích cực từ nhóm nghiên cứu của PTIT trong quá trình triển khai dự án.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc PTIT nhấn mạnh: Là trường đại học duy nhất trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, trong những năm qua, PTIT đã vươn lên trở thành đơn vị đào tạo trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành và cho Việt Nam. PTIT rất vinh dự được tổ chức hội thảo trong khuôn khổ chương trình APT. Được biết, APT cũng đã tổ chức nhiều chương trình nâng cao năng lực liên quan đến các chủ đề CNTT-TT và thực hiện một số dự án thí điểm để thúc đẩy phát triển CNTT-TT trong khu vực nhằm thúc đẩy trao đổi kiến ​​thức tiên tiến và bí quyết kỹ thuật giữa các nhà nghiên cứu/kỹ sư CNTT-TT trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thông qua các dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế về ứng dụng CNTT. Về đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống phát hiện, cảnh báo đường sạt lở sau lũ sử dụng máy bay không người lái kết hợp với công nghệ GPS, Bản đồ số và xử lý ảnh”, PTIT rất vui mừng khi dự án đã mang lại những kết quả bước đầu cho chính quyền và người dân tỉnh Quảng Nam trong nỗ lực cứu hộ và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

PGS.TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo

Ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam cho biết: Từ năm 2020, tỉnh Quảng Nam tiếp tục hợp tác với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và các chuyên gia Nhật Bản để triển khai dự án “Nghiên cứu xây dựng hệ thống phát hiện, cảnh báo đường sạt lở sau lũ sử dụng máy bay không người lái kết hợp công nghệ GPS, bản đồ số và xử lý ảnh”. Kết quả của dự án sẽ cung cấp cho chính quyền địa phương và người dân các vùng hay bị ảnh hưởng bởi bão lũ, lở đất một công cụ hữu hiệu để giám sát và truy cập thông tin thời gian thực sau khi thiên tai xảy ra. Đây cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các lực lượng cứu hộ và giảm thiểu thiệt hại của thiên tai. Ông Phạm Hồng Quảng khẳng định: “Kết quả nghiên cứu của các dự án nếu được hoàn thiện và tích hợp vào hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh, như cổng thông tin điện tử hay ứng dụng “Smart Quang Nam” sẽ đem lại những lợi ích to lớn trong việc hỗ trợ đời sống của đồng bào các dân tộc miền núi của tỉnh. Ông Phạm Hồng Quảng cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác của các quỹ và tổ chức quốc tế, điển hình như APT và Quỹ KDDI trong việc triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ việc bảo tồn và phát triển các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo

Trước đó, được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông, PTIT đã đăng ký tham gia và triển khai dự án “Nghiên cứu xây dựng hệ thống phát hiện, cảnh báo đường sạt lở sau lũ sử dụng máy bay không người lái kết hợp công nghệ GPS, bản đồ số và xử lý ảnh” theo chương trình của APT 2020. Đây là nhiệm vụ khoa học công nghệ giải quyết vấn đề cấp thiết của tỉnh Quảng Nam ứng dụng sự chuyển giao công nghệ của các đối tác Nhật Bản có thể nhân rộng tại các địa phương Việt Nam. Dự án tập trung nghiên cứu các giải pháp ICT nhằm phát hiện các tuyến đường bị sạt lở sau khi lũ xảy ra, giúp cho việc cứu hộ và cảnh báo tới người dân xung quanh khu vực bị ảnh hưởng. Với việc ứng dụng công nghệ máy bay không người lái UAV và công nghệ xử lý ảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện tự động các tuyến đường bị sạt lở, kết hợp với công nghệ bản đồ số và GPS, hệ thống sẽ tự động đánh dấu các tuyến đường bị sạt lở trên bản đồ và gửi kết quả cũng như cảnh báo đến cơ quan chức năng của địa phương, cũng như thông tin đến người dân trong khu vực thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Báo cáo các công tác nghiên cứu đã triển khai tại Việt Nam trong khuôn khổ của dự án “Nghiên cứu xây dựng hệ thống phát hiện, cảnh báo đường sạt lở sau lũ sử dụng máy bay không người lái kết hợp công nghệ GPS, bản đồ số và xử lý ảnh” theo chương trình APT 2020 tại trụ sở của Quỹ KDDI tại Tokyo. Trong đó, các kết quả chính đã đạt được gồm: 1)Xây dựng hệ thống phần cứng UAV từ các thành phần phần cứng và phần mềm mã nguồn mở; 2) Xây dựng mô đun phần mềm xử lý ảnh phát hiện sạt lở dựa trên các công nghệ xử lý ảnh và trí tuệ nhân tạo; 3) Xây dựng mô đun phần mềm máy chủ hiển thị ảnh sạt lở trên bản đồ số và đưa ra cảnh báo; 4) Triển khai thử nghiệm hệ thống tại Huyện Nam Trà My, Tỉnh Quảng Nam.

Các kết quả nghiên cứu và triển khai dự án được đối tác đánh giá cao và đạt yêu cầu cho việc chuẩn bị các bước kết thúc dự án và tháng 3 năm 2023.