Ngày 29/3/2016, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị các cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin (ATANTT) theo Đề án Đào tạo Phát triển nguồn nhân lực An toàn An ninh Thông tin đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 99) của Chính phủ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và 7 cơ sở đào tạo trọng điểm khác đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học an toàn, an ninh thông tin .

Năm 2013, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã trở thành trường đại học đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam triển khai đào tạo ngành An toàn thông tin. Song song với xây dựng và phát triển đội ngũ, chuẩn hóa hệ thống bài giảng, học liệu phục vụ ngành học, trong thời gian qua, Học viện đã hợp tác với nhiều trường đại học và đơn vị nghiên cứu danh tiếng trên thế giới để triển khai các chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực an toàn thông tin, điển hình như thỏa thuận hợp tác giữa Học viện và Trung tâm nghiên cứu SBA (Secure Business Austria) của Cộng hòa Áo, hợp tác với Đại học kỹ thuật viễn thông và tin học Moscow, Đại học Viễn thông Saint Petersburg (Nga)… Đây chính là thế mạnh để đến năm 2014, Học viện được Chính phủ lựa chọn là 1 trong 8 cơ sở đào tạo trọng điểm tham gia vào Đề án 99 cùng với Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học CNTT thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2020 sẽ đưa 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về ATANTT ở nước ngoài, trong đó có 100 Tiến sĩ; đào tạo 2.000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về ATANTT chất lượng cao; đưa 1.500 lượt cán bộ chuyên trách về ATANTT đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài; tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATANTT cho 10.000 lượt cán bộ làm về ATANTT và CNTT tại các cơ quan nhà nước. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực, phát huy nội lực của đơn vị mình thì các cơ sở đào tạo đều nhận thấy rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở với nhau trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, việc ký một Biên bản ghi nhớ hợp tác sẽ là cơ sở để các đơn vị thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác, hỗ trợ nhau trong việc tham gia Đề án 99 .

Nội dung hợp tác của 8 cơ sở đào tạo bao gồm: Phối hợp tham mưu, đề xuất cho Bộ GD&ĐT về đào tạo ngành nghề an toàn thông tin; Hợp tác, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về các chương trình, giáo trình về ATANTT; Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu chung, qua đó có thể áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế phục vụ cho các lĩnh vực khác nhau; Trao đổi các nhà khoa học, học giả nghiên cứu và chuyên gia cho các mục đích đào tạo, nghiên cứu khoa học về ATANTT; Phối hợp tổ chức diễn đàn, sân chơi về ATANTT cho sinh viên của các trường. .

Bên cạnh đó, 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về ATANTT cũng thống nhất cách thức thực hiện thỏa thuận hợp tác, hàng năm luân phiên mỗi đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì các hoạt động. Đầu năm (hoặc trong thời gian thích hợp), đơn vị chủ trì dự kiến kế hoạch hoạt động trong năm; lập kế hoạch tổ chức họp mặt các đơn vị để thống nhất nội dung kế hoạch hoạt động cụ thể sẽ được tổ chức trong năm.