Sau gần 1 năm triển khai, một hệ sinh thái ban đầu cho trường Đại học số được hình thành ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Hàng chục ngàn sinh viên và cán bộ, giảng viên của trường có thể thực hiện các hoạt động, từ gửi xe, theo dõi lịch học, xem điểm thi đến trả tiền ăn chỉ bằng chiếc smartphone.
Với tinh thần triển khai chuyển đổi số theo mô hình “Quốc gia số thu nhỏ”, Học viện đã nghiên cứu, tham khảo các định hướng, chính sách của quốc gia trong hoạt động chuyển đổi số và xây dựng phương án chuyển đổi số bám theo 3 trục của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Học viện cũng xây dựng các mục tiêu chuyển đổi số theo 3 trục là Quản trị số – Dịch vụ số – Xã hội số, Sau gần 1 năm từ khi quyết liệt triển khai nhiệm vụ do Bộ trưởng giao, các ứng dụng, nền tảng như PTIT S-Link; Hệ thống thực hành ảo D-Lab; Mô hình lớp học thông minh, Trung tâm điều hành số, mô hình dịch vụ công cấp 4, mạng xã hội Cựu sinh viên đã được phát triển, kết nối và dần trở thành hệ sinh thái ban đầu ở Học viện số.
Bước vào mùa tuyển sinh Đại học Chính quy năm 2021, Hệ thống xét tuyển trực tuyến đã được chuẩn bị và triển khai với hơn 9.000 tài khoản đã được khai báo và xét tuyển. Hệ thống được sử dụng xuyên suốt trong quá trình từ đăng ký xét tuyển đến xác nhận nhập học cũng như nộp hồ sơ nhập học của thí sinh. Toàn bộ quá trình từ đăng ký xét tuyển cho đến nhập học và vào học chính thức, thí sinh sẽ được hệ thống cấp 1 tài khoản duy nhất để sử dụng, đặc biệt thí sinh còn được cấp mã định danh đã được liên kết với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Agribank để phục vụ cho việc thanh toán online các khoản kinh phí theo quy định.
Kết quả của việc chuyển đổi số trong giáo dục đại học của Học viện có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn cả nước đang phải đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp; trong tương lai sẽ góp phần hình thành và phát triển được hệ sinh thái số hỗ trợ toàn diện mọi hoạt động cho người học và cho đơn vị.