Ngày 03/07/2023 tại Cơ sở Đào tạo Hà Đông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tiếp đón Giáo sư Arnold Lee Swindlehurst của Trường Đại học California Irvine (UCI) – Hoa Kỳ tại buổi tọa đàm khoa học “Bề mặt thông mình cầu hình lại: Các ứng dụng và vấn đề liên quan”

z4492395683737_14598dde4a5824d0bf90ee8f3ca76629

Giáo sư Arnold Lee Swindlehurst của Trường Đại học California Irvine (UCI) – Hoa Kỳ

Tham dự buổi tọa đàm khoa học có sự hiện diện của PGS.TS. Lê Nhật Thăng – Trưởng Khoa Đào tạo Sau Đại học, TS. Ngô Đức Thiện – Trưởng Phòng Quản lý Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, TS. Nguyễn Trung Hiếu – Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật Điện tử 1, PGS.TS. Lê Hải Châu – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Dữ liệu, Khoa Viễn thông 1, các Giảng viên của Khoa Kỹ thuật Điện tử 1, Viễn thông 1, Công nghệ thông tin 1, các cán bộ của Khoa Đào tạo Sau Đại học cùng với các nghiên cứu sinh, học viên cao học và các em sinh viên năm cuối của các Khoa chuyên ngành đang theo học tại Học viện…

z4492395638940_f62c90276437c168ae4d8b1639907723

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Trong phần diễn thuyết, Giáo sư Arnold Lee Swindlehurst đã trình bày về tổng quan về ứng dụng của bề mặt thông minh có thể cấu hình lại – RIS (Reconfigurable Intelligent Surfaces). Cụ thể, Giáo sự đã đưa ra cái nhìn tổng quan về RIS cùng với các ứng dụng cụ thể của RIS trong các mô hình mạng khác nhau. Những lợi thế và thách thức trong truyền dẫn tin và xử lý tín hiệu khi sử dụng RIS trong hệ thống mạng 5G và sau 5G. Thêm vào đó là ảnh hưởng của fading đa đường đến hiệu quả của việc sử dụng RIS.  Giáo sư Arnold Lee Swindlehurst cũng phân tích một mô hình RIS cơ bản, các công thức toán học có liên quan và mô tả về pha truyền dẫn tín hiệu cũng như điều khiển pha tín hiệu. Tiếp đó, là giới thiệu về các phần tử RIS thụ động và chủ động, phân tích ưu nhược điểm của các phần tử RIS này, từ đó giới thiệu một bề mặt RIS lai ghép – xen kẽ các phần tử RIS thụ động và chủ động để nâng cao chất lượng của hệ thống truyền dẫn. Bên cạnh đó, bài thuyết trình của Giáo sư Arnold Lee Swindlehurst cũng đề cập tới các bề mặt thông minh có thể cấu hình lại mới, tính hấp thụ và tính phản xạ của RIS cũng như vai trò quan trọng của các tính chất này. Cuối cùng, Giáo sư Arnold Lee Swindlehurst đã trình bày về định hướng nghiên cứu của nhóm nghiên cứu mà Giáo sư đang hướng dẫn, tập trung vào ứng dụng RIS để ngắt tín hiệu truyền dẫn trên những kênh truyền không mong muốn hơn là việc nâng cao chất lượng truyền dẫn của hệ thống vô tuyến. Điều này có ý nghĩa lớn trong nâng cao chất lượng bảo mật của hệ thống. Trong bài diễn thuyết của mình, Giáo sư Arnold Lee Swindlehurst cũng đã giới thiệu về Trường Đại học California Irvine (UCI) – Hoa Kỳ nơi Giáo sư đang công tác, nhóm nghiên cứu và các cộng sự. Theo đó, Giáo sư Arnold Lee Swindlehurst mong muốn tìm những sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh ưu tú có khả năng nghiên cứu tốt và đang theo định hướng nghiên cứu về RIS để tham gia vào nhóm nghiên cứu của Giáo sư.

z4492395647292_466aa76a61944b7fe506d3559905dadb

Giáo sư Arnold Lee Swindlehurst chụp ảnh lưu niệm với giảng viên, NCS, học viên và sinh viên Học viện

Đồng quan điểm với Giáo sư Arnold Lee Swindlehurst, Phó Giáo sư Lê Nhật Thăng mong muốn Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Trường Đại học California Irvine (UCI) – Hoa Kỳ sẽ có nhiều hợp tác trong thời gian tới đây trong lĩnh vực nghiên cứu là thế mạnh của Giáo sư về xử lý tín hiệu, truyền thông MIMO, hệ thống thông tin địa lý, ra đa, Sonar cũng như về RIS thông qua việc trao đổi sinh viên, học viên, cao học, nghiên cứu sinh, giảng viên trong các đề án nghiên cứu, hợp tác khoa học, trao đổi học thuật chung giữa PTIT và UCI.