“Nếu sự nghiệp nghiên cứu của em là một chuyến đi, thì em mong muốn điểm kết thúc của nó là sự hài lòng về những gì mình đã làm được”- Đó là ước mơ tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều đam mê và khát vọng của Đỗ Hoàng Khôi Nguyên.
Đam mê, khát vọng!
Sinh năm 1998, Đỗ Hoàng Khôi Nguyên đang là học viên lớp Thạc sỹ chuyên ngành hệ thống thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Nguyên sinh ra và lớn lên ở Nam Định. Ước mơ lớn của Nguyên là được dấn thân và cống hiến hết mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và công nghệ, mà ở đó ước mơ cháy bỏng của Nguyên là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
“Nếu sự nghiệp nghiên cứu của em là một chuyến đi, thì em mong muốn điểm kết thúc của nó là sự hài lòng về những gì mình đã làm được”- Đó là ước mơ tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều đam mê và khát vọng của Đỗ Hoàng Khôi Nguyên.
Tuy mới là năm đầu tiên của của quá trình học Thạc sỹ, nhưng Nguyên đã có 10 bài báo khoa học, trong đó có 5 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI. Đặc biệt, Nguyên còn có 01 bài báo đăng trên Tạp chí khoa học danh tiếng trên thế giới Nature Scientific Report thuộc nhà xuất bản Nature với tuổi đời hơn 150 năm. Ngoài ra, Nguyên vừa được chấp thuận để công bố một trong những hội nghị về học máy hàng đầu trên thế giới là Artificial Intelligence and Statistics 2024 (AISTATS 2024) được tổ chức tại Tây Ban Nha. Đây là hội nghị thuộc nhóm những hội nghị có mức độ chuyên sâu và có uy tín nhất trong nhánh học máy “Big Five Machine learning Conferences” bao gồm NeurIPS, ICML, ICLR, AISTATS và AAAI.
“Ước mơ của em là có thể biết được hết thông tin và tham gia vào tất cả các hội nghị danh tiếng về trí tuệ nhân tạo trong quá trình học tiến sỹ sau này”- Nguyên đã bộc bạch!.
Định hướng và quyết tâm
Nhớ lại những năm tháng đầu tiên chập chững bước vào cổng trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, thời gian ấy, Nguyên gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, trong cách học ở bậc Đại học. Với suy nghĩ mông lung, cuối cùng Nguyên chọn học chuyên ngành Kỹ thuật Viễn thông.
Viễn thông là ngành kỹ thuật, có những lần Nguyên đắn đo và đặt ra câu hỏi, liệu chuyên ngành này phù hợp với tính cách và điểm mạnh của mình không?, vì Nguyên là người tò mò, yêu thích những thứ đơn giản nhưng lại có hiệu quả cao, đòi hỏi khả năng suy luận. Trong quá trình học, Nguyên dần nhận ra cậu phù hợp với ngành Khoa học máy tính hơn, vì ở đó, Nguyên có thể thỏa thích tìm tòi, vọc vạch các thuật toán có tính logic và thỏa mãn được sở thích, tính cách cũng như là năng lực của Nguyên.
Kể từ đó, Nguyên luôn tập trung cho các môn học về khoa học máy tính, đó cũng là một trong lý do những môn thuộc chuyên ngành của Nguyên lại không đạt theo mong muốn. Nguyên tốt nghiệp cử nhân đại học với một điểm tích lũy GPA không cao, Nguyên đã không thể nhận học bổng Tiến sỹ ở nước ngoài, dù cũng đã có một số bài báo khoa học chất lượng trên thế giới như là IEEE Access hay IEEE Photonic Journal.
Với kết quả đó, Nguyên đã nhận ra và định hướng lại cho mình và nghĩ rằng: “Mình luôn phải hoàn thành trách nhiệm của mình dù sở thích và đam mê của mình là gì đi chăng nữa”, Nguyên nói!.
Thay đổi, cống hiến và tỏa sáng
Nguyên đã quyết tâm thay đổi cách học và không bỏ cuộc. Nguyên quyết tâm tiếp tục học Thạc sỹ ngành Hệ thống thông tin tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông để cải thiện điểm GPA. Đồng thời, trong quá trình này, Nguyên tập trung cải tiến khả năng toán, lập trình, đọc hiểu tiếng anh và các kỹ năng khác liên quan đến nghiên cứu đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo – một ngành khó và đòi hỏi tập trung cao mà không phải học viên nào cũng đam mê.
“Em nghĩ đó là thất bại của mình nhưng cũng là bài học để em nhận ra rằng em phải làm gì để thay đổi, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”-Nguyên chia sẻ!
Trong quá trình nghiên cứu, Nguyên may mắn được nhận để hợp tác cùng phòng Lab nghiên cứu Thuật toán và tối ưu của đại học Florida, một trường có thứ hạng 28 tại Mỹ. Cậu được nhận vào dưới sự dẫn dắt của giáo sư Thái Trà My, một giáo sư đầu ngành về AI của trường.
Nguyên chia sẻ, vì là dân trái ngành chuyển sang, trong quá trình học Nguyên cũng gặp rất nhiều khó khăn và bị “ngợp” khi vào Lab của giáo sư. Giáo sư luôn giao những đề tài khó, có tính đột phá cao, khiến một người chập chững vào AI, lại không có nhiều bạn bè để chia sẻ vấn đề học thuật cùng khiến Nguyên nhiều bế tắc. Đồng thời, về vấn đề tâm lý, Nguyên luôn tự đặt bản thân mình so sánh với người khác, đặc biệt là những người giỏi hơn Nguyên. Khiến Nguyên luôn cảm thấy tự ti, không dám đưa ra luận điểm với các giáo sư ở Mỹ. Trong quá trình gần 1 năm, Nguyên không thể vượt qua bản thân mình, có những lúc rơi vào trạng thái bị trầm cảm.
“Ở phòng Lab về AI bên đại học Florida, có rất nhiều bạn giỏi, công bố báo học thuật liên tục khiến em luôn nghĩ rằng đáng ra mình có thể làm nhanh hơn tốt hơn để cũng có thể công bố nhiều và chất lượng như họ”, Nguyên nói!.
Nhờ những lời động viên của những người thầy cùng trường của Nguyên, đó là PGS. TS Trương Cao Dũng và PGS.TS Phạm Văn Cường, Nguyên đã được định hướng và cảm thấy hứng thú hơn trong quá trình nghiên cứu. Nguyên đã tự học, tự lên mạng đọc hiểu từ các bài báo học thuật và các khóa học chuyên sâu để giải quyết dần dần những vấn đề giáo sư ở bên Mỹ đưa ra mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ ai.
Kết quả là, trong quá trình học Thạc sỹ, Nguyên đã giải quyết được các vấn đề được đưa ra và đã thành công công bố được những bài báo chất lượng hàng đầu thế giới ở Nature Scientific Report và hội nghị học máy AISTATS. Tự tin và dần trưởng thành hơn, Nguyên không còn so sánh bản thân mình với người khác nữa. Đối với Nguyên bây giờ, “Mỗi ngày nằm xuống ngủ, em chỉ cần cảm thấy em đã cố gắng hết sức và tốt hơn ngày hôm qua là em hài lòng”, Nguyên bộc bạch!.
Mỗi ngày qua đi, Nguyên một trưởng thành và Nguyên đã nhận ra, không phải nghiên cứu để chứng tỏ bản thân mình nữa, mà là chặng đường để Nguyên trưởng thành hơn, để mình trở thành một người độc lập về suy nghĩ, để có cơ hội cống hiến cho sự phát triển của đất nước, góp phần nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhận xét về Nguyên, PGS.TS. Trương Cao Dũng chia sẻ: “Nguyên là một sinh viên xuất sắc, người có những phẩm chất khoa học thực sự. Tôi phải cảm ơn Nguyên rất nhiều vì đã trợ giúp tôi đạt được những thành tựu đáng kể trong hai năm qua. Đặc biệt, góp sức rất lớn cho tôi trong việc thực hiện dự án khoa học được tài trợ trong năm đầu tiên của Quỹ VINIF đạt được kết quả thật sự vượt quá sự mong đợi”.
Cũng chung nhận xét, GS.TS Trịnh Minh Tuấn – Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) – nhận định, Nguyên là trường hợp “rất hiếm” vì tại các đại học Hoa Kỳ cũng không có nhiều sinh viên giỏi có thành tích công trình nghiên cứu công bố quốc tế như vậy. Hai bài báo của Nguyên đăng trên hệ thống danh tiếng Nature và AISTATS là điều mà các nhà khoa học đã có học vị tiến sĩ ở đây cũng rất khó khăn lắm mới có được.
Nguyên cho biết, sau khi bài báo AISTATS vừa chấp thuận, Nguyên đã chính thức được nhận làm học trò của giáo sư Thái Trà My của Đại học Florida, Mỹ. Khi học xong chương trình thạc sỹ ở Việt Nam vào tháng 11 tới đây, cậu sẽ sang Đại học Florida để học tiến sỹ về khoa học máy tính cũng như tiếp tục con đường chinh phục đỉnh cao nghiên cứu của mình.
Kế hoạch và khát vọng của Nguyên đặt ra, một tương lai rộng mở sẽ đón chào những con người có lòng quyết tâm, khát khao cống hiến và đam mê. Đại học Florida, Mỹ đón chào em và em là một trong những nhân tố điển hình, là đóa hoa tỏa sáng của Học viện Công Bưu chính Viễn thông, của Việt Nam trên đất Mỹ.