Ngày 25/3/2025, tại TP Vinh – Nghệ An, Học viện Công nghệ và Bưu chính Viễn thông và Trường Đại học Vinh đã ký kết Biên bản Thỏa thuận hợp tác với mục tiêu tăng cường năng lực, chia sẻ kinh nghiệm, khai thác lợi thế của mỗi bên trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Tham dự Lễ ký kết có PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện và các lãnh đạo các đơn vị: Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện; Phòng QLKHCN&HTQT; Trung tâm Đào tạo Quốc tế; Khoa Trí tuệ Nhân tạo, .. Về phía Đại học Vinh, có GS.TS Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng cùng đại diện các ban/đơn vị của Đại học Vinh.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Trường Đại học Vinh ký Biên bản thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học công nghê, đổi mới sáng tạo và chuyển giao nền tảng đại học số

Tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Huy Bằng- Hiệu trưởng Đại học Vinh đã chia sẻ về sứ mạng của Trường Đại học Vinh là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt sự phát triển giáo dục và đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ; là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia và quốc tế.  Với tầm nhìn trở thành đại học thông minh, xếp hạng top 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, hướng đến top 1000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045. Là cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt sự phát triển giáo dục và đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ vì vậy việc ứng dụng công nghệ vào trong đào tạo, mở rộng quy mô ngành nghề, nâng cao tiềm lực nghiên cứu và chất lượng đào tạo trong những lĩnh vực trọng điểm là những ưu tiên hàng đầu.

PGS. TS Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện phát biểu tại Lễ ký kết Biên bản thoả thuận hợp tác tác giữa Học viện và Trường Đại học Vinh

Trao đổi với các đồng chí Hiệu trưởng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Đại học Vinh, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện cho biết, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã hoàn thành giai đoạn 1 về chuyển đổi số giáo dục đại học, đã và đang trong quá trình triển khai mô hình Đại học số. Song song đó, Học viện đang triển khai giai đoạn 2, tập trung trong việc phân tích dữ liệu hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu ứng dụng trí tuệ nhân trong dạy và học để hướng tới đại học thông minh. Học viện mong muốn có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các trường đại học khác trong lĩnh vực chuyển đổi số giáo dục đại học. Nền tảng Đại học số của Học viện hiện đã được ứng dụng tại hơn 20 trường đại học khác trên cả nước. Nền tảng Đại học số PTIT hiện gồm nhiều hệ thống thành phần như: Tuyển sinh, nhập học số PTIT-Admission; Kênh kết nối sinh viên, giảng viên, học viên PTIT-Slink; dịch vụ công trực tuyến mức 4 PTIT-1Gate; cổng thanh toán dịch vụ PTIT-Pay; thanh toán giờ giảng PTIT-TCount; quản lý đào tạo số PTIT-LMS+Mooc; thi trực tuyến PTIT-Proctor; nền tảng thực hành ảo PTIT-Dlab; đào tạo bồi dưỡng kỹ năng số PTIT-Training; ứng dụng Blockchain và chữ ký số trong quản lý và xác thực văn bằng chứng chỉ PTIT-Blockchain; quản lý khoa học số PTIT-SM.

Với Biên bản thỏa thuận hợp tác được ký kết, Giám đốc Học viện tin tưởng rằng sẽ tạo nền móng và tiền đề để hai bên cùng nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho các bên liên quan: nhà trường, người học và xã hội đồng thời nhân đôi năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần hoàn thành các mục tiêu chiến lược của cả hai bên.

Với những định hướng chiến lược mà Nghị quyết 57 đặt ra, với vị thế là Cơ sở Giáo dục Đại học trọng điểm Quốc gia về lĩnh vực kỹ thuật Công nghệ của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cấp vùng Bắc Trung Bộ của Đại học Vinh, việc hợp tác giữa hai Cơ sở Giáo dục Đại học sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới, thời cơ mới cho sự phát triển bền vững.