Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số (CĐS) phát triển nhanh, bền vững và bao trùm. CĐS là cơ hội lịch sử mở ra thời kỳ phát triển dựa trên Khoa học công nghệ (KHCN) và Đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Cổng Thông tin điện tử Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xin trân trọng giới thiệu phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 diễn ra ở Hà Nội vào ngày 10/10.
Quốc gia nào muốn thịnh vượng thì đều phải thịnh vượng trên không gian mạng. Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì bắt buộc phải chuyển đổi số (CĐS).
CĐS là phát triển nhanh vì tạo ra kinh tế số có tốc độ tăng trưởng cao gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP. CĐS là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên hơn, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu.
Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì bắt buộc phải chuyển đổi số.
CĐS làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc.
CĐS là phát triển bao trùm vì bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, nếu có sóng di động và điện thoại thông minh thì đều có thể tiếp cận được mọi dịch vụ số, không ai bị bỏ lại phía sau.
Chúng ta đã bước vào năm thứ 4 chuyển đổi số.
Năm 2020 là năm khởi động CĐS quốc gia, là năm nhận thức về CĐS. Năm 2021 là năm tổng diễn tập CĐS quốc gia trong bối cảnh đại dịch. Năm 2022, là năm hành động, là năm chúng ta xác định CĐS là một phương thức phát triển mới, là năm đưa mọi hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.
Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, tạo ra giá trị mới từ dữ liệu. Năm 2023 cũng là năm tạo ra các kết quả thiết thực. Năm 2023 là năm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, mà đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, để giải các bài toán cụ thể của Việt Nam.
Kinh tế số dựa trên tài nguyên mới là dữ liệu, không bị cạn kiệt. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, con người thay vì làm cạn kiệt tài nguyên thì tạo ra tài nguyên để phát triển.
Lịch sử nhân loại từ trước đến nay, khi phát triển kinh tế thì tiêu dùng và làm cạn kiệt các tài nguyên. Kinh tế số thì dựa trên tài nguyên mới là dữ liệu. Tài nguyên này lại do con người tạo ra, không bị cạn kiệt. Vậy là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, con người thay vì làm cạn kiệt tài nguyên thì tạo ra tài nguyên để phát triển.
Nhưng trong không gian mạng thì người nào nắm nền tảng số người đó sẽ nắm dữ liệu, và vì nắm dữ liệu mà người đó là quyết định. Bởi vậy, CĐS Việt Nam mà không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi chính từ CĐS Việt Nam lại không phải Việt Nam. Nền tảng số Việt Nam là lời giải chính và đột phá cho CĐS Việt Nam.
CĐS của Việt Nam đã thực sự trở thành toàn dân và toàn diện. Mục tiêu phổ cập số luôn được xác định là trọng tâm. Chúng ta đã có gần 100.000 tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn bản để hướng dẫn người dân CĐS.
Muốn CĐS nhanh và bền vững thì chúng ta phải đi đều 2 chân: một là phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc; hai là đi nhanh về cái mới thông qua thử nghiệm.
Từ cái mới đã được các đầu tàu triển khai thử nghiệm thành công thì nhanh chóng biến thành cái cơ bản để phổ cập. Đầu tàu phải dẫn đến phổ cập. Đầu tàu mà không dẫn đầu phổ cập thì không tạo ra sự thay đổi, không tạo ra sự chuyển đổi, và sẽ không có CĐS.
Năm 2023 cũng là năm bùng nổ của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Ước mơ mỗi người dân, mỗi cán bộ công viên chức (CBCVC) một trợ lý riêng, ước mơ trao thêm quyền năng tri thức cho con người, cho gần 3 triệu CBCVC, cho hàng trăm triệu người dân đã trở thành hiện thực.
Ngành TT&TT đang triển khai 4 trợ lý ảo quan trọng.
Một là trợ lý ảo hỗ trợ cho lĩnh vực lập pháp, thông qua việc phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật vốn hiện nay đã nhiều đến mức quá sức phát hiện của con người.
Hai là trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp. Trợ lý này hỗ trợ CBCVC thực hiện công việc theo quy định. CBCVC đặt câu hỏi về công việc và trợ lý ảo sẽ tìm ra câu trả lời từ các quy định pháp luật liên quan. Trợ lý ảo sẽ giống như mặt bằng kiến thức của CBCVC. Làm việc với trợ lý ảo thì giống như là đứng trên một hệ thống kiến thức, chất lượng CBCVC vì vậy được nâng lên đáng kể.
Ba là trợ lý ảo ngành tư pháp. Đó là trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán, cụ thể là hỗ trợ tra cứu pháp luật (như tra cứu án lệ, bản án liên quan, giải đáp tình huống pháp lý), hỗ trợ công việc của thẩm phán. Trợ lý ảo này đã được đưa vào hoạt động và đã giúp giảm thời gian xử lý của thẩm phán tới 30%.
Bốn là trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân. Trợ lý này sẽ trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến pháp luật, đến các qui định của nhà nước. Mặt bằng dân trí được nâng cao cũng là cách để thúc đẩy chất lượng đội ngũ CBCVC.
CĐS là cơ hội lịch sử, là chiến lược quốc gia, là động lực mới của phát triển, mở ra thời kỳ phát triển dựa trên KHCN và ĐMST.
Đất nước muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới, cần động lực mới. Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự Ngày CĐS quốc gia và sẽ có phát biểu chỉ đạo. Sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ sẽ động viên và khích lệ toàn dân, cả hệ thống chính trị tham gia CĐS. Thủ tướng luôn nhấn mạnh, CĐS là cơ hội lịch sử, là chiến lược quốc gia, là động lực mới của phát triển, mở ra thời kỳ phát triển dựa trên KHCN và ĐMST.
(Theo:vietnamnet.vn)