Mặc dù 2 năm trở lại đây, do tình hình dịch bệnh tương đối phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta và các nước trên thế giới, nhưng công tác Nghiên cứu khoa học của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vẫn duy trì và phát triển và có những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự cố gắng nỗ lực sáng tạo của các Thầy cô, các Khoa, Viện nghiên cứu trong Học viện.
Tăng trưởng công bố quốc tế và đăng ký bản quyền sáng chế
Giai đoạn 2016-2020, Học viện có 474 bài báo công bố chất lượng quốc tế. Đặc biệt, năm 2020, Học viện có hơn 60 bài báo ISI/Scopus so với 28 bài năm 2016 nhờ cơ chế Hỗ trợ đối với bài báo ISI đối với cán bộ, giảng viên trong Học viện.
Giai đoạn 2016-2020 đã có 05 bản quyền quốc tế của cán bộ Học viện đăng ký tại Mỹ và Anh, tổ chức thành công hàng năm từ 2 đến 3 Hội nghị hội thảo quốc gia, quốc tế về Khoa học Công nghệ, góp phần phát triển 04 số Tạp chí Khoa học Công nghệ của Học viện, thành lập và phát triển 06 nhóm Nghiên cứu Khoa học trọng điểm bước đầu có những thành quả nhất định (Vô tuyến di động, 5G; An toàn Thông tin; BlockChain; Học máy Ứng dụng; Toán Ứng dụng; IoT tích hợp Hệ thống; Chuyển đổi số). Đặc biệt, hoạt động của Câu lạc bộ Khoa học Công nghệ trẻ được thúc đẩy và đã có những thành tựu đáng kể đó là cán bộ trẻ đang chủ trì 06 nhiệm vụ nhà nước và 02 dự án quốc tế.
Tăng cường Hợp tác quốc tế trong Khoa học Công nghệ
Học viện đã thực hiện được 05 dự án nghiên cứu khoa học quốc tế, hợp tác nghiên cứu với 12 tổ chức quốc tế, tập đoàn Đa quốc gia như Samsung, Naver, Qualcomm, Motorola, Erikson, KDDI, Viện nghiên cứu quốc gia Nhật bản NICT, Tổ chức viễn thông Châu Á Thái bình dương APT, Tổ chức Asean-IVO, Cục Công nghiệp CNTT Đài loan, tổ chức Eramus+, ICCO của Châu Âu… Năm 2021 tập đoàn Naver Hàn quốc đã tài trợ cho Học viện gói dự án hợp tác NCKH gần 6 tỷ VNĐ, trong tháng 06 năm 2021 Học viện cũng sẽ triển khai cụ thể các hợp tác với Tập đoàn Qualcomm.
Thực hiện các nhiệm vụ KHCN các cấp và hợp tác với Doanh nghiệp, Địa phương
Học viện hiện vẫn duy trì và là đơn vị đứng đầu các trường Đại học thực hiện các nhiệm vụ và 100% nghiệm thu đúng hạn các chương trình KHCN cấp nhà nước thuộc chương trình Chính phủ điện tử, CMCN 4.0, chương trình cấp thiết địa phương và chương trình vũ trụ, quỹ Nafosted với 20 nhiệm vụ tổng kinh phí ~ 80 tỷ VNĐ.
Học viện đẩy mạnh hợp tác phát triển các quan hệ với các Tập đoàn doanh nghiệp, hiệp hội ICT và với các địa phương. Dưới sự hỗ trợ của Bộ Thông tin Truyền thông và các Bộ liên quan, Học viện đã duy trì và phát triển các các hợp tác hiệu quả với 06 tập đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về ICT (Vietel, VNPT, MobiFone, VinGroup, CMC, FPT) và hàng trăm Doanh nghiệp ICT tại Việt Nam. Một số các hợp tác hiệu quả như Viettel tài trợ Lab nghiên cứu 4G/5G, hợp tác với VNPT phát triển dịch vụ xác thực EzCheck-VNPTcheck, hệ thống kiểm soát trực thông minh Ezsite của Viện CDIT cho MobiFone. VinGroup tài trợ 01 dự án về nghiên cứu chip siêu dẫn quang 8 tỷ VNĐ, tài trợ nghiên cứu cho 06 Nghiên cứu sinh của Học viện trị giá 900 triệu VNĐ.
Các giải pháp về Sổ tay Đảng viên Điện tử, sổ tay nhà nông điện tử, hệ sinh thái kết nối Sinh viên, an sinh điện tử, các giải pháp số hóa tương tác thông minh trong Giáo dục đang được triển khai và bước đầu được đánh giá cao tại một số địa phương.
Công tác nghiên cứu khoa học trong Sinh viên
Học viện luôn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Hàng năm sinh viên thực hiện hơn 100 nhiệm vụ khoa học công nghệ và liên tục đạt các giải cao trong các kỳ thi quốc gia quốc tế về khoa học công nghệ như giải nhất Olympic Toán và Tin học (ACM), giải nhì Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2019, giải nhì cuộc thi IoT khối Asean. Năm 2019, 2020 Học viện xúc tiến 03 chương trình Khởi nghiệp theo đề án 844 của Nhà nước (~ 3 tỷ VNĐ) và hình thành 01 Trung tâm Khởi nghiệp trong tháng 06 năm 2021.
Nhờ những kết quả tăng trưởng về nghiên cứu khoa học, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xếp thứ 11 tại Việt Nam và hạng 773 trên thế giới theo điểm chung cuộc theo bảng xếp hạng năm 2020 của tổ chức SCIMAGO (tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học – Tây Ban Nha). Tuy nhiên, nếu xét riêng từng tiêu chí, thì hạng của Học viện theo ba tiêu chí hiệu suất nghiên cứu, kết quả đổi mới và tác động xã hội lần lượt là 492, 450 và 238. Trong xếp hạng mới nhất của Webometric 5/2021, Học viện hiện đang nằm trong Top 15 các trường Đại học của Việt Nam.
Nhìn chung công tác NCKH của Học viện đã có chiều hướng tăng trưởng tốt và có sức lan tỏa nhưng thời gian tới còn nhiều khó khăn, thử thách và cần sự nỗ lực và những chiến lược phát triển có chiều sâu và bền vững để tăng trưởng về doanh thu cũng như hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh thể hiện vai trò với ngành Thông tin và Truyền thông trong việc dẫn dắt định hướng, làm chủ và phát triển các giải pháp công nghệ nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số Quốc gia.