Rạng Đông đã kiên trì và tìm ra con đường của mình, và đi con đường của mình. Con đường là “đạo”, tìm ra con đường cũng giống tìm ra “đạo” vậy.

Trong chuyến thăm và làm việc với công ty Rạng Đông vào ngày 13/4/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đánh giá rất cao Rạng Đông khi phát triển con đường chuyển đổi số theo cách riêng của mình. Dưới đây Cổng Thông tin điện tử Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu tại sự kiện này.

Việc mời và duy trì một đội ngũ chuyên gia cao cấp để tư vấn chuyển đổi số (CĐS) cho công ty là đã tận dụng được tri thức xuất sắc bên ngoài tổ chức. Rạng Đông chưa phải một công ty lớn nhưng đã phát triển được một chiến lược CĐS rất bài bản là nhờ đội ngũ chuyên gia này. Một tổ chức muốn xuất sắc thì phải được dẫn dắt, được tư vấn bởi những người xuất sắc, không quan trọng những người đó là ở bên trong hay bên ngoài.

Rạng Đông đã hình thành cho mình một lý luận về chuyển đổi số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Một tổ chức muốn đi xa, muốn bền vững thì phải luôn có lý luận cho những đường hướng lớn, nhưng hành động thì là những bước nhỏ. Rạng Đông đã hình thành cho mình một lý luận về CĐS. Rất ít công ty làm được việc này. Lý luận vốn dĩ là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng cũng vì thế mà doanh nghiệp nào làm được thì lại là lợi thế rất to lớn.

Một đất nước, một doanh nghiệp thì đều có ngữ cảnh riêng của mình. Tìm hiểu xu thế thời đại, xu thế công nghệ, kinh nghiệm quốc tế, nhưng đi thì phải đi con đường của mình, dựa trên ngữ cảnh của mình và sức mạnh của mình. Rạng Đông đã ý thức rất rõ về việc đi con đường của mình, nên đã phát triển con đường CĐS Rạng Đông. Ngữ cảnh riêng và duy nhất nếu được hiểu một cách thấu đáo thì sẽ lại tạo ra sự khác biệt duy nhất để cạnh tranh. Rạng Đông đã kiên trì và tìm ra con đường của mình, và đi con đường của mình. Con đường là “đạo”, tìm ra con đường cũng giống tìm ra “đạo” vậy.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Lê Anh Dũng

Rạng Đông đã tìm thấy từ khoá quan trọng nhất của CĐS là “thông minh hoá”. Đã tập trung vào thông minh hoá những gì mình đang có và làm ra những sản phẩm và dịch vụ thông minh. Tài sản mà Rạng Đông đang có là tài sản rất lớn nhưng lại thuộc thế hệ cũ, không thông minh. Làm thông minh hoá những máy móc của thế hệ cũ tức là đã biết cách chế tạo lại chúng, biến chúng từ thế hệ 2.0/3.0 thành 4.0. Vậy là một cách vô thức, Rạng Đông đã từ một doanh nghiệp sử dụng công nghệ, sử dụng thiết bị, máy móc thành một doanh nghiệp chế tạo công nghệ, chế tạo máy móc sản xuất. Đây chính là CĐS căn bản của một doanh nghiệp sản xuất. Công nghiệp hoá chính là CĐS nhà máy sản xuất, làm thông minh hoá nhà máy sản xuất. CĐS thì khó nhất là đối với các doanh nghiệp có di sản lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất với các nhà máy cũ, nhưng Rạng Đông đã làm được việc đó. Điều này gây cảm hứng cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đang muốn CĐS. Cái chưa thông minh mà làm cho thông minh nhiều khi là dễ hơn việc làm cho cái đã thông minh trở lên thông minh hơn. Càng khó khăn bao nhiêu thì càng dễ cho CĐS số bấy nhiêu!

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Trưởng ban Chuyển đổi số Rạng Đông giới thiệu với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về một số sản phẩm thuộc hệ sinh thái smarthome của doanh nghiệp này. Ảnh: Lê Anh Dũng

Rạng Đông chuyển đổi nhưng vẫn giữ cái gốc của mình là sản xuất. Vẫn là sản xuất thiết bị chiếu sáng. Chỉ có điều là thay đổi công nghệ chiếu sáng. Cái gốc của mình vẫn luôn là sức mạnh, là cái mà người khác không dễ gì mà có được. Phát triển trên cái gốc, cái nền nhà mình thì bao giờ cũng vững. Công nghệ thì cũng chỉ là cái để làm cho vững cái gốc, cái nền và làm thêm những cái mới trên cái nền ấy. Nếu nghĩ như vậy thì lịch sử trên 60 năm của Rạng Đông sẽ không phải là một gánh nặng mà là một cái nền vững chắc.

Rạng Đông đã ý thức rất rõ về việc đi con đường của mình, nên đã phát triển con đường chuyển đổi số Rạng Đông.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Một doanh nghiệp muốn cạnh tranh được lâu dài thì rồi cũng phải dựa trên các công nghệ cốt lõi của mình. Công nghệ ở đây thì không chỉ là công nghệ trong kỹ thuật chiếu sáng, mà là công nghệ trong mọi hoạt động của Rạng Đông. Đó có thể là quy trình sản xuất, có thể là phần mềm điều khiển làm cho máy móc sản xuất thông minh, có thể là hệ điều hành quản lý thiết bị chiếu sáng, có thể là phần mềm nhúng vào phần cứng chiếu sáng, có thể là một nền tảng làm việc số để mọi tri thức của Rạng Đông ở trên đó, người ngồi trên đó làm việc là đã đạt 7/10 điểm rồi … Công nghệ có thể len lỏi vào mọi ngõ ngách của Rạng Đông, và vì vậy mà nó thực sự là công nghệ Rạng Đông. Rạng Đông ý thức làm chủ những công nghệ này tức là ý thức về năng lực cạnh tranh cốt lõi. Công nghệ như vậy gọi là công nghệ toàn dân. CĐS như vậy gọi là CĐS toàn dân. Việt Nam thì chỉ thành công khi là toàn dân.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đang chăm chú xem sản phẩm bóng đèn được sản xuất bởi Rạng Đông. Ảnh Lê Anh Dũng

Make In Vietnam là sáng tạo tại Việt Nam, là thiết kế tại Việt Nam, là làm ra tại Việt Nam, là sản xuất tại Việt Nam. Chỉ có Make In Vietnam thì mới làm cho Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Rạng Đông đã luôn ý thức tự lực, tự cường, ý thức thiết kế và sản xuất ra sản phẩm Việt Nam. Đây là tinh thần dân tộc của doanh nghiệp Việt Nam. Đây là tự hào Việt Nam. Nhà nước luôn ủng hộ, tạo điều kiện và khích lệ các doanh nghiệp có tinh thần này.

Rạng Đông đã luôn ý thức tự lực, tự cường, ý thức thiết kế và sản xuất ra sản phẩm Việt Nam.
  Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

CĐS là một tiến trình có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Nó là một quá trình tiến hoá. Rạng Đông đã phát hiện ra điểm căn bản của tiến trình CĐS, đó là các vòng lặp. Quan sát, rồi định hướng, rồi lập kế hoạch, rồi hành động, rồi tối ưu, rồi tiếp tục một vòng lặp tiếp theo. Rạng Đông đã qua vòng lặp 1, rồi đến vòng lặp 2, rồi sẽ là vòng lặp 3 và các vòng lặp tiếp theo.

Một đặc điểm quan trọng của CMCN lần thứ tư là mở. Lý do của việc này là công nghệ được cung cấp dưới dạng dịch vụ, giá rẻ như điện, như nước, ai cũng có thể tiếp cận được. Các nền tảng số thì đơn giản hoá quá trình sáng tạo và cung cấp dịch vụ đã giúp cho cho nhiều người hơn tham gia vào quá trình sáng tạo giá trị mới. Chuỗi tạo ra giá trị có thể rất dài, người tạo ra giá trị lớn nhất có thể là bất kỳ ai. Mở tức là chúng ta nằm trong chuỗi giá trị, không chỉ một mà có thể là nhiều. Nằm trong chuỗi thì phải mở và kết nối. Rạng Đông đã mở để tham gia, cũng như đã mở để người khác tham gia. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số (CNS) hôm nay đang ngồi đây chính là đối tác số của Rạng Đông, cùng một hệ sinh thái với Rạng Đông. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển nhân loại, chia sẻ thì lại được nhiều hơn.

CĐS một doanh nghiệp là biến doanh nghiệp đó thành một công ty công nghệ số. Thế nào là một công ty CNS? Đó là một công ty dành ít nhất 30% nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, và doanh thu chính của công ty là đến từ các kết quả NCPT đó. Rạng đông đang từng bước tiến đến trạng thái đó, khi mà gần 10% nhân lực là NCPT công nghệ.

CĐS một doanh nghiệp là đưa mọi hoạt động của doanh nghiệp đó lên môi trường số, tạo ra một ánh xạ thực-ảo. Lên môi trường số 100% rồi thì doanh nghiệp mới có khả năng nhìn thấy toàn bộ hoạt động của mình. Nhưng không phải nhìn thấy bằng người,  vì có quá nhiều dữ liệu, mà là nhìn thấy, rồi phân tích, học hỏi để tìm ra giá trị mới từ đống dữ liệu vô nghĩa và vô hạn đó bằng các công nghệ số như AI, Big Data, Analytics.  Tạo ra dữ liệu là sinh ra đất đai. Ai nhiều đất đai thì người đó, doanh nghiệp đó, quốc gia đó sẽ giàu có. Nếu mọi hoạt động của doanh nghiệp lên môi trường số thì hoạt động hàng ngày, hàng giờ, hàng giây của doanh nghiệp sẽ sinh ra dữ liệu. Và do vậy, doanh nghiệp đang trở lên giàu có qua từng giây nhờ dữ liệu. Rạng Đông đã có nhiều dữ liệu, bây giờ là phân tích tạo ra giá trị, và đây phải là việc mỗi ngày, từng ngày.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham quan dây chuyền sản xuất của nhà máy Rạng Đông. Ảnh: Lê Anh Dũng

Có nhiều hoạt động của doanh nghiệp nếu làm trên môi trường số thì nhanh và hiệu quả hơn nhiều là làm những việc đó trên môi trường thực. Thí dụ như nghiên cứu phát triển. Nếu có một Digital Twin để mô phỏng được nhà máy thực thì quá trình tối ưu sản xuất sẽ được thực hiện trên môi trường số. Ánh xạ 1-1 giữa thực và số sẽ làm cho Rạng Đông mạnh lên gấp bội. Hãy đừng ngại chi phí để tạo ra một phiên bản số của nhà máy, vì giá trị mà nó tạo ra sẽ lớn hơn rất nhiều.

Nhưng rồi tất cả những điều tôi nói ở trên sẽ không dính lại với nhau thành một cơ thể sống nếu thiếu một chất keo dính. Chất keo dính đó là gì? Là sự đồng lòng của người Rạng Đông. Và họ đồng lòng là bởi đồng sứ mệnh, đồng tầm nhìn, đồng văn hoá, đồng lợi ích. Nói theo ngôn ngữ Rạng Đông là “cùng làm, cùng hưởng”, “từ đồng lòng đến đồng bộ”. Rạng Đông là một trong số ít công ty cổ phần hoá mà không tư nhân hoá, khi tiến hành cổ phần hoá năm 2004, 96% CBCNV được mua cổ phần, và Rạng Đông trở thành công ty của “chúng ta”. Rạng Đông dù đã trên 60 năm nhưng vẫn giữ đó niềm tự hào Bác Hồ về thăm năm 1964, vẫn giữ đó lời căn dặn của Bác, vẫn giữ đó tổ chức Đảng. Những công ty vĩ đại đều là những công ty giữ nguyên những giá trị tinh thần, những giá trị cốt lõi của ngày đầu tiên. Muốn đi xa thì phải về gần. Muốn ứng vạn biến thì phải dĩ bất biến. Muốn bay cao thì phải giữ vững cái gốc, cái nền nhà mình. Cánh diều muốn bay cao thì phải có sợi sợi dây giữ nó với gốc, đứt sợi dây ấy nó sẽ bị gió cuốn đi và rơi xuống.

Mỗi thế hệ Rạng Đông phải kể được câu chuyện của thế hệ mình, phải viết lên trang sử của mình, để rồi truyền tiếp cho thế hệ sau.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Điều tôi muốn nói sau cùng là, Rạng Đông muốn trở thành xuất sắc, muốn cạnh tranh được lâu dài thì phải đi ra nước ngoài. Đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Và đây là cách để chúng ta trở lên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Và cũng vì có năng lực cạnh tranh quốc tế mà chúng ta tồn tại được lâu dài ở trong nước. Đi ra nước ngoài cũng là để bảo vệ Việt Nam.

Đi ra nước ngoài là mang tri thức, công nghệ của Việt Nam đi mở cõi. Để thế giới biết đến Việt Nam thì không chỉ vì Việt Nam là nơi đến mà còn là do nơi Việt Nam đến. Đi ra nước ngoài là để Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

Đi ra nước ngoài là mở rộng không gian, là mở rộng thách thức, cũng là mở rộng hệ tri thức, cũng là học hỏi để xây dựng Việt Nam. Tất cả những cái này là để Việt Nam giỏi lên.

Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được.

Kế thừa quá khứ và mở ra tương lai – đó là cách mà bất kỳ tổ chức nào muốn phát triển bền vững thì đều phải tuân theo. Mỗi thế hệ Rạng Đông phải kể được câu chuyện của thế hệ mình, phải viết lên trang sử của mình, để rồi truyền tiếp cho thế hệ sau. Một doanh nghiệp công nghệ thì cứ mỗi 10 năm lại phải làm mới mình một lần, nếu không thì sẽ đến lúc buộc phải làm việc này. Nếu biết tự tái sinh mình thì Rạng Đông sẽ trường tồn. Và tôi xin được chúc Rạng Đông điều này!

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

(Theo:Vietnamnet.vn)