Học viên trúng tuyển chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành CNTT theo phương thức phối hợp – Đề án 599 giữa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) và ĐH Công nghệ Sydney, sẽ có 1 năm học tại Việt Nam và 1 năm học tại Australia. Kinh phí đào tạo do Nhà nước cấp.

de an 599

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Quyết định 1912 phê duyệt Đề án đăng ký nhận nhiệm vụ đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành CNTT theo phương thức phối hợp – Đề án 599 (Đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2020 – PV) giữa Học viện Công nghệ BCVT và Đại học Công nghệ Sydney của Australia.

Cụ thể, theo Quyết định, trong thời hạn tuyển sinh kéo dài từ nay đến trước ngày 31/12/2017, Học viện sẽ được tuyển sinh 2 khóa đào tạo, mỗi khóa gồm 10 học viên, với thời gian đào tạo là 2 năm.

Đối tượng và điều kiện tuyển sinh theo quy định về đối tượng và điều kiện dự tuyển quy định tại phụ lục kèm theo văn bản 1190 ngày 24/11/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông báo đăng ký nhận nhiệm vụ đào tạo trình độ  Thạc sĩ theo phương thức phối hợp – Đề án 599.

Chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành CNTT theo phương thức phối hợp – Đề án 599 giữa Học viện Công nghệ BCVT và ĐH Công nghệ Sydney gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đào tạo tại Việt Nam (1 năm), học viên học 11 môn học theo chương trình đào tạo của Học viện đã được ĐH Công nghệ Sydney công nhận tương đương 48 tín chỉ Australia. Học viên hoàn thành chương trình đào tạo tại Việt Nam và đạt điểm tiếng Anh IELTS 6.5 đủ điều kiện chuyển tiếp giai đoạn đào tạo tại trường ĐH Công nghệ Sydney.

Ở giai đoạn 1 năm đào tạo tại ĐH Công nghệ Sydney, Australia,  học viên sẽ học 4 môn học (tương đương 24 tín chỉ) và làm luận văn Thạc sĩ (24 tín chỉ).

Tham gia chương trình đào tạo này, các học viên sẽ học hoàn toàn bằng tiếng Anh, với sự tham gia giảng dạy của đội ngũ giảng viên Học viện Công nghệ BCVT  và ĐH Công nghệ Sydney có trình độ chuyên môn, năng lực ngoại ngữ đáp ứng các quy định hiện hành của Việt Nam và Australia.

Hoàn thành chương trình  đào tạo kéo dài 2 năm, học viên sẽ nhận được Bằng Thạc sĩ CNTT do ĐH Công nghệ Sydney cấp.

Về kinh phí đào tạo và quản lý tài chính, Quyết định của Bộ  GD&ĐT nêu rõ, kinh phí đào tạo do Nhà nước cấp theo quy định  tại Thông tư liên tịch 144 ngày 5/12/2007 của liên Bộ Tài chính, GD&ĐT, Ngoại giao hướng dẫn chế độ cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước và Thông tư liên tịch 206 ngày 15/12/2010 của liên Bộ Tài chính, GD&ĐT, Ngoại giao sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 144. Học phí giai đoạn đào tạo ở nước ngoài không vượt quá 20.000 USD.

Theo thống kê của Học viện Công nghệ BCVT, về đào tạo trình độ Thạc sĩ, hiện Học viện đang tổ chức đào tạo 5 chuyên ngành gồm Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật viễn thông, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin và Quản trị kinh doanh, với đối tượng đào tạođược xã hội hóa và hình thức đào tạo đa dạng. Mỗi năm Học viện tuyển khoảng 280 – 300 học viên cao học. Tính đến đầu năm 2016, đã có 2.011 học viên cao học của Học viện đã tốt nghiệp. Trong kỳ tuyển sinh cao học đợt 1 năm nay, tại 2 cơ sở đào tạo Hà Nội và TP.HCM của Học viện, đã có 129 học viên trúng tuyển vào 4 chuyên ngành là Hệ thống thông tin, Khoa học máy tính, Kỹ thuật Viễn thông, Quản trị kinh doanh.

Về liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo trình độ Thạc sĩ, trước đó, vào tháng 7/2015, Học viện Công nghệ BCVT và ĐH Aizu của Nhật Bản đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác. Theo biên bản này, trong giai đoạn 2015 – 2020, Học viện và ĐH Aizu thống nhất công nhận tương đương các môn học và tiến hành chương trình trao đổi học viên Thạc sĩ ngành Kỹ thuật Viễn thông của Học viện và ngành Khoa học-Kỹ thuật Máy tính của ĐH Aizu.