Chiều 23/6/2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Lê Duy Tiến về đề tài: “Nghiên cứu kỹ thuật xử lý tín hiệu quang ứng dụng trong các hệ thống kết nối máy tính quang”

Chuyên ngành: Kỹ thuật máy tính

Mã số chuyên ngành: 9.48.01.06

Hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lê Trung Thành và TS. Nguyễn Ngọc Minh.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện gồm các thành viên: GS.TSKH. Phạm Thế Long – Học viện Kỹ thuật Quân sự, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Lê Nhật Thăng – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – Ủy viên Thư ký; PGS.TS. Ngô Hồng Sơn – Trường Đại học Phenikaa – Ủy viên-Phản biện 1; PGS.TS. Bùi Ngọc Mỹ – Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự – Ủy viên-Phản biện 2;PGS.TS. Đào Thanh Toản – Trường Đại học Giao thông Vận tải- Ủy viên-Phản biện 3; GS.TS. Từ Minh Phương- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông- Ủy viên; PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng- Đại học Bách khoa Hà Nội- Ủy viên

48

NCS Lê Duy Tiến trình bày luận án trước Hội đồng

Khách mời tham dự buổi bảo vệ còn có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Học viện, các bạn bè, đồng nghiệp và người thân của NCS.

Sau khi xem xét hồ sơ luận án, nghe NCS Lê Duy Tiến trình bày luận án và trả lời các câu hỏi, Hội đồng đã thống nhất đánh giá:

* Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn

–      Luận án có ý nghĩa khoa học trong lĩnh vực Kỹ thuật máy tính và có ý nghĩa thực tiễn trong việc phát triển các giải pháp kỹ thuật xử lý dữ liệu và kết nối quang trong các hệ thống kết nối máy tính quang.

* Các kết quả chính đạt được và đóng góp mới của Luận án

–      Thiết kế một số cổng logic toàn quang thực hiện chức năng NAND, XNOR, XOR và OR sử dụng cấu trúc tích hợp 2×2 và 4×4 MMI kết nối với nhau trên cơ sở hiệu ứng giao thoa và plasmonic, ứng dụng trong các nút mạng trên chip và bản mạch của hệ thống kết nối quang.

–      Thiết kế cấu trúc tạo cộng hưởng Fano và EIT sử dụng MMI kết hợp vi cộng hưởng và cấu trúc Sagnac ứng dụng trong việc tăng/giảm độ trễ tín hiệu quang để tạo bộ đệm quang trong các nút định tuyến và xử lý tiêu đề gói tin quang.

–      Thiết kế 2 bộ tạo tín hiệu PAM-4 sử dụng cấu trúc 3×3 và 4×4 MMI nhằm tăng băng thông, tăng tốc độ dữ liệu ứng dụng trong các kết nối quang của các trung tâm dữ liệu thế hệ mới.

46
Chúc mừng NCS Lê Duy Tiến bảo vệ thành công LATS cấp Học viện

Hội đồng Kết luận: Luận án của NCS Lê Duy Tiến là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách nghiêm túc, đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại, kết quả nghiên cứu của luận án được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu thông qua luận án với kết quả 6/6 thành viên đồng ý thông qua và Hội đồng nhất trí đề nghị Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông công nhận học vị Tiến sĩ Kỹ thuật cho NCS Lê Duy Tiến.