Ngày 27/3/2025, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ban hành Quyết định số 111/QĐ-HV về ban hành chương trình Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng (ngành Quản trị kinh doanh) trình độ đại học chính quy. Theo đó, Học viện sẽ tuyển sinh 100 sinh viên ngay trong năm 2025 với các tổ hợp xét tuyển; Toán, Lý, Hóa (khối A-A00); Toán -Lý-Anh văn (khối A1-A01) hoặc Toán-Văn, Anh (khối D1).
Ngành Logistics và nhu cầu nguồn nhân lực đến năm 2030
Theo Hiệp hội doanh nghiệp logistics, hiện Việt Nam có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế. Các doanh nghiệp logistics đều có quy mô vừa và nhỏ với 89% là doanh nghiệp của Việt Nam, 10% doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Dự báo đến năm 2030, ngành Logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực. Trong đó có khoảng 200.000 nhân lực chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ. Trong khi đó, tại Việt Nam rất ít trường đại học đào tạo chuyên ngành này nên nguồn nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu, khiến Logistics là một trong số ít ngành đang “khát” nguồn nhân lực hiện nay.
Chương trình đào tạo chuyên sâu, mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Nắm bắt xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề và nhu cầu thị trường lao động trong kỷ nguyên số, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã xây dựng chương trình đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng ở bậc đại học với hệ thống kiến thức toàn diện, chuyên sâu và mang tính thực tiễn cao. Sinh viên sẽ hoàn thành 132 tín chỉ, bên cạnh khối kiến thức nền tảng chung sinh viên sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu như: Hệ thống thông tin logistics, Quản trị mua & nguồn cung ứng, Quản lý kho và trung tâm phân phối, Logistics trong Thương mại điện tử, Giao nhận, vận tải và bảo hiểm hàng hóa, Nghiệp vụ hải quan, Logistics quốc tế, Chuỗi cung ứng bền vững, Vận tải đa phương thức, Kinh doanh dịch vụ Logistics, Quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng, Quản lý tài chính trong chuỗi cung ứng… Cùng với đó, sinh viên sẽ được học tập, rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề liên quan đến tìm kiếm giải pháp trong quản lý chuỗi cung ứng.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Học viện hoàn toàn có thể đảm đương nhiều chức vụ ở nhiều loại hình công ty khác nhau. Không chỉ làm việc cho các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ Logistics, dịch vụ vận tải, giao nhận mà các bạn trẻ còn dễ dàng tìm thấy nhiều phòng ban nghiệp vụ phù hợp với chuyên môn như: kế hoạch, dịch vụ khách hàng, kinh doanh quốc tế, khi vận, cung ứng vật tư.
Sự khác biệt khi học Logistics tại PTIT
Với lợi thế là trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xây dựng chương trình đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng khác biệt khi tích hợp công nghệ thông tin và công nghệ mới vào nội dung giảng dạy. PTIT nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý chuỗi cung ứng. Sinh viên được học cách sử dụng các phần mềm quản lý logistics hiện đại, giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả công việc. Các xu hướng công nghệ mới như Big Data, Internet of Things (IoT), và trí tuệ nhân tạo (AI) được đưa vào chương trình giảng dạy, giúp sinh viên nắm bắt những công nghệ tiên tiến đang định hình ngành Logistics. Đây là lợi thế mà ít trường đại học có được.
Đội ngũ giảng viên tại PTIT không chỉ có trình độ học vấn cao mà còn có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy các học phần về bưu chính, kho vận và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong ngành logistics. Đây là cơ hội “vàng” để sinh viên được học hỏi, tích lũy kiến thức, kỹ năng.
Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được thực hành và trải nghiệm trực tiếp các công nghệ mới Logistics cũng với mạng lưới đối tác là các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực Quản trị kinh doanh, Thương mại điện tử, được thực tập, tích lũy kinh nghiệm và được thực chiến ngay tại các doanh nghiệp lớn như: VNPost, EMS, Sapo, Công ty Cổ phần Fado Việt Nam, Công ty TNHH MTV TMDT Viettel, Công ty cổ phần Ecom Group…

Sinh viên được thực tập tại các đơn vị, doanh nghiệp đối tác của Học viện
Theo TS. Trần Thị Hòa, Trưởng bộ môn Kinh tế – Khoa Quản trị Kinh doanh 1, tuy mới mở chuyên ngành Logistic từ năm 2020 và tuyển sinh Chương trình Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng từ năm 2025 nhưng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có bề dày đào tạo chuyên môn thuộc lĩnh vực này trong gần 20 năm và cung ứng nguồn nhân lực logistics cung ứng cho các doanh nghiệp bưu chính lớn như VNPost, Viettel Post, …Với chương trình Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng chính thức được Học viện tuyển sinh từ năm nay, chúng tôi hy vọng các em sinh viên theo học chương trình logistics và quản lý chuỗi cung ứng của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ định hình được tư duy thị trường và bám sát được thực tiễn và xu hướng phát triển trong lĩnh vực này ngay từ sớm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong tương lai.
Là 1 trong 5 trường trọng điểm quốc gia về kỹ thuật và công nghệ, Học viện định hướng sẽ mở nhiều ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao. Việc mở ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng hứa hẹn góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế số, thông qua việc cải thiện quy trình Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.