Ngày 9/4/2025, Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Diễn đàn Mekong về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số lần thứ I, chủ đề: “Truyền hình và công nghiệp văn hóa”. Là trường đào tạo trọng điểm quốc gia về Kỹ thuật, Công nghệ, là trường tiên phong trong Chuyển đổi số giáo dục đại học, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tham gia và có bài tham luận tại diễn đàn.
Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; ông Trần Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Đại diện Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân, đại diện các cơ quan truyền thông, văn hóa tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ….
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, diễn đàn là cơ hội quý báu để kết nối trí tuệ, kinh nghiệm và giải pháp với cái nhìn khách quan và rộng mở của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo trong cả nước. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long tin tưởng rằng, sự đóng góp đầy tâm huyết và trí tuệ của quý đại biểu sẽ đưa ra nhiều ý tưởng đột phá, nhiều sáng kiến mang giá trị thực tiễn và lâu dài, góp phần định hình một cách sáng rõ nhất con đường phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nói chung và lĩnh vực truyền hình và công nghiệp văn hoá của tỉnh Vĩnh Long nói riêng trong thời gian tới.

Quang cảnh diễn đàn
Diễn đàn tập trung phân tích các xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và công nghiệp văn hóa, các cơ hội và thách thức mà tỉnh Vĩnh Long đang đối mặt, từ đó đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phát hành và kinh doanh nội dung số, góp phần thúc đẩy kinh tế số một cách bền vững. Các đại biểu tham dự đã chia sẻ một số nội dung: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong truyền hình và công nghiệp văn hóa thời đại AI tạo sinh; tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa tại Vĩnh Long; thói quen tiêu thụ truyền thông của thế hệ Z trong kỷ nguyên số; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực truyền hình; ứng dụng 5G trong sản xuất truyền hình; truyền hình 4.0: cơ hội- thách thức và ý tưởng thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và xã hội số…

PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện chia sẻ về “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong truyền hình và công nghiệp văn hóa thời đại AI tạo sinh” tại Diễn đàn
Tại diễn đàn, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện đã có tham luận “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong truyền hình và công nghiệp văn hóa thời đại AI tạo sinh”. Trao đổi với các diễn giả trong phiên tọa đàm tại Diễn đàn, PGS.TS Đặng Hoài Bắc cũng đã chia sẻ về tầm nhìn dài hạn giữa Học viện với Tỉnh ủy Vĩnh Long trong quá trình Chuyển đổi số. Theo đó, PGS.TS Đặng Hoài Bắc cho biết với tiềm lực và khả năng của mình, Học viện có thể tổ chức các khu trải nghiệm công nghệ, tạo ra các không gian đổi mới sáng tạo với đầy đủ hệ sinh thái… góp phần vào định hướng phát triển bền vững khu vực Mekong.
Bên cạnh đó, các tham luận gợi mở phân tích sâu sắc những tác động của chuyển đổi số đối với lĩnh vực truyền hình và ngành công nghiệp văn hóa, qua đó các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền hình có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ đó đề xuất định hướng phát triển kinh doanh và công nghiệp văn hóa phù hợp từng bước nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình, tìm kiếm các mô hình kinh doanh bền vững khai thác hiệu quả các nền tảng số để tạo nguồn thu mới đóng góp cho tăng trưởng kinh tế số phát triển công nghiệp văn hóa.