HỌC VIỆN CÔNG NGHỆ BCVT SẼ MỞ CÁC NGÀNH MỚI BƯU CHÍNH, PHÁT THANH-TRUYỀN HÌNH
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) dự kiến tiếp tục đẩy mạnh phát triển chương trình đào tạo, đăng ký mở thêm một số ngành đào tạo mới trong 2 năm 2016 – 2017 như: Bưu chính, Logictics, Phát thanh-Truyền hình…

Thông tin nêu trên vừa được ông Vũ Tuấn Lâm, Phó Giám đốc Học viện CNBCVT chia sẻ tại buổi làm việc do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chủ trì ngày 10/3/2016 về công tác triển khai Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện Công nghệ BCVT.

Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện Công nghệ BCVT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/2/2016 tại Quyết định 222/QĐ-TTg (Quyết định 222). Mục tiêu của Đề án này là phát triển Học viện Công nghệ BCVT theo mô hình của trường đại học hiện đại trên thế giới với hệ thống tổ chức, quản lý hiệu quả cao trên cơ sở chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của ngành TT&TT và xã hội; bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập tại Học viện.

Cũng theo ông Vũ Tuấn Lâm, ngay sau đợt nghỉ Tết Bính Thân, Học viện đã tổ chức nhiều cuộc họp, trao đổi trong Đảng ủy, Ban giám đốc và đội ngũ cán bộ chủ chốt để thống nhất kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn cũng như định hướng dài hạn tại Học viện nhằm hiện thực hóa Quyết định 222 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, trong kế hoạch ngắn hạn, bên cạnh các công tác về tổ chức bộ máy, tài chính đầu tư, những nội dung về công tác đào tạo cũng đã được Học viện xác định rõ. Theo đó, cùng với việc đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch tuyển sinh năm 2016, duy trì quy mô tuyển sinh, đào tạo ở mức hợp lý (tổng quy mô/năm: 15.000 – 17.000 sinh viên quy đổi); Học viện cũng có phương án, lộ trình điều chỉnh tăng học phí phù hợp theo Quyết định 222 và điều kiện thực tế của trường; kịp thời phổ biến, tuyên truyền, giải thích với người học và xã hội về việc điều chỉnh học phí học kỳ 2 năm học 2015 – 2016 tăng thêm 7% và tăng 12% trong năm học 2016 – 2017.

Bên cạnh đó, Học viện sẽ có kế hoạch cụ thể, ưu tiên việc tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập; xây dựng chương trình, bài giảng, giáo trình, thư viện… nhằm từng bước tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc nâng chất lượng đào tạo ngay từ đầu năm 2016, phù hợp với việc điều chỉnh học phí theo Quyết định 222.

Cũng trong kế hoạch ngắn hạn, Học viện sẽ tăng cường công tác tổ chức, quản lý đào tạo và các biện pháp, giải pháp tổng thể để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý học viên, sinh viên các lớp chất lượng cao, liên kết quốc tế, dịch vụ khoa học công nghệ một cách thiết thực và hiệu quả, ví dụ như đưa tỷ trọng doanh thu đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo từ 1 – 2% trong các năm 2014, 2015 lên 5 – 10% doanh thu đào tạo trong năm 2016 và 2017.

Đồng thời, Học viện dự kiến tiếp tục triển khai cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và hoàn thành việc xây dựng báo cáo, thực hiện đánh giá, kiểm định chương trình, chất lượng giáo dục theo quy định trong năm 2016 và 2017 nhằm đảm bảo cam kết về đạt chuẩn và nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhất trí với các nội dung Học viện dự kiến triển khai thực hiện Quyết định 222 cả về nội dung ngắn hạn cũng như các định hướng dài hạn.

Đánh giá cao định hướng tiếp tục mở rộng các ngành nghề đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội của Học viện, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết: “Học viện lấy tên là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhưng với lĩnh vực bưu chính đến nay vẫn hoàn toàn không có đào tạo đại học. Qua trao đổi với một số cán bộ cho thấy, nhiều vấn đề về quản lý bưu chính cũng có thể xem xét, nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của các nước về các ngành nghề đào tạo liên quan đến lĩnh vực bưu chính”.

Về vấn đề đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, theo ông Lê Hữu Lập – nguyên Phó Giám đốc Học viện, bên cạnh yếu tố chất lượng đào tạo được nâng cao, việc Học viện có mở thêm được các ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của người học, xã hội hay không cũng là một tiêu chí để xem xét, đánh giá Học viện có thực hiện thành công Đề án đổi mới cơ chế hoạt động đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hay không.

Trong năm 2015, cùng với việc tiếp tục giữ ổn định về quy mô và cơ cấu ngành đào tạo, Học viện đã hoàn thành các thủ tục mở ngành, được cấp phép và đã tuyển sinh mới ngành Truyền thông Đa phương tiện trình độ Đại học thuộc nhóm ngành Báo chí và Truyền thông. Tính tới nay, Học viện đã có 5 chuyên ngành đào tạo sau đại học và 9 ngành đào tạo đại học, 2 ngành đào tạo hệ đại học đào tạo bằng tiếng Anh và chất lượng cao, 3 ngành đào tạo đại học từ xa; 4 ngành đào tạo cao đẳng chính quy; 3 ngành đào tạo Cao đẳng nghề.

Trong kỳ tuyển sinh Đại học năm 2016, Học viện Công nghệ BCVT dự kiến tuyển 3.000 sinh viên đại học chính quy vào 9 ngành đào tạo: Kỹ thuật điện tử-truyền thông; Công nghệ kỹ thuật điện-điện tử; CNTT; An toàn thông tin; Công nghệ đa phương tiện; Quản trị kinh doanh; Marketing và Kế toán.

11/03/2016