Từ năm 2020, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã đưa các môn học về Logistics vào chương trình đào tạo ngành Quản trị Kinh doanh. Năm 2023, Học viện mở chuyên ngành quản trị Logistics, sinh viên sẽ được lựa chọn chuyên ngành này cho định hướng chuyên môn sâu của mình.

Cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, các cơ hội giao thương giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra ngày càng cao, kéo theo nhu cầu đối với nhân lực logistics ngày càng lớn. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics nhận được sự quan tâm sâu sắc từ phía Chính phủ. Ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 200/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng. Nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực ngành Logistics – một yếu tố cốt lõi góp phần vào sự phát triển của ngành, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như thiếu về số lượng nhân sự, yếu về chất lượng chuyên môn. Hiện tại, nguồn nhân lực của ngành chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Hầu hết các công ty dịch vụ Logistics ở Việt Nam đều khẳng định tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao, trong khi đó nhu cầu về nguồn nhân lực ngành Logistics trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng.

Theo công bố của Sách trắng Logistics Việt Nam 2018 (VLA), hiện nay, ngành dịch vụ Logistics Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp, trong đó 54% số doanh nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu về nguồn nhân sự logistics là rất lớn. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp cho toàn ngành là 200.000 nhân sự, trong khi đó khả năng đáp ứng nhu cầu nhân sự chỉ đạt khoảng 10% – một con số vô cùng khiêm tốn. Ngoài ra, theo Báo cáo logistics Việt Nam 2018, nếu tính cả nhu cầu nhân lực logistics từ các doanh nghiệp sản xuất, thì nhu cầu nhân lực cho ngành Logistics có thể lên đến 2,2 triệu người vào năm 2030. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 20-25% mỗi năm của ngành Logistics, việc thiếu hụt nguồn nhân lực này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các doanh nghiệp Logistics trong nước. Từ các kết quả nghiên cứu trên có thể thấy, nhân lực ngành Logistics Việt Nam đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, khi chỉ có khả năng đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường với chất lượng không cao. Với quy mô và tốc độ phát triển trên, mỗi năm, ngành Logistic cần tới 20.000 nhân lực logistics được đào tạo bài bản, có chất lượng, đây là cơ hội rất lớn cho các cơ sở đào tạo ngành Logistics (nguồn:tapchicongthuong).

Nắm bắt được thực trạng đó và với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cao phục vụ cho sự phát triển của ngành Thông tin truyền thông và của đất nước, năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ đào tạo thêm chuyên ngành Quản trị Logistics thuộc Ngành Quản trị Kinh doanh. Các sinh viên từ khóa 2020 của Học viện sẽ có thêm sự lựa chọn khi đăng ký chuyên ngành đào tạo.

Chương trình Quản trị Logistics được thiết kế cùng với các học phần kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức ngành, cơ sở ngành và khối kiến thức chuyên ngành bao gồm các học phần: Quản trị doanh nghiệp, Quản trị Logistics, Quản trị vận chuyển và  giao nhận, quản trị dự trữ, Quản trị mua và nguồn cung ứng, Quản trị hệ thống thông tin Logistics, Nghiệp vụ hải quan, Chính phủ điện tử, Quản trị chất lượng, Quản trị rủi ro, Quản trị đổi mới sáng tạo, Truyền thông thương hiệu trong môi trường trực tuyến.

Bên cạnh đó, khi học chuyên ngành Quản trị Logistics sinh viên Học viện sẽ được đào tạo và rèn luyện thêm những kỹ năng về chuyên môn như: phân tích và đánh giá các kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; vận hành đại lý giao nhận và khai báo thủ tục hải quan; thực hiện nghiệp vụ xuất nhập khẩu và thanh toán quốc tế; quản trị chuỗi cung ứng; vận tải đa phương thước; quản trị kho hàng và tồn kho; quản trị hệ thống thông tin Logistics; khởi nghiệp và thiết kế mô hình Logistics, chuỗi cung ứng; xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; điều hành và quản trị doanh nghiệp trong lĩnh vực quản trị Logistics và chuỗi cung ứng.

Cùng với các ngành khối kỹ thuật, những năm qua, Học viện đã nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo các ngành khối kinh tế và bước đầu đã khẳng định được uy tín với người học và xã hội. Theo báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2021 của Học viện, 90% sinh viên ngành Quản trị kinh doanh của Học viện có việc làm trong thời gian 1 năm sau khi tốt nghiệp.

Như vậy, từ năm 2023, ngành Quản trị kinh doanh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ đào tạo 4 chuyên ngành: Quản trị Marketting, Quảng trị doanh nghiệp, Thương mại điện tử và Quản trị Logistics.