Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ lý tưởng là cái đầu tiên cần có để bước vào đời, vào đại học (ĐH) và nhiều chiêm nghiệm, trải nghiệm về việc học hành, học hỏi và khởi nghiệp với các tân sinh viên PTIT.

Trong không khí vui tươi phấn khởi dưới tiết trời mùa thu Hà Nội và cũng là năm học kỷ niệm 25 năm thành lập Học viên Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), Học viện đã trang trọng tổ chức lễ khai giảng năm học 2022-2023. Tham dự lễ khai giảng năm học mới 2022 – 2023 có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, các đại biểu khách mời, thầy cô giáo, đại diện nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên tham dự.

Lý tưởng là cái đầu tiên cần có để bước vào đời, vào đại học (ĐH)

Bộ trưởng mở đầu bài phát biểu bằng việc chia sẻ về lý tưởng. “Lý tưởng là ngôi sao sáng dẫn lối. Đời người thì ai cũng cần một ngôi sao sáng dẫn lối. Lý tưởng sống chính là ngôi sao sáng dẫn lối. Không có lý tưởng dẫn lối thì cuộc đời dễ thành luẩn quẩn. Không có lý tưởng cũng giống như sống mà không có mục đích. Không có mục đích thì học cũng không tới, nói chi tới khởi nghiệp. Lý tưởng thì dẫn đường, niềm tin thì tạo ra động lực tinh thần.

Lý tưởng và niềm tin thì tạo ra sức mạnh cho con người để vượt qua gian nan, thử thách. Sức mạnh này là lớn nhất, là vô địch. Nó lớn hơn cả sức mạnh vật chất. Hãy nhìn cha ông mình qua hàng ngàn năm đã dựng nước và giữ nước thế nào thì thấy. Khi khởi binh đánh đánh đuổi ngoại xâm, khi ra đi tìm đường cứu nước, thì có gì đâu ngoài lý tường và niềm tin”.


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Lý tưởng là ngôi sao sáng dẫn lối. Đời người thì ai cũng cần một ngôi sao sáng dẫn lối.

Theo Bộ trưởng, niềm tin là mảnh ván còn lại khi con thuyền đã bị giông tố đập nát. Mảnh ván ấy cứu sống chúng ta lúc khó khăn nhất. Không có lý tưởng lớn thì không có niềm tin lớn, không có niềm tin lớn thì không có sức mạnh lớn, không có sức mạnh lớn thì không có thành công lớn. “Cuộc đời có lý tưởng, có niềm tin, có hoài bão, có mục tiêu phấn đấu, có đóng góp, có cống hiến thì mới là cuộc sống có ý nghĩa”.

Bộ trưởng chia sẻ nhân vật chính Pa-ven Coóc-sa-ghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn nổi tiếng Liên Xô Ni-cô-lai Ốt-xtơ-rốp-xky đã nói đại ý thế này về lý tưởng, về lẽ sống: Cái quý giá nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân.

“Lý tưởng là cái đầu tiên cần có để bước vào đời, vào ĐH. Không có cái này thì những điều tôi sẽ nói sau đây sẽ không nhiều ý nghĩa”, Bộ trưởng chia sẻ và nhấn mạnh.

Phải họcđọc rộng để nghiên cứu sâu

Theo Bộ trưởng, muốn đào một cái giếng sâu thì miệng giếng phải rất to. Bởi vì khi đào sâu xuống thì đường kính phải nhỏ dần lại. Các em muốn sau này nghiên cứu sâu thì bây giờ phải học rộng, phải đọc rộng. Chương trình ĐH phải học nhiều môn cũng là có ý này. Hãy rộng trước rồi sâu sau.

Hỏi để học. Các cụ nhà mình nói: Học hỏi. Đa số các nước khác là không có từ này. Hỏi là tư duy. Học mà không hỏi là học mà không tư duy. Hỏi là tiêu hoá, học là ăn. Học mà không hỏi là ăn mà không tiêu hoá. Hỏi là tìm cái gốc. Học là cái ngọn. Học mà không hỏi là có ngọn mà không có gốc. Hỏi là để hiểu. Học là để nhớ. Nhớ nhiều mà không hiểu thì gọi là học vẹt. Hỏi là làm cho ít đi. Học là làm cho nhiều lên. Ít đi thì nhớ, nhiều lên thì không nhớ. Người uyên thâm thì bao giờ cũng tìm đến sự ít.

Hỏi để sinh ra tri thức mới. Học là nhận vào tri thức cũ. Học sinh mà hỏi thì giáo viên sẽ tư duy và vì thế mà sinh ra tri thức mới. Người giáo viên đến lớp mỗi ngày thấy thú vị là do học sinh hỏi. Không có sự thú vị mỗi ngày thì bài giảng cũng không hay được. Vậy là bằng cách hỏi, các em đã biến lớp học thành một môi trường sáng tạo. Hỏi là để giáo viên học ở học sinh. Học là để học sinh học ở giáo viên.

Thời 4.0, bác Google sẽ không nói gì nếu chúng ta không hỏi. Hỏi mà không trúng thì bác ấy cũng nói những thứ không liên quan, tức là rác. Hỏi mà trúng thì bác ấy cái gì cũng biết. Bởi vậy mà thời 4.0 thì hỏi là việc đầu tiên của học.

Hành để học. Các cụ nhà mình nói: Học hành. Học mà không hành gọi là học suông. Ăn đấy mà cái bụng vẫn rỗng. Học rồi hỏi thì hiểu. Nhưng chỉ có hành thì mới ngộ ra. Ngộ là khi kiến thức thành của mình. Học mà không hành thì kiến thức vẫn là của người khác. Học thì không biết mình cần học gì thêm nữa. Hành thì mới biết mình thiếu gì, cần học gì thêm. Học mà không hành thì luôn thấy thừa. Học mà hành thì thấy mình luôn thiếu. Thiếu là điều kiện đầu tiên của học.

Học là thầy dậy, trò nghe. Và vì vậy, trò khó mà giỏi hơn thầy. Hành là trò làm thầy xem. Và vì vậy mà trò có thể giỏi hơn thầy. Nó giống như huấn luyện viên thể thao. Trò có thể đá bóng giỏi hơn huấn luyện viên. Sách mà ít thì học trước rồi hành sau là đúng. Sách mà nhiều như bây giờ thì làm trước để biết mình thiếu gì rồi tìm sách mà đọc. Bây giờ vì thế mà hành trước rồi học sau. Vậy hãy hành nữa, hành mãi, học nữa, học mãi.


Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh trống khai giảng năm học mới

Khởi nghiệp để khai phóng năng lượng con người

Đối với những tân sinh viên mới nhập học trong xu thế 4.0, xu hướng khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ, Bộ trưởng chia sẻ: “khởi nghiệp để khai phóng năng lượng con người”.

Theo Bộ trưởng, khởi nghiệp là một áp lực lớn. Thường thì áp lực lớn mới khai phóng hết năng lực của con người. Tài nguyên của một quốc gia chính là những năng lực chưa được khai phóng này. Quốc gia nào khai mở được thì quốc gia đó hùng cường thịnh vượng. Khởi nghiệp là một cách để giải phóng tiềm năng con người.

Đài Loan thì cứ 16 người là có một doanh nghiệp (DN). Nếu Việt Nam cũng vậy thì chúng phải có tới 6 triệu DN. Bây giờ mới có chưa đến 1 triệu, tức là còn 5 triệu DN nữa đang chờ các em khởi nghiệp đó.

Theo Bộ trưởng, nếu hiểu lập nghiệp là hành thì lập nghiệp cũng giống như đi học vậy. Hành để biết mình không biết rồi từ đó mà học để biết. Vậy lập nghiệp là cách học tốt nhất. Nhưng đây là cách học mở mang bờ cõi và nếu là nhóm người đợi chờ thì không nên lập nghiệp.

Khi lập nghiệp luôn có nhưng câu hỏi: lập nghiệp thì nên tiêu tiền của ai? Khởi nghiệp thì có cần nhiều người không? Đi tìm một ý tưởng mới để lập nghiệp thì có khó không?

Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng đã lần lượt chia sẻ. Với câu hỏi đầu tiên, theo Bộ trưởng, dùng một đồng của mình thì thường cẩn trọng và hiệu quả hơn hàng chục lần so với tiền của người khác. Dùng đồng tiền cẩn trọng và hiệu quả là điều kiện đầu tiên của một doanh nhân. Vậy đầu tiên hãy dùng những đồng tiền ít ỏi của mình mà lập nghiệp. Chỉ dùng tiền của người khác khi đã thử, đã thấy cơ hội.

Khởi nghiệp mà càng ít người thì càng tốt. Bill Gates, Steve Jobs, Elon Musk đều khởi nghiệp từ 2-3 người. 2-3 người thì như một gia đình. Sức mạnh gắn kết, hy sinh thì không gì bằng gia đình. To ra thì không còn được như vậy nữa.

Câu hỏi tiếp theo, Bộ trưởng đưa ra thông tin tuổi thọ trung bình của các DN ngày nay chỉ còn 20 năm. Ngay cả 500 công ty lớn nhất trong Fortune 500 thì sau 10 năm cũng chỉ còn lại một nửa. “Bạn có một ý tưởng mới đúng thì tức là bạn đang chuẩn bị thay thế Facebook, Youtube đấy. Hãy nhìn TikTok mà xem. Khi Facebook và Youtube dài lê thê thì TikTok lại ngắn nhất có thể”.

Còn về đi tìm một ý tưởng mới để lập nghiệp có khó không, Bộ trưởng cho biết: “Sẽ là rất khó nếu bạn sinh ra vào một thời bình yên. Nhưng sẽ dễ hơn rất nhiều nếu bạn sinh ra vào thời của một cuộc cách mạng công nghiệp mới, cách mạnh số. Khi một cuộc cách mạng xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Những kẻ đang thành công lớn thì sẽ có xu thế làm như ngày hôm qua. Các bạn chỉ cần làm ngược lại với họ. Các bạn cứ nhìn ra xung quanh 10 năm gần đây mà xem, cơ bản là như vậy đấy”.


Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng quà cho 5 sinh viên có điểm tổng kết cao nhất của từng khóa đào tạo và sinh viên có kếquả bài thi cao nhất trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 của Học viện

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với các tân sinh viên PTIT khóa 2022 – 2023

Cuối cùng, Bộ trưởng chúc mừng: “năm học 2022 – 2023 của Học viện có nhiều đổi mới thú vị để giúp cho việc học rộng, học sâu, học hỏi, học hành và tinh thần khởi nghiệp của sinh viên được kết quả tốt đẹp”.

Giữ vững top 3 các trường ĐH hàng đầu về ICT

Cũng tại lễ khai giảng, PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện chia sẻ, năm học 2021-2022, dù vẫn chịu ảnh hưởng của COVID-19, Học viện tiếp tục khẳng định thương hiệu với vị trí top 3 các trường ĐH hàng đầu về ICT, Học viện đã thành lập thêm Khoa an toàn thông tin (ATTT) và mở các ngành đào tạo mới theo xu thế chuyển đổi số như khoa học máy tính (định hướng khoa học dữ liệu), công nghệ Internet vạn vật IoT, báo chí định hướng báo chí số và như vậy chúng ta đã đào tạo cơ bản đầy đủ các lĩnh vực của Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, từng bước đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực số.

Điểm chuẩn vào Học viện từ 24 -27,25 thể hiện sức hút của Học viện với xã hội. Các bạn tân sinh viên và gia đình có quyền tự hào và kiêu hãnh được khi là thành viên của mái nhà PTIT.


Giám đốc Đặng Hoài Bắc chúc các sinh viên bước vào năm học mới với nhiều tri thức, hoài bão và ước mơ, luôn mang tâm thế vững bước tiên phong của những công dân PTITer

Cho biết về Chuyển đổi số của Học viện, Giám đốc Đặng Hoài Bắc cho biết Học viện đã ứng dụng mạnh mẽ Chuyển đổi số trong giáo dục ĐH với hệ sinh thái số kết nối Nhà trường Sinh viên Giảng viên, các bạn tân sinh viên chắc đã trải nghiệm app PTIT ngay từ khi đăng ký tuyển sinh đến việc mua đồ uống online không tiền mặt qua ứng dụng này.

Giải pháp Chuyển đổi số của Học viện đã được hơn 20 trường ĐH tham quan ứng dụng. Nền tảng đăng ký tuyển sinh số kèm đối soát lệ phí của Học viện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia 2022 áp dung cho 290 trường ĐH từ Đà nẵng trở vào phía Nam. Đã có 4 triệu lượt nộp bài truy cập trên hệ thống thực hành lập trình ảo Dlab, Học viện cũng đã tiên phong xây dựng học liệu số các môn học chính trị với các chuyên gia hàng đầu và áp dụng triệt để vào năm 2023.

Với sự gắn kết với nhiều DN hàng đầu trong và ngoài nước như Viettel, VNPT, FPT, CMC, Vingroup, Samsung, Qualcomm, Google, Amazon, Naver, Giám đốc Đặng Hoài Bắc cho biết các sinh viên Học viện đã có môi trường học tập nghiên cứu trải nghiệm với DN, đặc biệt các DN Bigtech, đã có 03 môn học đã được thí điểm công nhận kết quả từ DN.

Năm học 2021-2022, Học viện đã có 299 sinh viên xuất sắc, 1.850 sinh viên giỏi, 57% sinh viên khá trở lên. Hơn 50 sinh viên đạt được thành tích cao trong nghiên cứu khoa học, các cuộc thi Olympic sinh viên, hơn 100 học viên cao học, sinh viên được nhận học bổng lên đến hàng trăm triệu đồng của DN, Học viện cũng đã trao đổi 30 sinh viên quốc tế. Có sinh viên Học viện đã có thành tích ngoại khóa nổi trội là kiện tướng cờ vua quốc tế. Sinh viên Học viện có quyền tự hào nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập chúng ta đã thiết lập cộng đồng PTITer rộng khắp, tại các tập đoàn DN hàng đầu và có ban liên lạc tại 34 tỉnh thành phố./.

Nguồn: https://ictvietnam.vn/