Ngày 24/9/2020, tại cơ sở đào tạo Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức hội nghị khoa học sinh viên lần thứ 13 với chủ đề “Sinh viên PTIT khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia”. Tham dự Hội nghị, có nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo các khoa, phòng ban chức năng của Học viện và đông đảo sinh viên Học viện.

Theo báo cáo tại Hội nghị, công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên Học viện trong những năm qua đạt được những kết quả đáng khích lệ, trở thành một trong những thế mạnh và niềm tự hào của Học viện. Năm 2019, toàn Học viện có 287 sinh viên đăng ký thực hiện 139 đề tài, về chủ yếu là sinh viên đang theo học từ năm thứ 2 trở lên, các đề tài được đăng ký thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế với nhiều chủ đề, nội dung thiết thực, có tính thực tiễn cao. Danh mục đề tài NCKH của sinh viên hàng năm được Hội đồng khoa học của các Khoa đào tạo thẩm định đã bám sát kế hoạch phát triển khoa học công nghệ của Học viện và phù hợp với trình độ nghiên cứu của sinh viên. Năm 2019 vừa qua, Học viện có tổng số 130 đề tài được nghiệm thu xếp loại Đạt trở lên, trong đó có 16 đề tài xếp loại Xuất sắc (12.3%), 83 đề tài xếp loại Tốt (17.7%), 23 đề tài xếp loại Khá (63.8%) và 08 đề tài xếp loại Đạt (6.2%). Năm 2019, sinh viên Học viện đã đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi về khoa học công nghệ, cụ thể: Đạt giải Nhì, Ba, Khuyến khích – Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đạt giải Nhì, Ba, Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC Asia 2019 vòng thi quốc gia, quốc tế.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện khẳng định: “Sinh viên Học viện đang có nhiều cơ hội khi đất nước đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp ICT, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là công cuộc chuyển đổi số quốc gia được đẩy nhanh”. Phó Giám đốc Học viện cũng nhấn mạnh: “Học viện rất mong muốn các em sinh viên có những ý tưởng khởi nghiệp, đoàn thanh niên có những kênh để bắt kịp ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên Học viện và Lãnh đạo Học viện cam kết sẽ nuôi dưỡng những ý tưởng thiết thực và đồng hành cùng doanh nghiệp để làm sao cho các em sinh viên có một môi trường học tập, nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tế”.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện trao Giấy khen cho các tập thể có thành tích cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học

Tại Hội nghị, Học viện đã phát động cuộc thi  “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp P-startup 2020” và trao thưởng cho các tập thể, sinh viên có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, còn có hoạt động triển lãm, giới thiệu một số sản phẩm nghiên cứu khoa học tiêu biểu của sinh viên Học viện.

Tiếp đó, các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp đối tác của Học viện đã tham gia chương trình Hội nghị về “Chuyển đổi số quốc gia và cơ hội phát triển của doanh nghiệp”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ đề án: “Hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Các diễn giả đã trình bày các tham luận: về “Chuyển đổi số Quốc gia và  cơ hội phát triển của doanh nghiệp”;  tham luận về “Các xu hướng công nghệ số và tiềm năng phát triển sản phẩm công nghệ”, tham luận “Khởi nghiệp – Những khó khăn và thách thức” và tham luận “Tập đoàn Qualcomm với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam:…

 

TS. Nguyễn Trọng Đường – Phó Cục trưởng Cục tin học hóa- Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày tham luận: Chuyển đổi số Quốc gia và cơ hội phát triển của doanh nghiệp
Ông Phạm Hùng Mạnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ VNPT – VNPT Technology trình bày tham luận tại Hội nghị
Ông Nguyễn Mạnh Tiến – Công ty Qualcomm Technologies licensing trình bày tham luận tại Hội nghị
Sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên Học viện được trưng bày tại Hội nghị