Thay vì học 4,5 năm, sinh viên ngành Công nghệ thông tin địn hướng ứng dụng sẽ chỉ học khoảng 3,5 năm đến 4 năm và sẽ đáp ứng ngay yêu cầu của nhà tuyển dụng khi ra trường. Chương trình đào tạo Cử nhân Công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ tập trung vào 3 khía cạnh là: “Doanh nghiệp hóa”, “Chứng chỉ hóa” và “Quốc tế hóa” với mục tiêu cung cấp cho người học khả năng đáp thích ứng ngay với yêu cầu công việc ngay sau khi tốt nghiệp, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp quốc tế.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin định hướng ứng dụng cách đây không lâu. Ông Đặng Hoài Bắc cũng nhấn mạnh “Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được coi là 1 trong 3 trường đào tạo về Công nghệ thông tin và Truyền thông hàng đầu tại Việt Nam hiện nay cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Trên cơ sở kế thừa và phát huy uy tín của mình trong nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo, và đặc biệt là với lợi thế về quan hệ hợp tác chiến lược và toàn diện với nhiều hãng, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thấy rằng đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới trong đào tạo nguồn nhân lực số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp”.

Học chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin định hướng ứng dụng, sinh viên sẽ được học tập tại các phòng học, phòng máy mô phỏng môi trường làm việc theo chuẩn các doanh nghiệp, đối tác công nghệ của Học viện, được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế: AWS, CCNA, TOEIC, MOS …; được đào tạo qua công việc (on-job trainng) qua các dự án “thực chiến” tại doanh nghiệp. Với giá trị cốt lõi của chương trình là mô hình 1+N (1 bằng Đại học chính quy về Công nghệ thông tin và N chứng chỉ quốc tế) sinh viên tốt nghiệp có thể tự tin đáp ứng yêu cầu công việc với mức lương lên tới $1.000 ngay khi ra trường.

Theo TS Ngô Quốc Dũng, Phó Viện trưởng Viện KHKT Bưu điện, đơn vị trực thuộc Học viện và được Học viện giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin định hướng ứng dụng, yếu tố then chốt để Học viện có thể rút ngắn thời gian đào tạo nhưng vẫn đảm bảo vừa cung cấp khối lượng kiến thức, kỹ năng chuyên môn là việc ứng dụng nền tảng Đại học số của Học viện, từ đó tối ưu các nguồn lực, chuyển đổi cách thức đào tạo trên môi trường số để rút ngắn thời gian đào tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra. Sinh viên Công nghệ thông tin của Học viện hiện nay đã được trang bị kiến thức toàn diện và chuyên sâu nhưng còn ít có động lực “sưu tập” các chứng chỉ chuyên môn quốc tế thì “hệ thống các chứng chỉ quốc tế” sẽ là điểm “key” của sinh viên theo học chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin định hướng ứng dụng. Đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt trong chương trình đào tạo mới này của Học viện.

Trong thời gian vừa qua, các hãng lớn như Samsung, NAVER, Google, Amazon… đã cung cấp nhiều khóa học miễn phí và cấp chứng chỉ cho sinh viên các ngành kỹ thuật của Học viện. Hy vọng trong thời gian tới, sinh viên Học viện nói chung và sinh viên chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin định hướng ứng dụng nói riêng sẽ có cơ hội “săn” thêm nhiều chứng chỉ quốc tế khác để làm “dày” thêm năng lực cá nhân và “đẹp” thêm CV của bản thân sinh viên trước khi tốt nghiệp.

Được biết, một trong các đối tác tham gia đầu tư nguồn lực cho chương trình này là Công ty Cổ phần Công nghệ VMO Holdings – Công ty công nghệ thông tin đáng tin cậy cung cấp các giải pháp toàn diện về dịch vụ tư vấn và phát triển các sản phẩm phần mềm gia công (Outsourcing) cho thị trường tiếng Anh (Mỹ, Singapore…); và thị trường Nhật. Công ty VMO Holdings, với sáng lập viên là cựu sinh viên Học viện, hiện đang có gần 1200 nhân sự và 11 văn phòng tại Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản.

Năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xét tuyển các tổ hợp A00, A01 theo phương thức xét tuyển kết quả thi THPT với 180 chỉ tiêu dành cho chương trình Cử  nhân Công nghệ thông tin định hướng ứng dụng.