Theo kết quả khảo sát mới của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), 48,2% sinh viên được khảo sát có mức lương trung bình từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng; tỷ lệ sinh viên có mức lương từ 10 triệu đồng trở lên chiếm 29,51%.

ptit

Cuộc khảo sát tình hình việc làm các sinh viên Học viện tốt nghiệp năm 2016 giúp nhà trường nắm bắt, thống kê được tỉ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng như có được ý kiến đóng góp của sinh viên để điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Cuối năm 2017, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT đã báo cáo Bộ GD&ĐT về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp Học viện năm 2016 sau 1 năm ra trường.

Ngoài việc thực hiện chức năng là đơn vị cầu nối giữa đào tạo với thực tiễn đáp ứng các nhu cầu của xã hội của Học viện, cuộc khảo sát tình hình việc làm của sinh viên Học viện tốt nghiệp năm 2016 còn nhằm tăng cường mối liên hệ thông tin giữa cựu sinh viên, học viên với Học viện, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời nắm bắt, thống kê được tỉ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường cũng như ý kiến đóng góp của sinh viên để có sự điều chỉnh chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tiễn.

Cuộc khảo sát đã được Học viện thực hiện với hơn 1.000 sinh viên trong tổng số 2.129 sinh viên tốt nghiệp năm 2016 của trường. Các sinh viên tham gia khảo sát theo hình thức cung cấp thông tin qua điện thoại và trả lời vào bảng hỏi trực tuyến trên Google được nhà trường gửi qua email, Facebook và trên các website, Facebook dành cho sinh viên khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật của trường. Trong đó, sinh viên các ngành Kinh tế tham gia khảo sát trong thời gian từ 10/8 đến 30/11/2017; sinh viên các ngành Kỹ thuật tham gia khảo sát trong các tháng 10, 11/2017. Ngoài ra, trong suốt tháng 11/2017, Học viện đã tiến hành khảo sát thông qua việc phỏng vấn trực tiếp sinh viên qua điện thoại.

Từ các phiếu khảo sát thu thập được và các cuộc khảo sát qua điện thoại, Học viện đã phân loại từng phiếu theo chuyên ngành được đào tạo, theo đối tượng được khảo sát, lọc dữ liệu thông tin… Sau khi phân loại, lọc dữ liệu thông tin, Học viện thực hiện thống kê số liệu, vẽ các biểu đồ phân tích. Trên cơ sở những kết quả thu được, Học viện đã phân tích, nhận định cũng như  đưa ra các giải pháp kiến nghị để nâng cao mối quan hệ giữa các cựu sinh viên/học viên với các doanh nghiệp sử dụng lao động của Học viện.

ictnews_ptit_3

Tỷ lệ cựu sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Kết quả khảo sát cho hay, số lượng sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ lớn với 68%. Tiếp đó là các sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng sau khi tốt nghiệp, chiếm 11%. 19% cựu sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 7 – 12 tháng sau khi tốt nghiệp và chỉ 2% cựu sinh viên có việc làm sau hơn 1 năm tốt nghiệp.

“Kết quả nêu trên chứng tỏ sinh viên Học viện đã chủ động trong việc tìm kiếm và định hướng nghề nghiệp của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, đại diện lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhận định.

ictnews_ptit_4

Tỷ lệ sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp.

Đánh giá về mức độ ổn định, gắn bó với công việc của các cựu sinh viên Học viện, theo số liệu khảo sát mới được công bố, đa phần sinh viên tốt nghiệp năm 2016 tham gia khảo sát đều công tác tại 1 vị trí công việc (35%) hoặc có thay đổi một lần (30%), không nhiều cựu sinh viên đổi công việc thường xuyên từ 3 lần trở lên (chiếm 9%).

Về loại hình tổ chức của đơn vị tuyển dụng sinh viên, kết quả khảo sát chỉ ra rằng, các sinh viên làm việc tại Công ty tư nhân – cổ phần chiếm tỷ lệ cao nhất, tới 77%; kế đến là các cựu sinh viên làm trong cơ quan nhà nước, chiếm 14%.

ictnews_ptit_5

Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ sinh viên cả Học viện tốt nghiệp năm 2016 là việc trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần lên tới 77%.

Đại diện lãnh dạo Học viện nhận định, do PTIT là trường đào tạo chính về khối ngành Kỹ thuật (CNTT, Điện – Điện tử, Viễn thông…) nên số lượng sinh viên làm việc tại các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ nhiều hơn là hợp lý. Dự kiến trong thời gian tới, với sự phát triển của nền kinh tế và quá trình hội nhập đòi hỏi chất lượng cao thì tỷ lệ sinh viên làm việc trong doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn tăng lên. Ngoài ra, còn có những sinh viên trao đổi làm việc tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
ictnews_ptit_6

Tỷ lệ có việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo của các sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tốt nghiệp năm 2016.

Đề cập đến việc sinh viên Học viện ra trường làm “đúng nghề” (liên quan tới ngành được đào tạo) hay “trái nghề” (những công việc ít hoặc không liên quan tới kiến thức được đào tạo), theo kết quả khảo sát mới, hầu hết cựu sinh viên Học viện tốt nghiệp năm 1016 đều làm những công việc đúng ngành đào tạo và phù hợp với ngành đào tạo, sử dụng những kiến thức đã được đào tạo trong trường (chiếm 84%); 16% sinh viên có công việc không đúng ngành đào tạo.

ictnews_ptit_8

Tỷ lệ ứng dụng kiến thức được đào tạo vào công việc của sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tốt nghiệp năm 2016.

Khảo sát còn cho thấy, 78% cựu sinh viên Học viện tham gia khảo sát đánh giá kiến thức họ thu nhận được tại trường có tính ứng dụng cao và phù hợp với công việc thực tế; 13% sinh viên cho rằng kiến thức họ thu nhận được có mức độ ứng dụng không cao vào công việc; và số sinh viên không ứng dụng được kiến thức vào công việc sau khi tốt nghiệp chiếm 12%.

ictnews_ptit_7

Tỷ lệ mức thu nhập bình quân hàng tháng của cựu sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát của Học viện cho hay, đa phần sinh viên tốt nghiệp Học viện năm 2016 ra trường làm việc đều có mức lương trung bình từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng, chiếm tỷ lệ 48,29%; tỷ lệ sinh viên có mức lương từ 10.000.000 đồng trở lên chiếm 29,51%. Số liệu này cho thấy mức lương của sinh viên Học viện khi ra trường chỉ ở mức trung bình, chưa cao.

“Có thể là do khả năng sử dụng ngoại ngữ của sinh viên Học viện còn yếu nên chưa thể làm việc trong những lĩnh vực cần ngoại ngữ, liên quan tới các đơn vị quốc tế  – những nơi có mức lương cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong nước”, đại diện lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lý giải.

M.T

Nguồn:ictnews.vn