Năm 2022, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) kỷ niệm 25 năm thành lập. Đến nay, trường không chỉ khẳng định được thương hiệu, uy tín trước người học và xã hội mà còn chứng minh được hướng đi đúng đắn, sáng tạo khi luôn là đơn vị tiên phong trong giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.
1997- Tiên phong gắn kết Nghiên cứu – Đào tạo – Sản xuất kinh doanh
Ngày 11/7/1997, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn VNPT). Là một trong những trường đại học đầu tiên tại Việt Nam được đặt trực thuộc doanh nghiệp, qua thực tiễn hoạt động, Học viện đã liên kết được các yếu tố: Cơ sở đào tạo – Doanh nghiệp và xã hội – Viện nghiên cứu – Cơ sở đào tạo/nghiên cứu khác.
2007- Tiên phong trong đào tạo theo nhu cầu xã hội và tự chủ giáo dục đại học
Không chỉ dựa vào các nguồn lực của doanh nghiệp, Học viện đã chủ động xây dựng Đề án và từ năm 2007 là trường đại học công lập đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thu học phí từ người học để đảm bảo cân bằng các chí phí thường xuyên; Năm 2014 Học viện về trực thuộc Bộ TTTT; và năm 2016 là trường đại học tự chủ toàn bộ thường xuyên và chi đầu tư theo quyết định 222/TTg-QĐ, qua đó tạo cơ sở cho việc triển khai đào tạo, nghiên cứu khoa học đáp ứng theo nhu cầu xã hội. Đây là bước đột phá cơ bản để Học viện mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội và người học. Đồng thời, cũng là giải pháp cơ bản để Học viện huy động được nguồn lực từ xã hội cho hoạt động Đào tạo và Nghiên cứu khoa học.
2011 – Tiên phong mở ngành đào tạo lai ghép theo xu thế phát triển mới
Học viện luôn đi đầu trong đa dạng hóa các chương trình đào tạo, tiên phong mở ngành đào tạo mới trong lĩnh vực CNTT-TT ở Việt Nam, đặc biệt là các ngành đào tạo lai ghép, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ cách mạng 4.0 và chuyển đổi số quốc gia. Năm 2011, Học viện là trường đại học đầu tiên mở ngành Công nghệ đa phương tiện. Năm 2013, Học viện cũng là đơn vị đầu tiên được đào tạo ngành An toàn thông tin trình độ đại học. Tiếp đó, các ngành Truyền thông đa phương tiện năm 2015; Thương mại điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ tài chính (Fintech) lần lượt được mở và tuyển sinh vào các năm 2017, 2020, 2021; các ngành IoT, Khoa học máy tính định hướng dữ liệu bắt đầu tuyển sinh năm 2022 này.
2021- Tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục
Trong bối cảnh sự cạnh tranh về lĩnh vực giáo dục ngày càng gay gắt, Học viện xác định chuyển đổi số sẽ là điểm đột phá, sớm đứng trong hàng ngũ các cơ sở giáo dục đào tạo hàng đầu ASEAN.
Hiện nay, Học viện đang tiên phong trong chuyển đổi số để hướng tới sớm trở thành Đại học số đầu tiên của Việt Nam, là hình mẫu tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia, là một quốc gia số thu nhỏ, thay đổi cách thức dạy. Mô hình chuyển đổi số của Học viện được xây dựng với 3 trụ cột chính: Phát triển hệ thống quản trị số; Cung ứng dịch vụ số; Phát triển xã hội số – thu hẹp khoảng cách số.
Sau gần 2 năm từ khi bắt đầu triển khai, hiện Học viện đã hoàn thành giai đoạn 1 quá trình chuyển đổi số. Diện mạo của 1 đại học số dần hình thành thông qua ứng dụng kết nối cho giảng viên, sinh viên qua smartphone…; với các hệ thống điều hành trung tâm, điều hành lớp học, giám sát an ninh, lớp học thông minh, phòng thực hành D-Lab.
Kế thừa truyền thống 25 năm phát triển, Học viện sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới với sứ mệnh sáng tạo và chuyển giao tri thức cho xã hội thông qua việc gắn kết các hoạt động giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức mới lĩnh vực TT&TT.
Cách đây vừa tròn 25 năm, ngày 11/7/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 519/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) bao gồm: Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông I (thành lập năm 1953), Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông II (thành lập năm 1988, Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện (thành lập ngày 17/9/1966, Viện Kinh tế Bưu điện (thành lập 28/5/1975). Học viện là tổ chức Nghiên cứu, Đào tạo đầu tiên của Nhà nước được thành lập và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII với sứ mệnh gắn kết nghiên cứu – đào tạo – sản xuất kinh doanh. Ngày 17/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã trao Quyết định thành lập Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Được sự nhất trí của các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ – giảng viên – nghiên cứu viên Học viện, Học viện đã chọn ngày 17/9 là ngày truyền thống Học viện. Ngày 01/7/2014, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được điều chuyển từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngày 04/02/2016, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo cơ chế tự chủ.
|