Tần số là tài nguyên càng dùng thì càng không cạn kiệt, còn sinh ra tiền, còn làm cho đất nước phát triển, mà còn càng dùng, càng khai thác thì càng to ra.
Thay đổi cách nhìn, tìm cách giải các bài toán mới với quan niệm “tần số là tài nguyên càng dùng thì càng không cạn kiệt, còn làm cho đất nước phát triển” là những nhắn nhủ mà Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Cục Tần số vô tuyến điện, diễn ra ngày 10/6. Cổng Thông tin điện tử Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Cục Tần số vô tuyến điện đã 30 năm. 10 năm đầu của Cục gắn với sự xuất hiện rất sớm của điện thoại di động ở Việt Nam. 10 năm tiếp theo gắn với phân bổ tần số cho cạnh tranh, phổ cập điện thoại di động cho toàn dân. Và 10 năm gần đây là gắn với di động băng rộng, chiếc điện thoại di động thông minh đã trở thành công cụ vạn năng đối với mọi người dân.
30 năm đó cũng là những nỗ lực hoàn thiện thể chế quản lý tần số vô tuyến điện, là số hoá truyền hình, là giải phóng tần số cho phát triển di động, là đảm bảo tần số cho quốc phòng, an ninh, là đảm bảo tần số và quỹ đạo cho các vệ tinh Việt Nam, là xây dựng tổ chức, là hợp tác quốc tế, là nắm giữ các vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế và khu vực.
Xin chúc mừng Cục Tần số vô tuyến điện tròn 30 năm! Thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ TT&TT, tôi thân ái gửi đến các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Cục Tần số vô tuyến điện những tình cảm thân thiết và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Trân trọng cảm ơn các đồng chí đã có nhiều đóng góp cho Ngành TT&TT, góp phần hiện thực hoá khát vọng về một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Lĩnh vực tần số vô tuyến điện là một lĩnh vực đặc biệt và đang có những thay đổi quan trọng.
Tần số bây giờ là vấn đề kinh tế – kỹ thuật; là vấn đề của toàn dân. Phổ cập hoá kiến thức về tần số trở thành một nhiệm vụ mới của Cục Tần số vô tuyến điện.
Đa số các tài nguyên thì càng dùng, càng khai thác thì càng cạn kiệt. Tần số là tài nguyên càng dùng thì càng không cạn kiệt, còn sinh ra tiền, còn làm cho đất nước phát triển, mà còn càng dùng, càng khai thác thì càng to ra. Nếu công nghệ 2G thì 1Hz sinh ra chưa được 1Bps, thì công nghệ 4G vẫn với 1Hz đó lại tạo ra hàng chục Bps, như vậy là hiệu quả tài nguyên tăng lên hàng chục lần.
Chúng ta đang chú ý nhiều đến tần số trên mặt đất, nhưng tần số, quĩ đạo vệ tinh, nhất là vệ tinh tầm thấp đang ngày càng quan trọng. Đối với quân sự là các vệ tinh viễn thám có độ phân giải cao. Đối với dân sinh là các vệ tinh chùm với hàng ngàn, chục ngàn vệ tinh tầm thấp phủ cả thế giới, băng thông rộng, có thể là một cuộc đảo lộn trong ngành viễn thông.
Trước đây, chúng ta nghèo thì chọn thời điểm triển khai công nghệ là khi thế giới đã 20-25% người sử dụng, để giá thiết bị rẻ xuống thì mới cho triển khai. Bây giờ ta muốn dẫn đầu, lại sản xuất được thiết bị rồi thì nên để TP.Hà Nội, TP.HCM đi đầu như Mỹ, để Việt Nam không phải lúc nào cũng là người đi sau, là người đi theo. Hơn thế nữa, chúng ta còn phải tham để gia tạo ra các tiêu chuẩn quốc tế.
Trước đây, chúng ta không đấu giá tần số, nay đấu giá tần số. Chúng ta coi trọng giá thu về một lần cho nhà nước, nhưng chúng ta cũng phải đánh giá tổng thể giá trị mà nó mang lại. Cũng 10Mhz đó, chúng ta thu được vài trăm tỷ đồng đấu giá, nhưng có công ty thì dùng 10Mhz đó để nộp ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng, phủ sóng đến tận thôn bản với tốc độ cao, có công ty thì chỉ nộp ngân sách được vài chục tỷ đồng, phủ sóng chỉ đến trung tâm tỉnh. Như vậy là tần số bây giờ không phải vấn đề thuần tuý kỹ thuật nữa mà là vấn đề kinh tế – kỹ thuật.
Đảm bảo tần số cho di động băng thông siêu rộng và phổ cập là một nhiệm vụ cấp bách. Tần số còn phải giải quyết bài toán bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn.
Trước đây, khi có nhiễu thì đi đo, doanh nghiệp báo thì đi đo. Nay phải giám sát được, phát hiện trước cả doanh nghiệp và do vậy, cần nhiều trạm nhỏ để giám sát nhiễu, thậm chí sử dụng mỗi trạm BTS như một trạm đo nhiễu, để Cục có hàng trăm ngàn trạm đo mà không phải đầu tư. Nhiễu quyết định chất lượng dịch vụ thì phải tự động đo được nhiễu để xử lý sớm, thu thập dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu lớn để giảm nền nhiễu.
Trước đây, tần số là vấn đề kỹ thuật chuyên sâu của một số chuyên gia. Nay, tần số là vấn đề của toàn dân, nó động chạm tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Phổ cập hoá kiến thức về tần số trở thành một nhiệm vụ mới của Cục Tần số vô tuyến điện.
Như vậy là nhiều cách nhìn phải thay đổi. Khi thay đổi cách nhìn thì sẽ tạo ra sự phát triển mới, sẽ thay đổi cách mà lâu nay chúng ta quản lý.
Tôi xin nói về một số nhiệm vụ thời gian tới của Cục Tần số vô tuyến điện.
Đổi mới viễn thông lần thứ hai là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số – hạ tầng của nền kinh tế số. Có thể coi đổi mới lần hai này là sự chuyển dịch qui mô lớn nhất, thay đổi bản chất của ngành viễn thông, mở ra không gian mới vô cùng to lớn cho ngành viễn thông, lớn hơn rất nhiều lần không gian thông tin liên lạc. Ý nghĩa của ngành viễn thông đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng vì thế mà lớn hơn rất nhiều. Cơ hội cũng lớn hơn rất nhiều. Thị trường cũng lớn hơn rất nhiều. Trách nhiệm cũng lớn hơn rất nhiều.
Ngành viễn thông đảm nhận một sứ mệnh mới: Xây dựng hạ tầng số hiện đại, bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn.
Đảm bảo tần số cho di động băng thông siêu rộng và phổ cập là một nhiệm vụ cấp bách của Cục Tần số vô tuyến điện. Và không chỉ có vậy, tần số còn phải giải quyết bài toán bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn. Tất cả những bài toán này đều là mới đối với Cục Tần số vô tuyến điện.
Công nghệ phải làm cho nhân viên đỡ vất vả đi chứ không phải ngược lại.
Chuyển đổi số Cục Tần số vô tuyến điện là nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong thời gian tới. Chuyển đổi số (CĐS) trong nội bộ Cục, đưa mọi hoạt động của Cục lên môi trường số, và sau đó là đổi mới các quy trình vận hành, dùng công nghệ số để tạo ra các nền tảng và công cụ làm việc trợ giúp cho nhân viên. Công nghệ phải làm cho nhân viên đỡ vất vả đi chứ không phải ngược lại.
CĐS trong việc quản lý các đối tượng quản lý, đó là kết nối online tới các đối tượng quản lý, không cần báo cáo giấy từ các đối tượng này. CĐS trong việc giá trị hoá dữ liệu. Đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu về tần số, dữ liệu về việc sử dụng tần số, về chất lượng dịch vụ di động, về lưu lượng phát sinh… Và sau đó là phân tích dữ liệu để tối ưu hoá việc cấp phát tần số.
Là một đơn vị trong một bộ quản lý về CĐS nhưng Cục Tần số lại đang là một đơn vị đi chậm về CĐS. Lãnh đạo Bộ sẽ đánh giá Cục Tần số thông qua việc nâng cao mức độ CĐS của Cục.
Nhiệm vụ trọng tâm năm nay của Cục Tần số vô tuyến điện là đấu giá tần số 4G/5G. Tần số mà chúng ta cấp ra cho các nhà mạng Việt Nam đang ít hơn khá nhiều so với các nước khác, điều này dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp, chi phí đầu tư hạ tầng tăng. Do vậy, việc đấu giá tần số 4G/5G thành công trong năm nay đã trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Cục Tần số.
Đưa tần số nào ra vào khi nào, mỗi khối là bao nhiêu, giá tần số bao nhiêu là tối ưu, trả tiền một lần hay theo năm, khuyến nghị công nghệ mới, dừng công nghệ cũ. Đây là những câu hỏi mà Cục Tần số vô tuyến điện phải trả lời. Đòi hỏi thông tin, tri thức, sự thấu hiểu sâu sắc lĩnh vực thì mới có câu trả lời tối ưu.
Là cơ quan dẫn dắt quốc gia về tần số thì tri thức của Cục Tần số phải là xuất sắc. Không xuất sắc thì không nên dẫn dắt. Đã dẫn dắt thì phải xuất sắc. Và đây là nhiệm vụ, là thách thức đối với Cục Tần số. Nếu làm tốt thì đóng góp của Cục Tần số cho đất nước sẽ thật là to lớn.
Đảm bảo hài hòa giữa việc sử dụng tần số cho phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Cục. Phân chia thế nào để tối ưu hóa lợi ích cho quốc gia, đáp ứng nhu cầu về tần số để phát triển kinh tế-xã hội lẫn quốc phòng an ninh.
Quốc hội mới thông qua quy định về sử dụng tần số “lưỡng dụng”. Cục Tần số phải lưu ý, phát triển kinh tế – xã hội cũng là tạo tiền đề vật chất quan trọng để xây dựng đất nước giàu mạnh và tạo điều kiện cho sự nghiệp củng cố quốc phòng – an ninh và bảo vệ Tổ quốc.
Tôi cũng xin nói với người đứng đầu Cục Tần số vô tuyến điện một số điều.
Anh Lê Văn Tuấn, Cục trưởng là người có năng lực, được qui hoạch, có tín nhiệm. Nhưng cũng phải ngồi vào vị trí cục trưởng thì mới biết một người cấp phó có thể thành cấp trưởng hay không. Cấp phó thì tuân thủ, cấp trưởng lại là người đổi mới, tạo ra thay đổi, mở rộng không gian phát triển. Hai tố chất này là rất khác nhau.
Làm trưởng thì phải làm gương. Đó là văn hoá châu Á: Lãnh đạo thông qua làm gương. Tin anh em. Khi mình tin anh em thì anh em sẽ làm hết mình. Đa số chúng ta đang ngủ, mới dùng đến 10-20% năng lực của mình, nếu Cục trưởng đánh thức, tin anh em thì họ sẽ giỏi lên 2-3 lần, mà vẫn là người đó thôi.
Đoàn kết trong Đảng uỷ, trong Ban lãnh đạo Cục Tần số vô tuyến điện luôn là yếu tố đầu tiên quyết định thành công. Hạt nhân lãnh đạo phải là hạt nhân đoàn kết. Để tạo ra đoàn kết thì có 2 việc. Thứ nhất, Cục phải có việc khó, phải có thách thức mới đủ lớn để đoàn kết mọi người. Thứ hai, bàn bạc tập thể, công khai minh bạch, tham vấn rộng rãi, cùng làm cùng hưởng, không hưởng một mình.
Làm tướng thì phải hy sinh trước, việc khó nhận trước, khen thưởng nhận sau. Đặc biệt là làm tiếp những việc mà các thế hệ trước đang làm chưa xong. Phát huy truyền thống, gìn giữ văn hoá, tinh thần của Cục Tần số. Kế thừa quá khứ, mở ra tương lai để Cục Tần số là một dòng chảy liên tục.
Lên cao thì trách nhiệm phải nhiều hơn. Lên cao thì phải vừa mừng vừa lo, chức to thì lo nhiều hơn. Lên cao thì phải học hỏi nhiều hơn. Lên cao thì bao dung nhiều hơn, dung nạp được nhiều người hơn. Lên cao thì phải toàn diện hơn. Lên cao thì phải hài hoà hơn. Lên cao thì phải lo cho anh em nhiều hơn. Lên cao thì lùi về sau nhiều hơn để thúc đẩy anh em. Lên cao thì tìm về và giữ lấy cái gốc, giữ gìn các giá trị cốt lõi của tổ chức, giống như con diều muốn bay cao thì cần sợi dây giữ nó với gốc. Lên cao thì cẩn trọng hơn, làm việc gì cũng như mổ con cá nhỏ.
Với anh em trong Cục, tôi xin nói mấy ý.
Đoàn kết xung quanh Cục trưởng. Coi Cục trưởng là hạt nhân của Cục. Một tổ chức phải có hạt nhân, có điểm tụ, nếu không có hạt nhân thì các lực sẽ phân tán. Bảo vệ Cục trưởng là bảo vệ tổ chức. Thực hiện các quyết định của Cục trưởng là xây dựng tổ chức.
Thấu hiểu rằng, người làm trưởng là rất nhiều áp lực, nhiều việc, vất vả, nên chia sẻ, không chỉ đòi hỏi. Cùng nhau tạo ra một giai đoạn phát triển mới của Cục Tần số. Chỉ có chính mình, những nhân viên của Cục, mới có thể làm thay đổi được Cục Tần số vô tuyến điện.
Làm gì thì cũng phải lấy phụng sự Tổ quốc làm đầu. Làm gì cũng phải vì cái chung, vì Ngành, vì Đất nước. Trong khó khăn luôn có cơ hội. Khó khăn cũng là động lực để vươn lên.
Chúc Cục Tần số vô tuyến điện trong 10 năm tới sẽ viết lên một trang sử mới huy hoàng trong lịch sử phát triển của mình. Đó là đảm bảo tần số cho hạ tầng số. Đây sẽ vừa là đóng góp của các đồng chí cho sự phát triển của đất nước vừa là lời cám ơn của các đồng chí đối với các thế hệ đi trước.
Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Bộ TT&TT, lãnh đạo Cục Tần số qua các thời kỳ, các quý vị đại biểu, khách quý, các đồng chí và các bạn nhiều sức khoẻ, niềm vui và thành công!
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
(Theo:vietnamnet.vn)