Ngày 02/12/2022, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo bình luận khoa học cuốn sách “Chủ quyền không gian mạng – Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia” do Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Chủ biên. PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tham dự Hội thảo.
Hội thảo được kết nối trực tuyến từ Học viện Chính trị Công an nhân dân (CAND) đến điểm cầu của Công an 63 địa phương và điểm cầu Trường Đại học An ninh nhân dân. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chù trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND khẳng định, sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet và các mạng xã hội đã và đang tạo ra không gian chiến lược mới – “không gian mạng” với nhiều thời cơ, vận hội nhưng cũng lắm thách thức đặt ra đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các thế lực thù địch và tội phạm hiện nay đang triệt để khai thác không gian mạng như một phương thức, “miền đất hứa” để thực hiện các hoạt động tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch, tập hợp lực lượng, kích động thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta; thực hiện hoạt động phạm tội, nhất là các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm khủng bố và các loại tội phạm khác. Trước thực tế đó, Đảng, Nhà nước ta đã sớm nhận thức rõ chủ quyền không gian mạng là bộ phận có tầm quan trọng đặc biệt của chủ quyền quốc gia, đồng thời bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng không những là nhiệm vụ cấp bách mà còn thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay, Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã biên soạn và xuất bản cuốn sách “Chủ quyền không gian mạng – Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia”. Cho đến thời điểm này, đây là một trong số rất ít các công trình khoa học đã được công bố trong nước có sự nghiên cứu tổng thể và toàn diện về không gian mạng, đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng – Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy nhấn mạnh.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, qua đó làm nổi bật hơn các vấn đề đã được đồng chí Bộ trưởng đề cập trong cuốn sách cũng như các vấn đề mới khác có liên quan, nhất là về cơ sở chính trị, pháp luật quốc tế và thực tiễn của bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; tuyên truyền, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Phân tích, làm rõ hơn bối cảnh quốc tế và trong nước, qua đó nhận diện rõ thời cơ, thách thức liên quan đến sự phát triển của không gian mạng; thực trạng và trách nhiệm, nghĩa vụ, cách thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong giai đoạn hiện nay, qua đó thấy được giá trị của cuốn sách đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và với công tác của lực lượng CAND nói riêng.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tiếp thu tinh thần và những nội dung của cuốn sách “Chủ quyền không gian mạng – Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia”, xem đây là cơ sở lý luận quan trọng để Học viện tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện chương trình, hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy có tính thực tiễn, tính ứng dụng cao và liên tục cập nhật xu thế mới nhất về Công nghệ thông tin, An toàn thông tin để trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng cơ bản tốt, từ đó nhằm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực an toàn an ninh mạng đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn phát triển của đất nước.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là một trong 8 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn để thực hiện đào tạo kỹ sư, cử nhân chuyên ngành An toàn thông tin. Học viện đã chính thức tuyển sinh ngành An toàn thông tin từ năm 2013. Từ đó đến nay, Học viện đã tuyển sinh được 10 khóa đại học chính quy An toàn thông tin, với số lượng sinh viên tăng lên hàng năm và hiện nay ổn định với khoảng 200-300 sinh viên mỗi khóa. Hiện nay, Học viện đã có 5 khóa đại học An toàn thông tin ra trường với khoảng gần 1.000 kỹ sư tốt nghiệp đóng góp lực lượng lao động chuyên sâu về An toàn thông tin và Công nghệ thông tin cho các cơ quan và doanh nghiệp. Nhiều kỹ sư An toàn thông tin tốt nghiệp tại Học viện đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong các đơn vị chuyên sâu về An toàn thông tin.