Ngày 19/10/2023, tại Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục Đại học Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có các Uỷ viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; cùng đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng và gần 40 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam là những cơ sở đào tạo có quy mô lớn các ngành phù hợp, ngành gần với chuyên ngành thiết kế chip bán dẫn;
Về phía Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có, GS.TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện và TS. Nguyễn Trung Hiếu, TS. Nguyễn Ngọc Minh, TS. Nguyễn Lương Nhật, khoa Kỹ thuật Điện tử (khoa được giao đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch) đã tham dự Hội thảo.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các trường Đại học, doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thảo luận, trao đổi về thực trạng, định hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở Giáo dục Đại học Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất sang Việt Nam. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, công nghiệp bán dẫn, vi mạch là ngành có tiềm năng lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ, chất lượng cao. Mặc dù ngành không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới nhưng số sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp; đây chính là điểm nghẽn lớn.
Bên cạnh sự định hướng rõ nét, nguồn lực hỗ trợ tương xứng và công cụ điều phối hiệu quả của Nhà nước, rất cần sự chủ động vào cuộc của các cơ sở Giáo dục Đại học; kết hợp cùng các tập đoàn doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước; từ đó thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động, tạo vòng hồi tiếp nhằm thu hút người học, gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Kế hoạch hành động toàn ngành thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.
Tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Hiếu, phó trưởng khoa, Phụ trách khoa Kỹ thuật Điện tử 1 – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – cho rằng, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao ngành bán dẫn, nhà nước và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các trường đại học. Bởi, doanh nghiệp vừa là nhà sử dụng nguồn nhân lực vừa là nhà đầu tư, đồng thời, doanh nghiệp còn có nhiệm vụ tái đào tạo, đào tạo nội bộ, kết hợp đào tạo, đặt hàng trường đại học, cấp học bổng cho sinh viên. TS. Nguyễn Trung Hiếu khẳng định: Trường đại học vừa là nhà đào tạo vừa là nhà nghiên cứu – đổi mới – sáng tạo. Để đào tạo được các kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ giỏi về bán dẫn thì bắt buộc phải đào tạo đại học và đòi hỏi sự hợp tác của ba bên hết sức quan trọng là nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp.
Hội thảo cũng là dịp để các đại học chia sẻ định hướng, tiềm năng, thế mạnh và những hạn chế, tồn tại trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về chip bán dẫn; thể hiện sự quyết tâm hợp tác, tiên phong đi đầu, cùng hành động, chia sẻ nguồn lực để nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, góp phần phát triển ngành công nghiệp chiến lược đầy tiềm năng của Việt Nam.