Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Học viện Công nghệ BCVT được điều chuyển từ Tập đoàn VNPT về trực thuộc Bộ TT&TT kể từ ngày 1/7/2014. Trong năm 2015, Học viện đã từng bước chuyển đổi thành công từ mô hình của một đơn vị sự nghiệp thuộc doanh nghiệp, cụ thể là Tập đoàn VNPT sang là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ TT&TT. Đến cuối năm 2015, Học viện đã đi vào hoạt động theo mô hình mới một cách trơn tru, thuận lợi, không còn khó khăn, vướng mắc như thời kỳ đầu mới chuyển đổi.
Cũng trong năm 2015, Học viện cũng đã chủ động xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường. Đến nay, Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động Học viện Công nghệ BCVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho hay, Đề án này hướng tới mục tiêu phát triển Học viện Công nghệ BCVT theo mô hình của trường đại học hiện đại trên thế giới với hệ thống tổ chức, quản lý hiệu quả cao trên cơ sở chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học…
Mục tiêu cụ thể của Đề án là nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng sinh viên trúng tuyển đầu vào, bảo đảm người học sau khi tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng cao hơn quy định, theo cam kết được công bố của Học viện; được tiếp cận việc ứng dụng khoa học công nghệ; được rèn luyện kỹ năng và trau dồi phẩm chất đạo đức; phát triển chương trình đào tạo theo chương trình của các trường đại học hiện đại trên thế giới, đáp ứng nhu cầu phát triển thông tin và truyền thông của xã hội; phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý, phù hợp với nguồn lực của Học viện; chú trọng đào tạo các chương trình chất lượng cao, theo đặt hàng; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo đại học và sau đại học.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gồm nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; tăng cường nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên và đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; hoàn thiện mô hình quản lý, cơ cấu tổ chức theo mô hình quản trị doanh nghiệp, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của Học viện; thực hiện trách nhiệm xã hội của trường đại học công lập với các chính sách học bổng, khuyến khích học tập và tín dụng sinh viên; tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học tập tại Học viện.
Theo Đề án, Học viện được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; chính sách hỗ trợ, học bổng, học phí; đầu tư, liên doanh liên kết và mua sắm…
Học viện thu học phí theo kế hoạch. Cụ thể, mức thu học phí bình quân tối đa (của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm 2015-2016 là 12 triệu đồng/sinh viên/năm, năm 2016-2017 là 15 triệu đồng/sinh viên/năm.
Học viện quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; Thạc sĩ bằng 1,5 lần; cao đẳng bằng 0,8 lần; trung cấp bằng 0,7 lần mức học phí bình quân tối đa nêu trên; học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.