VI

EN

Sau 20 năm, cần nhìn lại cách làm để thay đổi căn bản dịch vụ công trực tuyến

Đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình phải tăng lên trên 90% và sẽ giảm dần bộ phận một cửa điện tử tại các bộ, ngành và địa phương. Người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải thực sự thấy thuận tiện, nhanh hơn.

Phát biểu khai mạc Phiên họp chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ngày 5/6/2023, Phó Chủ tịch Ủy ban, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Bây giờ là lúc cần thay đổi căn bản cách làm Chính phủ điện tử, cách cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thay đổi căn bản nhận thức, cách tiếp cận. Dưới đây, Cổng Thông tin điện tử Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Thưa các đồng chí Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của các bộ, ngành Trung ương và địa phương,

Thưa các đồng chí lãnh đạo các đơn vị chuyên trách về CNTT, chuyển đổi số của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các sở TT&TT, đại diện các hội, hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ số,

Thưa các đồng chí và các bạn,

Trước hết, thay mặt Bộ TT&TT, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đã đến tham dự Phiên họp chuyên đề của Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT với tư cách là Cơ quan thường trực và Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, hàng tháng sẽ tổ chức họp chuyên đề để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia.

Chủ đề của Phiên họp đầu tiên này là về thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là trọng tâm của Chính phủ điện tử (CPĐT).

Dịch vụ công trực tuyến là một chủ đề không hề lạ, là việc mà chúng ta đã làm trong thời gian khá dài, chính xác hơn là hơn 20 năm qua.

10 năm đầu, từ năm 2000 – 2010, là những bước đi đầu tiên về ứng dụng CNTT trong công tác của cơ quan Nhà nước, là những bước đi đầu tiên về DVCTT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì phiên họp chuyên đề của Ủy ban về dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: Hoàng Hà)

10 năm tiếp theo, từ năm 2011 – 2020, là chính thức làm DVCTT. Dấu mốc quan trọng nhất là Chính phủ ban hành Nghị định số 43, ngày 13/6/2011, quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT. Lần đầu tiên Chính phủ có một Nghị định chuyên về DVCTT. Tỷ lệ DVCTT mức độ 4 của cả nước năm 2011 là 0,01%.

Tính đến hết năm 2019, 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Nhưng tỷ lệ DVCTT mức độ 4 cả nước đến cuối năm 2019, sau 10 năm, mới chỉ đạt 10%. Đây là giai đoạn ứng dụng CNTT để làm CPĐT.

3 năm tiếp theo, từ 2020 – 2022, có sự phát triển mang tính đột phá do sử dụng công nghệ số (CNS), cách tiếp cận chuyển đổi số (CĐS) để làm CPĐT. Đặc trưng của nó là dùng nền tảng số. Sau gần 3 năm, tỷ lệ DVCTT mức độ 4, tăng từ 10% lên 97%.

Chúng ta chú trọng việc đưa lên trực tuyến nhưng chưa chú ý đến đơn giản hoá thủ tục hành chính trên môi trường số, chưa chú ý đến thuận tiện cho người dân, tức là chất lượng DVCTT, sự hài lòng của người dân. 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Nhưng sau hơn 20 năm làm DVCTT, chúng ta cần nhìn nhận lại cách mà chúng ta đang làm để có những thay đổi căn bản.

DVCTT nhưng chưa toàn trình, chúng ta vẫn chấp nhận bà con mang hồ sơ giấy đến bộ phận một cửa điện tử, nhận hồ sơ giấy, số hoá hộ rồi xử lý điện tử, rồi có khi người dân lại đến tận nơi nộp tiền lấy kết quả.

Chúng ta quan tâm đến số dịch vụ công được đưa lên trực tuyến, nhưng chưa quan tâm việc người dân có dùng hay không, tức là tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến.

Chúng ta chú trọng việc đưa lên trực tuyến nhưng chưa chú ý đến đơn giản hoá thủ tục hành chính trên môi trường số, chưa chú ý đến thuận tiện cho người dân, tức là chất lượng DVCTT, sự hài lòng của người dân.

Chúng ta làm mà chưa có tiêu chuẩn các cổng dịch vụ công, chưa có đánh giá và công bố chất lượng cổng dịch vụ công.

CPĐT nhưng các báo cáo về DVCTT từ địa phương lên Trung ương vẫn là báo cáo giấy, chưa kết nối và chưa báo cáo online.

Tất cả những cái đó là đặc trưng của thời ứng dụng CNTT.

Bây giờ là lúc cần thay đổi căn bản cách làm CPĐT, cách cung cấp DVCTT, thay đổi căn bản nhận thức, cách tiếp cận.

Không có bộ phận một cửa điện tử thì chắc DVCTT Việt Nam không đạt được thành tựu như ngày hôm nay, nhưng để DVCTT Việt Nam đi tiếp, đi nhanh đến kết quả cuối cùng thì rất có thể lại phải giảm dần hoạt động của nó.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Tháng 6 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42 về cung cấp DVCTT thay thế Nghị định 43 năm 2011 để hướng tới DCVTT toàn trình. Toàn trình là người dân khi làm dịch vụ công thì tự làm và không còn phải đến cơ quan Nhà nước.

Nếu nhìn DVCTT theo cách cũ, theo NĐ 43 cũ, thì chúng ta đã đưa được 71% số DVC lên trực tuyến (29% còn lại là các DVC hầu như không có người dùng), tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến là trên 90%.

Nếu nhìn DVCTT theo cách toàn trình, theo NĐ 42 mới, thì tỷ lệ DVC đã đưa lên trực tuyến toàn trình mới đạt 44%, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình mới đạt 35%. Tức là theo định nghĩa mới thì các số liệu bị giảm đi khá nhiều, nhưng chúng ta sẽ dùng các số liệu thực chất này để từ đó đi lên một cách bền vững.

Khai mạc Phiên họp chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 5/6/2023.

Chúng ta chỉ còn 2,5 năm nữa là đến hết năm 2025. Trong thời gian này, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình phải tăng từ 35% lên trên 90% và sẽ giảm dần bộ phận một cửa điện tử tại các bộ, ngành và địa phương. Người dân sử dụng DVCTT phải thực sự thấy thuận tiện, nhanh hơn.

Mục tiêu cao thì mới nghĩ cách làm mới đột phá và vì thế mà có thể dễ làm hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Không có bộ phận một cửa điện tử thì chắc DVCTT Việt Nam không đạt được thành tựu như ngày hôm nay, nhưng để DVCTT Việt Nam đi tiếp, đi nhanh đến kết quả cuối cùng thì rất có thể lại phải giảm dần hoạt động của nó.

Phiên họp ngày hôm nay là bàn cách tiếp cận mới, cách làm mới có tính đột phá để tạo ra sự thay đổi căn bản về DVCTT của Việt Nam.

Mục tiêu thật cao thì mới tạo ra cách làm đột phá. Cách làm đột phá không phải là một cách làm khó, tốn kém, mà thường là cách làm dễ, không tốn nhiều công sức, tiền của nhưng đạt mục tiêu rất cao trong một thời gian ngắn.

Chúng ta thì thường hay nghĩ, đặt mục tiêu thấp cho dễ làm. Nhưng trong khá nhiều trường hợp thì mục tiêu cao lại dễ làm hơn.

Mục tiêu mà như mọi năm thì cách làm cũng sẽ như mọi năm, mọi thứ như mọi năm, nhưng có một thứ không như mọi năm đó là sự hứng thú. Với các nguồn lực như cũ nhưng hứng thú giảm đi thì kết quả như cũ là rất khó. Mục tiêu cao thì mới nghĩ cách làm mới đột phá và vì thế mà có thể dễ làm hơn.

Cách làm đột phá thường là một câu nói thay vì một báo cáo dài. Các phát biểu có thể chỉ nên là một câu, vì chúng ta đều là người trong nghề, không cần phải diễn giải nhiều.

Tôi mong muốn chúng ta bàn bạc về cách làm mới để giải quyết xong bài toán DVCTT Việt Nam trước năm 2025.

Cách làm đột phá thường là một câu nói thay vì một báo cáo dài.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Đề nghị các đại biểu trao đổi về các nội dung: cách làm mới về DVCTT; về mục tiêu; về tiêu chuẩn cổng dịch vụ công; về đơn giản hoá thủ tục hành chính trên môi trường số; về xây dựng cổng dịch vụ công; về cung cấp DVCTT trên di động; về đảm bảo kết nối di động; về đảm bảo an toàn thông tin; về kết nối chia sẻ dữ liệu; về nâng nhanh tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến; về vai trò của bộ phận một cửa điện tử, tổ công nghệ số cộng đồng; về đo lường báo cáo số liệu DVCTT; về giá đầu tư, thuê dịch vụ.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Phiên họp ngày hôm nay.

Chúc Phiên họp thành công!

Cuộc họp thành công tức là tìm ra giải pháp đột phá cho mục tiêu hoàn thành DVCTT Việt Nam trước năm 2025.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

(Theo:vietnamnet.vn)