Trong 15 năm giảng dạy, cô Hằng gặp không ít sinh viên giỏi, thậm chí có những kỹ năng vượt trội hơn giảng viên. Nhưng cô lại cho đó là điều bình thường, bởi “ngay như huấn luyện viên Park Hang-Seo cũng chưa chắc đá bóng giỏi bằng Quang Hải”.

Không phải là tiết dạy với hình ảnh cô giáo đứng thao thao trên bục, cô đọc, trò chép, trong tiết dạy của cô Lê Thị Hằng (Trưởng Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), sinh viên luôn được làm chủ bài học.

Sau khi trình bày giúp học trò nắm vững lý thuyết, phần lớn thời gian nữ giảng viên “lùi lại phía sau” để chăm chú lắng nghe những điều sinh viên ứng dụng trong bài thực hành.

Cho rằng “đó có thể không phải là một tiết học chỉn chu”, nhưng theo cô Hằng, “trong các bài thể hiện của sinh viên, dù có đôi chỗ còn lúng túng, chưa thật trúng vấn đề hay vượt quá thời gian trình bày, nhưng hơn hết các em đã được học thật, làm thật”


Cô Hằng luôn giữ vai trò là cố vấn cho sinh viên

Cái khó của người ‘tìm đường’

Cô Lê Thị Hằng vốn được biết tới là một trong những người đặt “nền móng” cho ngành Truyền thông Đa phương tiện tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Từng có thời gian làm thạc sĩ và tiến sĩ tại Pháp, cô có cơ hội chứng kiến sự nhen nhóm và phát triển của ngành Truyền thông Đa phương tiện tại nước bạn.

Vì thế, khi trở về công tác tại Học viện, cô được giao trọng trách tham gia soạn thảo khung chương trình Truyền thông Đa phương tiện – một ngành học còn khá mới mẻ tại Việt Nam vào thời điểm ấy.

“Nhiệm vụ của chúng tôi khi đó thực sự khó khăn vì Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là một trong những cơ sở đi đầu. Trong khi đó, thế giới đã phát triển việc đào tạo ngành này cách chúng ta khoảng hơn chục năm với các tên gọi khác nhau”, cô Hằng nói.

Chương trình, tài liệu hầu như không có. Vì thế vào thời điểm ấy, ngoài giờ lên lớp, cô cùng cộng sự phải dành phần lớn thời gian để tham khảo, nghiên cứu tài liệu nước ngoài. Bên cạnh đó, nhóm cũng phải đi “gõ cửa” từng doanh nghiệp, công ty truyền thông để khảo sát nhu cầu và xin nhận xét, góp ý.

“Tổ soạn thảo đã phải tham khảo chương trình của không dưới 25 trường đại học tại Mỹ, Úc, Pháp, Đức,… về truyền thông đa phương tiện để xem thế giới đã đi đến đâu và họ đang dạy những gì. Từ đó, nhóm đã tìm ra những môn học chung nhất, kết hợp với nhu cầu thực tế của Việt Nam và nguồn lực của Học viện để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp.

May mắn, đến năm 2016, trường bắt đầu đi vào tuyển sinh ngành học này với tổng số tín chỉ là 125, trong đó có 40 tín chỉ đạo tạo các môn học đại cương, 75 tín chỉ đào tạo chuyên ngành, 10 tín chỉ cho thực tập và khóa luận tốt nghiệp”, cô Hằng nhớ lại.


TS. Lê Thị Hằng, Trưởng bộ môn Truyền thông Đa phượng tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Quá trình xây dựng chương trình với cô Hằng cũng có rất nhiều kỷ niệm. Điển hình như việc khi đưa chương trình khung ra trước hội đồng, nhiều môn học được chuyên gia nhận xét “có vẻ Tây quá, cần phải Việt hóa lại”.

Vì thế, nhóm đã phải rất “khổ sở” chỉ để… đặt được tên cho một môn học sao cho phù hợp.

“Không phải môn học nào cũng dễ dàng dịch ngược sang tiếng Việt dù có thể môn đó rất phổ biến ở nước ngoài. Ví dụ như môn Storytelling, hiện nhóm đang phải tạm đặt là môn Nghệ thuật kể chuyện sau rất nhiều lần “nâng lên đặt xuống’”.

Sinh viên giỏi hơn giảng viên: Chuyện bình thường!

Việc giảng dạy cho sinh viên cũng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có những khi giảng lý thuyết, sinh viên “gật gù tỏ vẻ rất hiểu”, nhưng sau khi bắt tay vào thực hành, học trò lại sáng tạo ra những câu chuyện hết sức ngô nghê, thậm chí khiến giáo viên phải bật cười.

Ví dụ, khi dạy môn Nghệ thuật kể chuyện, cô giáo yêu cầu sinh viên trước khi sáng tạo câu chuyện truyền thông cần phải nắm được mục tiêu, đối tượng mình hướng tới trước khi xác định bối cảnh, nhân vật, đỉnh cao mâu thuẫn,…

Dù lý thuyết là vậy, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn, sinh viên vẫn loay hoay.

“Có sinh viên đi thực tập tại một ngân hàng. Em được ‘đặt hàng’ phải sáng tạo nội dung với chủ đề nhân ngày 20/10 nhằm hỗ trợ các chị, các mẹ vay vốn. Nhưng sinh viên này lại sáng tạo câu chuyện trong bối cảnh ở… Scotland, đàn ông mặc váy, phụ nữ cầu hôn đàn ông mà không có sự liên quan gì đến đối tượng cần thuyết phục vay vốn. Em về tâm sự rằng mình đã sáng tạo ra câu chuyện rất hay nhưng vẫn không được ban lãnh đạo duyệt”.

Những lúc như vậy, cô Hằng lại đóng vai trò là người cố vấn nhằm chỉ ra những điểm còn thiếu sót trong cách xử lý vấn đề của học trò.


Cô Lê Thị Hằng vốn được biết tới là một trong những người đặt “nền móng” cho ngành Truyền thông Đa phương tiện

Dù vậy, nữ giảng viên sinh năm 1980 cũng phải thừa nhận, thầy cô giáo thời 4.0 có rất nhiều cái khó, bởi có những thứ thầy cô tìm được trên internet thì sinh viên cũng có thể tìm được.

“Bây giờ nguồn tài liệu đều là dữ liệu mở. Vì vậy, vai trò của giảng viên giờ đây rất khác. Nếu như trước, giáo viên phải lên bảng giảng bài rất nhiều thì hiện tại, cái khó của người thầy là sinh viên có thể tự đọc, tự tìm hiểu. Do đó, giáo viên phải ‘chuyển mình’ ở mức cao hơn, không thể đứng yên một chỗ mà phải liên tục thay đổi và cập nhật tình hình mới”.

Thậm chí, theo cô Hằng, sinh viên giờ đây rất giỏi và sáng tạo. Có những em ngay từ năm nhất đã có thể đi làm và “làm không hết việc”.

“Có bạn học xong môn Kỹ thuật nhiếp ảnh đã ra mở studio hay chuyên chụp cho giới showbiz, hoa khôi, hoa hậu. Các em có thể có kỹ thuật tốt, nhưng khi vào trường sẽ được học bài bản hơn về bố cục, nội dung hay những xu hướng và cả những điều thị trường đang cần”.

Cô Hằng cũng cho rằng, chuyện sinh viên vượt trội hơn giảng viên ở một số kỹ năng cũng là điều bình thường, bởi ngay như huấn luyện viên Park Hang-seo cũng không thể đá bóng giỏi như Quang Hải. Tuy nhiên, vai trò của giảng viên hay huấn luyện viên là họ phải nhìn thấy bức tranh toàn cảnh và có thể đưa ra định hướng tốt cho học trò.

“Thầy cô sẽ dạy các em phương pháp, kỹ thuật kể chuyện. Nhưng có kể được hay không lại thuộc về khả năng lĩnh hội và năng khiếu của từng người.

Có những bạn sáng tạo rất hay mà đôi khi, thầy cô là người hướng dẫn cũng chưa chắc đã làm được như thế. Đó là điều hết sức bình thường. Tôi thấy mừng khi có những sinh viên giỏi như thế. Và chính thầy cô cũng phải học hỏi rất từ những sinh viên này”, cô Hằng chia sẻ.

Với cương vị là Trưởng bộ môn Truyền thông Đa phương tiện, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Chương trình đào tạo đại học ngành Truyền thông Đa phương tiện, TS. Lê Thị Hằng đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và phát triển ngành đào tạo mới của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

TS. Lê Thị Hằng được đề cử là một trong 41 cá nhân điển hình tiên tiến dự Đại hội thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông lần thứ IV. Đại hội diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 12/10.

Thúy Nga

Nguồn: https://vietnamnet.vn/

12/10/2020   06:00 (GMT+07:00)