Trong các ngày từ 16/10/2024 đến 19/10/2024, đoàn công tác của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông do PGS. TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban điều phối dự án VLIR tại Vương Quốc Bỉ. Chương trình làm việc nhằm đánh giá, tổng kết giai đoạn 1, thảo luận các bước tiếp theo trong giai đoạn 2 của dự án cũng như tham dự hội thảo đánh giá triển khai AR/VR với các mô hình nghiên cứu dựa trên thiết kế.

Cùng đi với đoàn, có PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin & Truyền thông, đại diện một số đơn vị của Học viện. Tiếp đón và làm việc với đoàn công tác của Học viện có: GS. Tammy Schellens – Điều phối dự án phía Bỉ, Khoa Tâm lý học và Khoa học Giáo dục, Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ; GS. Martin Valcke – Đồng điều phối dự án, Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ.

Tại buổi làm việc, PGS. TS Trần Quang Anh – Phó giám đốc Học viện đã báo cáo tổng kết về dự án, nhấn mạnh mục tiêu chính của dự án là phát triển và thử nghiệm các giải pháp số sử dụng công nghệ thực tế ảo và thực tại tăng cường (VR/AR) để đào tạo kỹ năng số cho các nhóm mục tiêu trong phát triển nông thôn tại Việt Nam, đặc biệt hướng đến đối tượng phụ nữ và thanh niên.

PGS.TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện tại buổi làm việc với Ban điều phối dự án VLIR tại Vương quốc Bỉ

Theo báo cáo, trong 1 năm hoạt động (từ tháng 09/2023 đến tháng 08/2024), dự án VLIR đã được triển khai tại Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ phụ nữ và thanh niên trong phát triển cộng đồng bằng việc sử dụng công nghệ VR/AR. Các hoạt động chính bao gồm: Đào tạo và hội thảo đánh giá công cụ số; Hội thảo cùng Hội Phụ nữ tỉnh Ninh Bình; Tập huấn về nhận thức người dân; Tập huấn phát triển chuyên môn.

Sau chuỗi các buổi hội thảo, đào tạo và tập huấn trong năm thứ nhất, các thành viên trong dự án VLIR đã thực hiện các buổi khảo sát và nhận được phản hồi rất tích cực từ phía người dân tham gia với 85,9% người dân tham gia cảm thấy rất hài lòng với các buổi hội thảo, tập huấn và 93,2% người tham gia sẵn sàng tham gia vào các buổi tập huấn về chuyên môn để sử dụng các công cụ đa phương tiện cụ thể ở đây là VR/AR để phát triển địa phương trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sau khi kết thúc giai đoạn 1, đã có 4 trên 4 nhóm người dân sau các buổi tập huấn đã có thể tự phát triển các sản phẩm VR/AR riêng của mình, các sản phẩm của các nhóm đã được công bố đưa lên Website của dự án.

Toàn cảnh chương trình làm việc

 

Trong chương trình làm việc, Đoàn công tác của Học viện và Ban điều phối dự án VLIR tiếp tục thảo luận về kế hoạch triển khai các hoạt động tiếp theo của dự án. Cụ thể, giai đoạn 2 dự kiến sẽ triển khai tại Đắk Lắk, xây dựng các kịch bản tích hợp công nghệ VR/AR trong đào tạo người dân nhằm phát triển và quảng bá các giống cây trồng cũng như du lịch địa phương, tập trung tại các điểm nghiên cứu trong chương trình Nông thôn mới Việt Nam. Giáo sư Martin bày tỏ sự hứng thú với cách tiếp cận này và cho rằng đây là hướng đi phù hợp để thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương. Đặc biệt, việc tích hợp Web 3D cùng với AR sẽ tạo ra một cách tiếp cận mới hơn, trực quan hơn tới người dân và rất mong muốn được tham gia các buổi hội thảo và tập huấn để đánh giá sự hiệu quả trong việc đổi mới này.

Đặc biệt, cũng trong chuyến công tác này, đoàn công tác Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã làm việc với các trường thành viên để tham gia các hội thảo, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các phương pháp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong phát triển cộng đồng từ các trường Đại học thành viên. Thông qua hội thảo, đoàn công tác nắm rõ hơn về tiềm năng hợp tác trong các dự án XR và AI, cũng như khả năng ứng dụng các nghiên cứu này vào các dự án tương lai.