Sáng 12/1, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị này.
Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,
Kính thưa Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà và các đồng chí lãnh đạo Bộ,
Kính thưa các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng,
Kính thưa các đ/c lãnh đạo Trung ương và địa phương,
Thưa các đồng chí!
Năm 2021 là một năm khó khăn do đại dịch Covid-19, cả việc nước và việc nhà. Nhưng ngành Nội vụ lại làm được nhiều việc hơn, có nhiều sự phát triển mới. Xin được chúc mừng Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ.
Chuyển đổi số (CĐS) thì cần nhất là cam kết của người đứng đầu, sự quyết liệt vào cuộc của người đứng đầu. Chị Trà mà quyết tâm, trực tiếp cùng làm thì CĐS ngành Nội vụ sẽ thành công.
CĐS là một sự chuyển đổi mang tính cách mạng, vì nó thay đổi phương thức vận hành của một ngành, một tổ chức. Việt Nam là một trong số ít nước nhìn thấy yếu tố quyết định của người đứng đầu trong công cuộc CĐS. Bởi vậy mà Uỷ ban Quốc gia về CĐS là do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Một trong 16 thành viên của Uỷ ban là chị Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
CĐS là một cơ hội. Nếu chúng ta đồng hành cùng nhân loại thì chúng ta đứng đâu sẽ vẫn đứng đó. Chỉ có đi trước và đi nhanh hơn thì chúng ta mới vượt lên trước, thay đổi thứ hạng, để trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đi trước thì luôn cần sự dẫn dẫn dắt của Đảng. BCS Đảng Bộ Nội vụ nên ra nghị quyết chuyên đề về CĐS, Bộ trưởng phê duyệt một chương trình hành động về CĐS cho 5 năm.
Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Là năm đầu thực hiện các chiến lược mới, cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia, như: Chiến lược Hạ tầng số, Chiến lược Dữ liệu, Chiến lược An toàn thông tin mạng, Chiến lược Công nghiệp công nghệ số, Chiến lược Chính phủ số, Chiến lược Kinh tế số và Xã hội số. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các văn bản chiến lược và kế hoạch CĐS năm 2022, trên cơ sở đó, các đồng chí bộ trưởng sẽ phê duyệt kế hoạch CĐS năm 2022 của bộ mình và triển khai quyết liệt, đồng bộ ngay từ đầu năm.
CĐS ngành Nội vụ tức là toàn bộ công viên chức ngành nội vụ từ trung ương tới địa phương, tới tỉnh, tới huyện, tới xã sẽ làm việc chung trên một nền tảng số. Các địa phương không phải đầu tư, không phải vận hành khai thác, như các hệ thống CNTT trước đây. Nền tảng số thì toàn bộ tri thức của ngành Nội vụ đã được cấy vào phần mềm, và dễ dùng như là dùng mạng xã hội vậy, sẽ không mất nhiều công sức đào tạo sử dụng, như là các phần mềm CNTT. Một thay đổi mới của ngành sẽ được lập trình vào nền tảng số để sáng ngày hôm sau, cán bộ công chức của 63 tỉnh/thành, của hàng ngàn huyện, hàng chục ngàn xã sẽ làm giống nhau. Nền tảng số thì dữ liệu tập trung, liên thông. Không cần cấp dưới báo cáo cấp trên, sẽ giảm được rất nhiều lao động. Dữ liệu tập trung thì mới có dữ liệu lớn, để dùng trí tuệ nhân tạo phân tích, đánh giá và tạo ra giá trị mới.
Khó khăn lớn nhất đối với cán bộ công chức hiện nay là phải nhớ quá nhiều các văn bản, các qui định, các số liệu. Và các văn bản này lại đang ngày một nhiều hơn. Vậy nên, ai cũng mơ ước có thư ký giúp việc. Nhưng chỉ có cấp thứ trưởng trở lên mới có thư ký, trợ lý. CĐS thì mỗi công chức, viên chức, người lao động ngành Nội vụ sẽ có một trợ lý ảo hỗ trợ công việc. Trợ này như một chuyên gia, nhớ nhiều, hỏi gì cũng được và càng ngày càng giỏi, càng dùng nhiều càng giỏi, vì nó học được tri thức của con người. Ngành Nội vụ nên triển khai sớm, nếu làm nhanh thì 6 tháng là xong.
Quản lý nhà nước thì phải phân cấp. Quốc hội ra luật, chính phủ ra nghị định, bộ ra thông tư, địa phương ra các nghị quyết, quyết định. Có đến hàng triệu văn bản qui định như vậy và sự mâu thuẫn là tất yếu. Và không ai có đủ sức để đọc, để phân tích tìm ra mâu thuẫn của các văn bản này, và vì vậy mà rất khó quản lý thống nhất. Chỉ có công nghệ trí tuệ nhân tạo là làm được việc này. Ngành Nội vụ rất nên xây dựng công cụ AI để phát hiện mâu thuẫn của các văn bản qui định trong ngành.
Đào tạo, bồi dưỡng theo cách truyền thống vẫn là tập trung lại và có người giảng. Đi lại, ăn ở tốn kém và mất thời gian, người giảng lại có thể không hay. CĐS thì tạo ra nền tảng đào tạo trực tuyến. Nền tảng đào tạo số thì sẽ là bài giảng hay nhất, cán bộ công chức học lúc nào cũng được, thi lúc nào cũng được. Bộ trưởng Trà sẽ không phải nhắc vì đến ngày đến giờ, hệ thống sẽ thông báo cho Bộ trưởng là bao nhiêu người chưa đạt yêu cầu về nội dung cần đào tạo, và họ có thể không được vào hệ thống để làm việc.
CSDL công chức, viên chức, người lao động của bộ máy nhà nước mặc dù là thuộc giai đoạn làm CNTT, nhưng vì chưa làm nên cần làm ngay, vì nó là điều kiện cần để thực hiện CĐS ngành Nội vụ.
Một số việc nêu trên với ngành Nội vụ thì nghe có vẻ khó, nhưng lại là việc khá đơn giản với giới công nghệ. CĐS thì người lãnh đạo quyết định chuyển đổi cái gì, còn làm cái đó như thế nào thì hãy để cho các nhà chuyên môn và doanh nghiệp làm. Tách bạch hai công đoạn này sẽ làm cho CĐS dễ hơn và nhanh hơn. Tóm lại là, chị Trà nói muốn gì và phần còn lại là doanh nghiệp làm, nhưng tri thức ngành thì Bộ phải cung cấp để đưa vào phần mềm. Phát triển xong nền tảng thì chị Trà và toàn bộ hệ thống phải dùng hàng ngày, góp ý các bất cập để nền tảng thông minh hơn và hoàn thiện hơn từng ngày.
CĐS thì có tốn kém nhiều không? Nếu so sánh với các hạ tầng khác thì không tốn kém. Một vài km đường cao tốc là đã có thể CĐS cả ngành Nội vụ. Chính phủ đề xuất và Quốc hội đã quyết định chi thêm ngân sách cho CĐS, để góp phần phục hồi và phát triển triển KT-XH. Đại hội 13 của Đảng cũng đã xác định CĐS là động lực phát triển Việt Nam trong những thập kỷ tới.
CĐS thì có thể làm nhanh không? CĐS thì làm nhanh tốt hơn làm chậm. Việc 5 năm nên làm 1 năm. Bởi vì công nghệ đã sẵn sàng, nhiều nền tảng số đã được phát triển, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đủ sức giải quyết các bài toán của ngành Nội vụ. Kế hoạch CĐS của Bộ Nội vụ và một số việc nêu trên, nếu Bộ trưởng quyết tâm, ngành Nội vụ quyết tâm, cùng với sự đồng hành của Bộ TTTT, thì có thể làm xong trong năm 2022.
CĐS là một công cuộc vĩ đại nhằm đưa Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Bộ TTTT sẽ sát cánh đồng hành cùng Bộ Nội vụ trong CĐS. Có gì khó khăn mà thuộc chuyên môn TTTT thì Bộ Nội vụ chuyển sang cho Bộ TTTT, càng nhanh càng tốt. Bởi vì, cái gì mà khó đối với Bộ Nội vụ thì không khó với Bộ TTTT và ngược lại.
Xin được chúc mừng năm mới Nhâm Dần! Kính chúc sức khoẻ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và tất cả các đ/c, chúc một năm mới CĐS quốc gia thật thành công để hình thành một Việt Nam số thông minh, năng suất cao, thích ứng nhanh và có sức chống chịu cao!
Xin trân trọng cảm ơn!
Theo: VietNamNet