Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) vừa công bố chương trình Thiết kế và Phát triển Game bậc đại học. Bên cạnh đó, nhiều ngành học mới của trường hứa hẹn đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong kỷ nguyên số.
Tiềm năng của ngành game
Theo số liệu thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, trên thế giới hiện có khoảng 3 tỷ người chơi trò chơi điện tử. Đến năm 2030, con số này dự kiến tăng lên 4,5 tỷ người. Thị trường game cũng được dự đoán đạt doanh thu 218,7 tỷ USD vào năm 2024. Tại Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là cường quốc game của khu vực.
Từ năm 2011, PTIT đào tạo ngành Công nghệ Đa phương tiện với những môn học tiếp cận với chuyên ngành game như: Thiết kế kịch bản game, Lập trình game…. Đây là tiền đề cho việc xây dựng chương trình Thiết kế và Phát triển Game được tuyển sinh từ năm 2024.
Chương trình được xây dựng bài bản theo chuẩn quốc tế dựa trên khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đồng thời tham khảo chương trình đào tạo từ các trường đại học hàng đầu đào tạo về game trên thế giới.
Sinh viên được trang bị các kiến thức chuyên sâu về thiết kế, phát triển game cùng các kiến thức liên ngành như toán học, văn hóa, tâm lý, kinh tế, pháp luật, marketing… để có thể thiết kế các game không chỉ hấp dẫn người chơi, tạo doanh thu mà còn đảm bảo tính lành mạnh và tuân thủ pháp luật.
Thiết kế chip bán dẫn đón đầu xu hướng
Là một trong 5 trường đại học trong liên minh đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn, PTIT mở chuyên ngành đào tạo Thiết kế vi mạch từ năm 2023 trên cơ sở bề dày kinh nghiệm gần 20 năm đào tạo về Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử.
Việc cung cấp môi trường học tập, làm việc thú vị từ chương trình đào tạo, lab thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, học bổng, trao đổi tại nước ngoài có thể giúp sinh viên trau dồi kiến thức, tích lũy kỹ năng để trở thành những chuyên gia thiết kế vi mạch xuất sắc.
Anh Nguyễn Trung Hiếu, Phụ trách khoa Kỹ thuật Điện tử 1 – PTIT cho biết: “Nhiều sinh viên của trường đang làm việc tại các công ty hàng đầu trong lĩnh vực điện tử, thiết kế phần mềm điều khiển, thiết kế phần cứng, các hệ thống số, bộ xử lý tín hiệu tiên tiến như Synopsis, DreamBig, Marvel, Qorvo, CoAsia, Dolphin…”.
Việc đào tạo chuyên ngành mới này đã bước đầu mang lại quả ngọt. Tại chung kết quốc gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2024, dự án “Bộ xét nghiệm nhanh HIV sử dụng công nghệ bán dẫn” của sinh viên PTIT đã giành giải Ba khối sinh viên các cơ sở đào tạo lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.
Dữ liệu – “mỏ vàng” đang chờ khai thác
Trong những năm gần đây, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ kéo theo sự bùng nổ dữ liệu các công ty đang tạo ra mỗi ngày, từ đó, sự phát triển của lĩnh vực khoa học liên quan như dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng.
Với định hướng là cơ sở giáo dục đại học năng động và tiên phong trong mở các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, PTIT đã xây dựng chương trình đào tạo Kỹ thuật Dữ liệu (ngành Mạng Máy tính và Truyền thông Dữ liệu) và Khoa học Máy tính (định hướng khoa học dữ liệu) với mục tiêu hướng tới tính liên ngành và mở rộng khả năng đáp ứng yêu cầu công việc trong các lĩnh vực khác nhau.
Theo TS. Lê Hải Châu – Trưởng bộ môn Kỹ thuật Dữ liệu – Khoa Viễn thông 1 – PTIT, lĩnh vực khoa học dữ liệu không phải là một ngành đơn nhất mà được hiểu là lĩnh vực bao trùm, tổng hòa của nhiều ngành thành phần, trong đó nổi lên có 3 ngành mới bao gồm: khoa học dữ liệu (data science), kỹ thuật dữ liệu (data engineer) và phân tích dữ liệu (data analysis). Đây là bộ ba hứa hẹn bùng nổ về nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới. Mức lương trung bình của kỹ sư kỹ thuật dữ liệu tại Việt Nam có thể đạt tới 400 triệu đồng/năm.
PTIT là một trong số trường đại học tiên phong tại Việt Nam mở nhiều ngành đào tạo lai ghép công nghệ số như Công nghệ Đa phương tiện, Công nghệ Tài chính, Thiết kế và Phát triển Game… Đại diện trường cho biết, sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên chiếm 85%, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 95% đối với khối kỹ thuật và trên 92% đối với các khối còn lại.’