Háo hức là tâm trạng của hơn 50 sinh viên PTIT chuyên ngành quản trị logistics khi trải nghiệm thực tiễn tại hai đơn vị vận chuyển, kho vận và chuyển phát nhanh (CPN) (EMS) lớn của Vietnam Post.
Trải nghiệm thực tiễn tại các trung tâm kho vận, vận chuyển và EMS hiện đại
Tại Trung tâm vận chuyển và kho vận miền Bắc thuộc Công ty vận chuyển và kho vận Bưu điện, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) (Vietnam Post), các sinh viên đã được chứng kiến thực tế sự vận hành hệ thống dây chuyền chia chọn tự động ứng dụng công nghệ cross belt với công suất trên 24.000 bưu kiện/giờ và cao điểm công suất có thể lên tới 27.000 bưu kiện/giờ. Toàn bộ quy trình chia chọn hàng hóa tại Trung tâm này đều tự động hóa, được kiểm soát bằng mã vạch.
Với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cùng khả năng thu nhận thông tin và phân tích hình ảnh bưu gửi, hệ thống cho phép chia chọn bưu kiện tốc độ cao, chính xác 100% theo gần 300 hướng đến tận cấp huyện và cấp xã. Việc ứng dụng công nghệ đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ, rút ngắn 70% thời giao nhận khai thác hàng hóa, nâng cao trải nghiệm và hiệu quả hoạt động của khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp (DN) thương mại điện tử (TMĐT).
Ông Võ Đình Nguyên, Giám đốc Trung tâm chia sẻ sản phẩm bưu chính được phân chia thành 4 công đoạn: chấp nhận, khai thác – vận chuyển, kho vận và cuối cùng là phát. Chia chọn là “trái tim” của các khâu.
Trung tâm đi vào vận hành từ tháng 1/2022, là hạ tầng đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ logistics, TMĐT phía Bắc. Hiện, Trung tâm đang đảm nhiệm 28 tuyến đường thư cấp 1, trong đó có tuyến chạy tần suất 1 – 3 chuyến/ngày tuỳ theo sản lượng hàng hoá 2 chiều. Trung tâm cũng được giao nhiệm vụ khai thác các tuyến tàu hoả để vận chuyển hàng hoá.
Trung tâm cũng có 3 đơn vị khai thác, trong đó có bưu cục phát hành báo chí đặt ngay tại các đơn vị in báo để chuyển và giao báo cho các tỉnh ngay trong ngày. Trung tâm hiện có đội ngũ hơn 200 công nhân khai thác, hơn 300 lái xe làm việc theo 3 ca, liên tục 24/24 giờ.
Ông Nguyên chia sẻ thêm trung tâm có đặc thù là hoạt động cao điểm vào ban đêm. Khi đêm xuống sản lượng hàng hoá dồn về, một sàn khai thác có tới 100 lao động cùng một lúc trong khung giờ 23 giờ đêm đến 4 giờ sáng, cùng với đội xe tới 200 chuyến từ 5 – 20 tấn đi và về trong khuôn viên của Trung tâm. Do yêu cầu về thời gian toàn trình của bưu gửi, sàn khai thác phải tuân thủ bố trí lao động căn cứ theo sản lượng, quy luật nghiêm ngặt, đảm bảo tiến độ và tiết kiệm nhân lực nhất.
Cũng với háo hức tìm hiểu về logistics, tại Trung tâm khai thác trong nước – Tổng công ty CP chuyển phát nhanh (CPN) (EMS) Bưu điện – Công ty cổ phần tại Hà Nội, thành viên của Tổng công ty BĐVN, các sinh viên logistics cũng đã có những khoảng thời gian trải nghiệm thực tế việc chia chọn bưu phẩm EMS theo một chu trình khép kín.
Ông Trần Công Tuấn, Phó Ban nghiệp vụ chất lượng – Tổng công ty CP CPN (EMS) Bưu điện cho biết công ty được thành lập năm 2005, là đơn vị duy nhất được triển khai dịch vụ EMS tại lãnh thổ Việt Nam, là thương hiệu quốc tế EMS trực thuộc UPU quản lý trực tiếp.
Công ty có sứ mệnh kết nối con người, DN, tổ chức vì một Việt Nam phát triển bằng các giải pháp CPN, TMĐT, logistics trong nước và quốc tế. Năm 2011, EMS Việt Nam đã nhận giải thưởng Vàng cho chất lượng của UPU và Hiệp hội EMS quốc tế. Năm 2015, EMS Việt Nam nhận giải thưởng Sao Vàng Đất việt và nhận Huân chương lao động hạng 3.
Năm 2020 dịch COVID xảy ra, ông Trần Công Tuấn cho biết công ty là đơn vị đầu tiên thuê nguyên chuyến bay chở hàng EMS trục Bắc Nam để lưu thoát hàng hoá, thư tín, phục vụ nhu cầu của hai chiều đất nước.
Sứ mệnh của bưu chính, logistics
Tại không gian thực tế, tổng kết buổi học tập thực tiễn, ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính – Bộ TT&TT nhấn mạnh những sứ mệnh và nội hàm của Bưu chính. Sứ mệnh của Bưu chính là quốc tế và dân sinh, nghĩa là BĐVN được Nhà nước chỉ định là nhà khai thác bưu chính quốc gia tham gia vào mạng lưới toàn cầu với gần 700.000 bưu cục để hình thành “một lãnh tổ bưu chính” (single postal territory). Đồng thời, BĐVN đảm bảo khả năng phổ cập dịch vụ (univeral service obligation – USO) với hơn 12.000 điểm giúp người dân dù ở miền núi, biên giới, hải đảo vẫn được sử dụng dịch vụ bưu chính với mức giá rẻ, chất lượng hợp lý.
Dịch vụ bưu chính có 4 trụ cột: thư và tem, sách báo và tài liệu, gói kiện hàng hóa và tài chính bưu chính toàn diện. Về nghiệp vụ, bưu chính có 4 khâu chấp nhận, khai thác (đóng mở túi, phân tuyến – sorting), vận chuyển và phát. Đặc thù của Bưu chính là có khâu chấp nhận và có máy chia chọn được coi là “trái tim” của hệ thống chuyển phát.
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, TS. Vũ Trọng Phong, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (QTKD) 1 – PTIT cho biết việc trải nghiệm thực tế các công việc lĩnh vực logistics giúp các sinh viên được gần gũi nhất với công việc thực tế.
“Các sinh viên tham gia trải nghiệm thực tế lần này là các sinh viên thuộc khoá logisitcs đầu tiên của PTIT. Các sinh viên sẽ tiếp tục được tạo điều kiện trải nghiệm tại các DN trong ngành, giúp các sinh viên nắm bắt, hình dung công việc để các em không bị bỡ ngỡ khi ra làm việc”, TS. Vũ Trọng Phong chia sẻ.
Cũng theo TS. Vũ Trọng Phong, “Trong hoạt động đào tạo, PTIT và khoa QTKD chú trọng kết nối giữa hoạt động đào tạo lý thuyết và thực tiễn. Đây là một phần công việc mà khoa đã và đang làm. Bên cạnh việc gửi các sinh viên đi thực tập, PTIT và khoa đã chủ động mời các chuyên gia từ các DN, tổ chức tham gia đứng lớp giảng dạy. Vụ Bưu chính đã tích cực trao đổi với các sinh viên về sứ mệnh bưu chính và các nội dung liên quan”.
Chương trình đào tạo logistics của PTIT tập trung vào logistics chặng cuối (last mile) đáp ứng nhân lực cho lĩnh vực, thực hiện Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 654/QĐ-TTg ngày 30/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Để phát triển nguồn nhân lực bưu chính, Chiến lược đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, tổ chức đào tạo chuyên ngành bưu chính trong cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Vụ Bưu chính và PTIT đang nghiên cứu, bổ sung môn học, các nội dung bưu chính trong chương trình đào tạo về logistics hiện nay và chuyến đi thực tế của các sinh viên PTIT nhằm góp phần để thực hiện nhiệm vụ này.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14 – 16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua./.