Dũng cảm mở không gian tăng trưởng mới không chỉ là đòi hỏi của thời đại đặt ra với Tập đoàn Viettel mà còn là tầm nhìn phát triển trong các lĩnh vực thông tin và truyền thông, để viết tiếp truyền thống của ngành.
Lời toà soạn: Trong 78 năm qua, ngành Thông tin và truyền thông đã có những thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào lịch sử phát triển của đất nước. Viết tiếp câu chuyện xây dựng để trường tồn, thế hệ hôm nay không chỉ biết nhớ và giữ lấy những giá trị cốt lõi ban đầu do thế hệ trước tạo nên, mà còn phải dám dấn thân, đổi mới, sáng tạo, mở ra các không gian phát triển mới. Trong buổi thăm và làm việc chính thức lần đầu tiên tại Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã gợi mở những không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp viễn thông. Đây không chỉ là hướng đi với Tập đoàn Viettel nói riêng mà còn gợi mở về tư duy phát triển cho lĩnh vực thông tin và truyền thông nói chung.
Chiều ngày 19/7/2023, đoàn công tác của Bộ TT&TT do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel). Sau 5 năm rời Viettel, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đến thăm chính thức Tập đoàn.
Ngày 1/6/1989, một công ty Điện tử thiết bị thông tin với 9 nhân viên và số vốn ít ỏi do Quân đội cấp được thành lập, mang tên Công ty Điện tử thiết bị thông tin Sigelco. Lúc đó, khối tài sản của Viettel chỉ là một dãy nhà cấp 4, một chiếc xe và công việc chính lúc đó là đi làm thuê, lắp đặt các trạm viễn thông.
Thế nhưng, lịch sử ngành viễn thông đã sang trang mới khi năm 2000 “chú lính chì” bé nhỏ bắt đầu tham gia thị trường VoIP – một phương thức gọi giá rẻ lúc bấy giờ với mã số 178 và với câu slogan “178 – Mã số tiết kiệm của bạn”. Ngay tại thời điểm này, nhiều người vẫn không thể tin rằng Viettel có thể kinh doanh được dịch vụ viễn thông khi mà quy mô công ty lúc bấy giờ không bằng một bưu điện huyện của VNPT.
Ngay lập tức, dịch vụ VoIP 178 đã trở thành cơn địa chấn và được nhiều khách hàng đón nhận vì giá rẻ. Thế nhưng, ngay lập tức Viettel đã phải chịu những rào cản lớn từ đối thủ VNPT khi liên tục gặp sự cố không đủ kênh kết nối, rồi sau đó không thu hộ cước…
Từ thành công của điện thoại đường dài VoiP 187, năm 2004, Viettel khai trương mạng di động đầu tiên với đầu số 098. Tại thời điểm đó, dịch vụ di động là dịch vụ xa xỉ và tỷ lệ người dân có điện thoại rất thấp chỉ dưới 5%.
Chiếm thị trường có mức chi phí cao luôn là chiến lược thông thường của các nhà mạng di động ở mọi nơi trên thế giới, nhưng Viettel có chọn lựa khác. Một chiến lược độc đáo được áp dụng để di động phát triển thần tốc là “lấy nông thôn vây thành thị” và “mạng lưới đi trước kinh doanh theo sau”. Họ đã tập trung khai thác thị trường nông thôn và cận đô thị, nơi mức thu nhập và khả năng chi trả cho dịch vụ điện thoại di động không cao, nhưng số lượng khách hàng lại lớn.
Ở thời điểm đó, rất nhiều người nghi ngờ khả năng cạnh tranh của Viettel với VinaPhone và MobiFone. Thế nhưng, chưa đầy 1 năm sau đó, Viettel có được 1 triệu thuê bao di động và mất hơn 2 năm để vươn lên trở thành mạng di động có số thuê bao lớn nhất Việt Nam.
Viettel đã phá vỡ thế độc quyền và biến dịch vụ viễn thông từ xa xỉ thành thứ hàng hóa bình dân, thiết yếu. Sau cuộc cách mạng ấy là sự thay đổi vượt bậc trong đời sống người dân và nền kinh tế Việt Nam nhờ tiếp cận tri thức và kết nối thông tin dễ dàng, chi phí thấp.
Không dừng lại ở đó, Năm 2007, Viettel bắt đầu đầu tư sang Campuchia với mạng di động Metfone. Lúc đó, Viettel nói rằng, ra nước ngoài chính là đặt mình trong thách thức, cạnh tranh với các nhà mạng viễn thông lớn của thế giới. Cho đến thời điểm này, Viettel đã phát triển kinh doanh tại 11 thị trường và tại 3 châu lục, trở thành nhà mạng đứng thứ 20 trên thế giới về thuê bao.
Thế nhưng cái gì tốt cũng không tốt mãi, thuận lợi cũng không thuận lợi mãi. Nhiều khách hàng chuyển sử dụng từ dịch vụ thoại, SMS truyền thống sang sử dụng dịch vụ OTT như Zalo, Facebook… làm xói mòn doanh thu của doanh nghiệp viễn thông. Vấn đề này không chỉ là câu chuyện xảy ra ở Việt Nam mà đang diễn ra trên toàn cầu, đặt tất cả các nhà mạng vào thách thức cần có lời giải. Bên cạnh đó, những công nghệ mới và xu hướng mới cũng mở ra cơ hội mới cho các nhà mạng.
Tốc độ tăng trưởng ngành viễn thông đang suy giảm
Báo cáo với lãnh đạo Bộ TT&TT, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, doanh thu toàn đơn vị trong 6 tháng đầu năm đạt 81,9 nghìn tỷ, lợi nhuận 25,3 nghìn tỷ đồng, hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được giao.
Tuy nhiên, dù là doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam, nằm trong top các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu thế giới, Viettel đang chững lại.
Việc đầu tư ra nước ngoài gặt hái quả ngọt khi tăng trưởng 20% về doanh thu, nhưng mảng viễn thông di động trong nước của Viettel đang chứng kiến sự suy giảm. Trong khi đó, các không gian mới ngoài viễn thông lại chưa được mở ra một cách mạnh mẽ.
Tại Hội nghị di động thế giới (MWC) 2023, nghiên cứu của tạp chí Cable (Anh) đã chỉ ra xu thế giảm giá dữ liệu di động từ việc phân tích hơn 5.000 gói dữ liệu di động trên 233 quốc gia để tính toán chi phí cho người tiêu dùng trên 1 GB. Tại Anh, giá cho 1 GB đã giảm từ 6,66 USD vào năm 2019 xuống chỉ còn 0,79 USD vào 2022, và sự sụt giảm này đã cũng xảy ra ở hầu hết các thị trường lớn khác của châu Âu.
Báo cáo thị trường di động hàng năm của Ericsson đã nêu bật tốc độ tăng trưởng của lưu lượng dữ liệu di động. Cụ thể, vào đầu năm 2020, khoảng 40 exabyte lưu lượng truy cập chảy qua các mạng di động trên thế giới mỗi tháng. Đến tháng 6/2022, con số này đã đạt 100 exabyte (tương đương tốc độ tăng trưởng 58%/năm). Trong khi đó, doanh thu viễn thông di động lại không có sự tăng trưởng tương xứng. |
Đi tìm không gian phát triển mới
Lý giải về sự chững lại của Viettel, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: Tự hào nhất của toàn ngành viễn thông là di động. Có lúc người ta còn nghĩ rằng di động sẽ thay thế cố định, bởi có giai đoạn (2005-2008) năm nào Viettel cũng tăng trưởng 100%. Nhưng di động đã và đang suy giảm ngày càng nhanh. Cái gì tốt không tốt mãi. Trong lúc mình đang tốt, nên dùng nguồn lực đó đi mở không gian mới. Những năm gần đây, di động của Viettel chững lại thì mảng cố định băng rộng được đầu tư từ hàng chục năm về trước lại tăng trưởng tốt.
Doanh nghiệp viễn thông chỉ dừng đầu tư 1 năm là tụt ngay, 2 năm là hệ thống quá tải. Không có doanh nghiệp viễn thông ở bất kỳ quốc gia nào mà 2 năm liền không đầu tư. Nhưng suốt 2 năm qua, Viettel hầu như không đầu tư cho mạng lưới nên chất lượng suy giảm.
Nếu không đầu tư nâng cấp mạng lưới, nếu không mở ra không gian mới, tự chúng ta sẽ ký “bản án tử” cho doanh nghiệp viễn thông.
Bộ TT&TT vì thế phải định hướng các doanh nghiệp viễn thông.
Các doanh nghiệp thành công quy mô lớn có xu thế níu kéo cái cũ hơn là mở không gian mới. Vì cái cũ thì to, cái mới thì nhỏ. Cái cũ thì đang có ngay, cái mới thì khởi tạo hôm nay, 5-10 năm sau mới có kết quả, người khởi tạo thì nguy hiểm, vất vả nhưng đến khi quả ngọt thì không còn ở đó nữa. Và đó cũng là lý do mà các doanh nghiệp đã thành công, đã to rất khó đổi mới. Tầm nhìn lớn cũng phải có dũng cảm lớn thì mới làm được.
Doanh thu toàn lĩnh vực | ||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Năm | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Viễn thông (nghìn tỷ) | 335 | 381.7 | 380 | 395.8 | 383.3 | 355 | 335 | 331 |
Doanh thu CN CNTT (tỷ $) | 61.0 | 67.6 | 76.5 | 102.9 | 112.5 | 124.6 | 136.2 | 148.0 |
Doanh thu ngành viễn thông tăng trưởng mạnh vào các năm 2016-2017-2018-2019 nhưng chững lại và giảm từ 2020, trong khi doanh thu từ công nghiệp CNTT tăng đều qua các năm và có xu hướng tăng ngày càng nhanh |
Đầu tư hàng năm vào dịch vụ viễn thông (Đơn vị: Nghìn tỷ) | ||||
---|---|---|---|---|
Năm | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Toàn quốc | 28.59 | 29.95 | 21.68 | 22.78 |
Viettel | 6.94 | 11.64 | 6.84 | 7.3 |
MobiFone | 4.16 | 6.6 | 6.3 | 5.1 |
VNPT | 12.2 | 8.6 | 6.04 | 7.31 |
FPT | 1.8 | 1.85 | 1.35 | 1.92 |
Tốc độ đầu tư vào viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có xu hướng giảm qua các năm. Nguồn: Sách trắng CNTT. |
Chính sách cho IoT
Bàn hướng mở không gian tăng trưởng mới, Chủ tịch Tào Đức Thắng nêu vấn đề: Một trong những không gian tăng trưởng mới là Internet vạn vật (IoT), nhưng chưa thấy chiến lược IoT một cách tổng thể cho xã hội dẫn đến thiếu sự đồng bộ toàn quốc.
Trước phản ánh này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Cục Viễn thông nghiên cứu tình trạng mỗi ngành IoT một kiểu, và liệu Nhà nước có nên quy hoạch phát triển IoT không. Nếu IoT qua nhà mạng viễn thông giá tốt hơn, phổ cập tốt hơn thì cần chính sách khuyến khích.
Người đứng đầu ngành TT&TT nhận định IoT là một trong những chiến lược lớn quốc gia (vì nó tạo ra dữ liệu lớn, tạo ánh xạ thế giới thực vào thế giới số – là căn bản của chuyển đổi số), trong khi quản lý nhà nước cứ loay hoay ở viễn thông. Quản lý nhà nước có nhiệm vụ mở không gian bằng chính sách, tạo ra sự phát triển. Bộ TT&TT sẽ sớm quyết việc này.
Làm gì để Việt Nam có nhiều trung tâm dữ liệu lớn?
Chủ tịch Viettel báo cáo về việc xây dựng các trung tâm dữ liệu: Ở Việt Nam đang diễn ra tình trạng công ty công nghệ phải lo cả xây dựng tòa nhà và lắp đặt thiết bị công nghệ, trong khi các nước trong khu vực đã chuyên nghiệp hóa theo hướng tách thiết bị công nghệ và xây dựng bất động sản thành hai. Các mô hình của Trung Quốc, Ấn Độ đang như vậy.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị xem xét về mô hình các nước đó. Có doanh nghiệp làm cloud tốt thì không có nghề xây dựng và ngược lại. Bởi vậy, nên tách ra, ai chuyên việc gì thì làm việc đó mới nhanh được.
Hiện nhiều công ty viễn thông, CNTT nói khó nhất là nghề bất động sản, còn việc lắp và vận hành server thì đơn giản. Vậy nếu tách hai việc này ra để chuyên nghiệp hóa thì sẽ dễ hơn.
Về quy hoạch trung tâm dữ liệu, Bộ trưởng cho biết Bộ đã đề xuất với Chính phủ ngoài các trung tâm quốc gia thì mỗi vùng có đều có quy hoạch trung tâm dữ liệu vùng, coi như đó là cú huých để phát triển công nghiệp dữ liệu. Kinh nghiệm Trung Quốc là chọn những tỉnh mát mẻ để giảm tiền điện, chọn những tỉnh nghèo vì xin được giảm giá điện để thu hút đầu tư.
Thị trường của dữ liệu và xử lý dữ liệu lớn sẽ lớn hơn viễn thông khá nhiều vào năm 2030, không gian rất rộng, nếu cơ chế, chính sách và tầm nhìn đủ lớn thì sẽ tăng trưởng sẽ rất cao, 20-25%/năm.
Việt Nam hiện có 27 trung tâm dữ liệu với 364.840 server, bằng 1/15 lần Singapore, bằng 1/5 so với Thái Lan và 1/5 so với Malaysia và chiếm chưa được 1% số lượng trung tâm dữ liệu toàn cầu. Trên thế giới đã có trên 8.100 trung tâm dữ liệu, trong đó Mỹ đang dẫn đầu với trên 30% trung tâm dữ liệu nằm ở Mỹ. Dự báo đến 2025, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ lên đến 1 tỷ USD từ mức hơn 400 triệu USD hiện nay, tạo dư địa tăng trưởng rất lớn cho các DN. |
Không xin hỗ trợ thì sẽ có thêm động lực phát triển
Trước đề nghị hỗ trợ chính sách phát triển chipset và thiết bị viễn thông của Viettel, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kể lại câu chuyện cách đây 10 năm có một chuyên gia Fulbright đưa ra kết quả khảo sát, một số chính sách công nghiệp của Việt Nam có hỗ trợ nhà nước lại thất bại, một số ngành không có hỗ trợ thì lại thành công.
Theo Bộ trưởng, hỗ trợ nhà nước phải qua rất nhiều quy trình. Đi qua được quy trình đó thường phải là những người thạo nghề mới qua được, nhưng họ không phải người thạo nghiên cứu.
Khi làm thiết bị quân sự, Viettel xin làm việc khó nhưng không xin hỗ trợ, không dùng ngân sách nhà nước, nhưng nhà nước cam kết mua sản phẩm nếu chất lượng tương đương nước ngoài và giá giảm 20% so với giá đang mua của nước ngoài. Không hỗ trợ có một cái rất hay là khiến mình phải tự lực, khó khăn thì con người thường trở lên thông minh hơn và vì thế mà thành công. Nếu xin được tiền thì thường chỉ tìm cách tiêu tiền thôi. Nhưng nhà nước hỗ trợ đầu ra thì lại rất tốt.
Nền tảng số Việt Nam
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số (ngày 12/7/2023), Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ: Chuyển đổi số (CĐS) phải dựa trên các nền tảng số. Trong không gian mạng thì người nào nắm nền tảng số người đó nắm dữ liệu, và vì nắm dữ liệu mà người đó sẽ quyết định tất cả. Bởi vậy, CĐS Việt Nam mà không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi chính từ CĐS Việt Nam lại không phải Việt Nam. Phát triển các nền tảng số Việt Nam là lời giải chính cho CĐS Việt Nam. Từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ TT&TT mong muốn những tập đoàn công nghệ lớn như Viettel sẽ có những đóng to lớn trong công cuộc CĐS quốc gia. Đó là phát triển các nền tảng số cơ bản, phổ cập dịch vụ số cơ bản, là kinh tế số, là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua CĐS. |
Thế chỗ những doanh nghiệp thành công
Trước đề xuất Viettel cùng Vụ Bưu chính đưa ra chiến lược về hệ thống logistic quốc gia, đảm bảo Việt Nam là cửa ngõ vận chuyển hàng hoá từ Trung Quốc đi các nước và ngược lại, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý cần tìm hiểu xem tại sao logistic Việt Nam vẫn đắt? Thiếu doanh nghiệp lớn hay tại sao? Logistic là việc khó nhưng nếu không làm thì mất thị trường bởi các sàn TMĐT ở Việt Nam cơ bản là của nước ngoài rồi.
Sàn TMĐT thì công nghệ số là rất quan trọng. Mà công nghệ thì thường 10 năm hoặc 15 năm là đổi ngôi. Lúc nào cũng có cơ hội để chúng ta thay thế những doanh nghiệp thành công. Đây cũng có thể là cơ hội của Viettel nếu nhìn từ góc nhìn công nghệ.
Thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2022 đã là 16 tỷ USD, tăng đều đều 20-25%/năm nhưng cũng chỉ mới chiếm 7,5% doanh thu hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng. Không gian ở đây còn rất lớn.
Yahoo về tay Verizon với giá 4,83 tỉ USD năm 2016, Microsoft thâu tóm Nokia với giá 7,2 tỉ USD năm 2014, Lenovo thâu tóm Motorola với giá 2,9 tỉ USD năm 2011, Sharp bị Foxconn mua với giá rẻ mạt năm 2016. Sự biến mất của các thương hiệu một thời TOP đầu thế giới chứng minh cho việc những doanh nghiệp thành công không thể thành công mãi và đó là cơ hội cho những doanh nghiệp đi sau nhưng nắm bắt công nghệ mới.
Amazon là một ví dụ điển hình về câu chuyện thế chỗ những doanh nghiệp thành công. Từ một công ty phân phối nhạc, video và sách trực tuyến năm 1997, Amazon đã trở thành kẻ phá vỡ các ngành công nghiệp lâu đời thông qua đổi mới công nghệ và tái đầu tư “tích cực” lợi nhuận để tăng trưởng. Tính đến năm 2023, Amazon là sàn thương mại điện tử và nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây (Amazon Web Services – AWS) lớn nhất thế giới. Năm 2021, Amazon vượt qua Walmart để trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc. |
Thế hệ trước làm, thế hệ sau hưởng
Trả lời câu hỏi “Viettel đã mạnh dạn tiến vào không gian mới hay chưa?” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định phải bỏ cái cũ mới sinh ra cái mới được. Mình đang cố giữ dịch vụ SMS và Voice, là những dịch vụ viễn thông truyền thống đã 30-40 năm nay ở Việt Nam nên tỷ lệ này hiện vẫn 40%, trong khi thế giới đã dưới 20%. Tâm lý này bình thường, chỉ có người vĩ đại mới vượt qua được tâm lý đó. Viettel phải vượt qua mới tiếp tục lớn mạnh được.
Viettel đang hưởng thành quả từ đầu tư trước đây, từ các thế hệ lãnh đạo trước. Viettel đang cũng hưởng một quả ngọt nữa là công nghiệp công nghệ cao, được khởi xướng từ những năm 2010, đều cách đây hơn 10 năm. Có thể thấy những cái mới không đến nhanh được.
Chúng ta được hưởng thành quả từ quá khứ thì cũng phải khởi sự cái mới cho thế hệ sau. Đó cần là triết học của Viettel.
Gợi ý không gian mới cho Viettel, Bộ trưởng nói: Doanh thu dịch vụ viễn thông chỉ chiếm khoảng 1,5% GDP toàn cầu và có xu thế giảm. Tuy nhiên đến năm 2030, chuyển đổi số lại chiếm đến 10% GDP toàn cầu. Tức là đến năm 2030, thị trường chuyển đổi số gấp 6 lần thị trường viễn thông.
Những thứ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân loại nhưng cũng mang đến nguy cơ hủy diệt bao gồm: Gene, năng lượng hạt nhân và AI.
Sức mạnh của AI được đánh giá hơn cả hạt nhân. Cái khó nhất của AI là dữ liệu. Bộ TT&TT sẽ thay mặt đứng ra thu thập dữ liệu của nhà nước để huấn luyện nền tảng Việt Nam. Mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và trên đó phát triển ứng dụng trợ lý cho công chức nhà nước, góp phần tăng năng suất lao động và nâng chất lượng công chức nhà nước. Sau đó chúng ta có thể biến trợ lý này thành dịch vụ cho mọi doanh nghiệp, cho mọi người.