Ngày 02/3/2021, tại cơ sở đào tạo Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức hội nghị phát động triển khai các ứng dụng chuyển đổi số. Tham dự hội nghị có PGS.TS Vũ Văn San, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện, GS.TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các khoa, phòng, ban trong Học viện.
Đây là hoạt động thực hiện phương án để đảm bảo cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông theo mô hình “Quốc gia số thu nhỏ” vào năm 2025, hướng đến xây dựng “Trường đào tạo công nghệ số” đầu tiên ở Việt Nam và làm hình mẫu Đại học chuyển đổi số quốc gia.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được nghe giới thiệu tổng quan về chương trình chuyển đổi số của Học viện. Theo đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xác định phát triển chuyển đổi số theo mô hình “Quốc gia số thu nhỏ” vào năm 2025, xây dựng “Trường Đại học Số” đầu tiên ở Việt Nam và làm hình mẫu Đại học chuyển đổi số quốc gia, hướng đến Đại học số tiêu biểu của khu vực ASEAN và thuộc nhóm 10 trường Đại học Chuyển đổi số hàng đầu Châu Á.
Với định hướng theo mô hình “Quốc gia số thu nhỏ”, Học viện xây dựng phương án chuyển đổi số theo 03 trụ cột lớn là (1) Phát triển hệ thống quản trị số; (2) Cung ứng dịch vụ số và (3) Phát triển xã hội số – thu hẹp khoảng cách số. Đồng thời Học viện cũng đặt 05 trọng tâm trong xây dựng “Trường Đại học Số” gồm (1) Học liệu số; (2) Nền tảng số; (3) Giảng viên số; (4) Sinh viên số; (5) Môi trường số. Đồng thời, hoạt động triển khai chuyển đổi số trong Học viện ứng dụng triệt để chủ trương xây dựng và ứng dụng các nền tảng số “Make in Việt Nam”.
Mục tiêu đến năm 2025, Học viện sẽ tập trung vào phát triển hệ thống quản trị số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; Cung ứng các dịch vụ giáo dục và đào tạo 100% trên nền tảng công nghệ giáo dục số, xem xét thành lập “Trường đào tạo công nghệ số” đầu tiên ở Việt Nam trực thuộc Học viện; Phát triển hệ sinh thái số tương tác sinh viên nhà trường doanh nghiệp xã hội. Có thể là nền tảng phát triển MXH sinh viên Việt Nam.
Hội nghị cũng đã nghe trình bày về kết quả đạt được bước đầu của Học viện trong thực hiện chuyển đổi số như: Ứng dụng công nghệ trong tổ chức, quản lý đào tạo (PTIT-Slink), Ứng dụng thực hành ảo, Phòng điều hành số và phòng học thông minh. Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm quản lý đào tạo (Edusoft.NET), Cổng thông tin quản lý đào tạo, hệ thống quản lý lớp học trực tuyến (LMS) đã đi vào hoạt động.
Năm 2021 được xem là năm Học viện xác định đẩy mạnh phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, là năm bản lề để Học viện thực hiện Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2021- 2025. Vì vậy, năm 2021, Học viện lựa chọn các giải pháp trọng tâm và đột phá: Mở rộng quy mô đào tạo và ngành nghề đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu nền kinh tế số song song với việc duy trì và cải thiện chất lượng đào tạo. Cách làm mới của Học viện là đặt mục tiêu chủ động tăng trưởng quy mô tuyển sinh và đa dạng hóa ngành nghề, đẩy mạnh kiểm định chất lượng ngay từ khi xác định kế hoạch năm 2021 và để các công tác của Học viện đồng bộ và phấn đấu đáp ứng mục tiêu kể trên. Việc mở rộng quy mô và đang dạng ngành nghề đi đôi với chất lượng giúp tăng cường nguồn thu tương xứng với tiềm lực của Học viện, giúp Học viện chiếm lĩnh thị trường mới, qua đó khẳng định vị thế, nâng cao đời sống cán bộ Học viện. Việc phát triển toàn diện cả về quy mô, nguồn lực, chất lượng sẽ được Học viện tiếp tục thực hiện trong 5 năm tiếp theo theo tinh thần chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2021 -2025.