Vừa qua, tại cơ sở đào tạo Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã phối hợp với Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc) tổ chức chương trình livestream cùng chuyên gia với chủ đề “Giải mã ChatGPT”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa PTIT và NAVER theo dự án Vành đai AI toàn cầu.

Chương trình có sự tham gia của TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain PTIT, Viện trưởng Viện nghiên cứu Ứng dụng công nghệ CMC và ThS. Triệu Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu blockchain QNET. Hơn 1300 sinh viên PTIT tham gia và đặt câu hỏi cùng các chuyên gia. Tại chương trình, các chuyên gia đã có phân tích, đánh giá về những thách thức và cơ hội trong tương lai cho sinh viên ngành công nghệ.

Các chuyên gia chia sẻ với sinh viên PTIT về ChatGPT

Những tác động của Chat GPT

Theo đó, TS. Đặng Minh Tuấn, cho rằng, sự ra đời của ChatGPT chính là một nhu cầu tất yếu trong xu hướng bùng nổ công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ hiện nay. ChatGPT thực sự đã làm tốt vai trò là công cụ số tạo ra sự tương tác giữa người và máy một cách thân thiện và tất cả mọi hoạt động được đảm bảo dựa trên nguyên lý khai thác tối đa các nền tảng cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn được chuẩn bị trước, do đó tối ưu để trả lời được các câu hỏi ở nhiều nội dung, lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, nếu chúng ta so sánh trí tuệ, sự thông minh của ChatGPT với sự sáng tạo, trí tuệ của con người, chắc chắn câu trả lời dành cho ChatGPT là “yếu thế” hơn, bởi lẽ, tư duy, sự sáng tạo, trí tuệ con người luôn là vô tận”, TS. Đặng Minh Tuấn nhấn mạnh. Hơn nữa, TS. Đặng Minh Tuấn lưu ý một điểm hạn chế nữa mà ChatGPT đang gặp phải đó chính là kết quả các câu trả lời có thể không đúng, chính xác tuyệt đối vì vẫn phụ thuộc vào cảm tính, thiên lệch, thiên kiến do sai lệch về dữ liệu (dữ liệu chưa đầy đủ, thiên về tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt và dữ liệu của những năm trước, mới chưa được cập nhật).

Vì điều này, TS. Đặng Minh Tuấn cho rằng, dù các công cụ công nghệ số có phát triển theo chiều hướng tích cực thì vẫn mãi không thể thay thế được con người, vì con người luôn là chủ thể, nhân tố quan trọng số một. Trong quan điểm cá nhân của mình, TS. Đặng Minh Tuấn cho rằng, chúng ta chỉ nên sử dụng ChatGPT cho một lĩnh vực mới, bởi lẽ những kết quả đưa ra sẽ là căn cứ ban đầu để chúng ta hiểu, hình thành khái niệm và các gợi ý sơ đẳng. Còn đối với lĩnh vực khi có sự hiểu biết nhất định, chúng ta nên tìm vào những địa chỉ tra cứu uy tín, chất lượng như trang Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia)… “Qua các địa chỉ tìm kiếm uy tín, chúng ta sẽ yên tâm và không bị mất nhiều thời gian, công sức để kiểm định, kiểm chứng những thông tin, kết quả khi sử dụng”, TS. Đặng Minh Tuấn nhận định.

Còn khi nói về những tác động tích cực từ ChatPGT, ThS. Triệu Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu blockchain QNET đánh giá, đây là công cụ số: Có khả năng “tạo sinh” nội dung; được huấn luyện đào tạo trước dựa trên CSDL khổng lồ thông qua đội ngũ con người khổng lồ để gán nhãn dữ liệu, tinh chỉnh kết quả đưa ra đáp án cho các câu hỏi sát với thực tế; mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên khác với các mô hình xử lý truyền thống.

“ChatGPT chính là một cánh cửa mới để người dùng khai thác tất cả những tri thức từ kho dữ liệu khổng lồ của Internet và các tài liệu chuyên ngành, đặc thù khác, đồng thời, đang một phần trở thành người bạn đồng hành của người dùng trong kỷ nguyên tìm kiếm thông tin, đa dạng thông tin số”, ThS. Triệu Anh Dũng, nhấn mạnh. Và khi chúng ta dùng công cụ này nhiều, ưu điểm tạo ra có thể dần trở thành người bạn đồng hành cung cấp kiến thức, thông tin có gạn lọc, tổng hợp. Tuy nhiên, khi chúng ta dùng nhiều sẽ tạo ra xu hướng tin vào các câu trả lời và lâu dần tạo ra sự chủ quan về tính xác thực thông tin, do đó người dùng cần cân nhắc. Đặc biệt, với đối tượng là: Trẻ em cần cân nhắc khi sử dụng, vì trẻ em vì không có thói quen và các kỹ năng kiểm chứng thông tin; thanh niên, sinh viên khi sử dụng kết quả thông tin cần lưu ý các thông tin phải có nguồn dẫn, căn cứ, sở cứ….

Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc) dự kiến sẽ ra mắt ứng dụng SearchGPT.

Hiện nay, trong bối cảnh bùng nổ của các công nghệ số, Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc) dự kiến cũng sẽ ra mắt mô hình AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên tạo ra văn bản của riêng mình dành cho dịch vụ Tìm kiếm, có tên gọi SearchGPT trong thời gian tới. SearchGPT được phát triển dựa trên lượng dữ liệu tiếng Hàn có quy mô lớn nhất và mô hình siêu AI ngôn ngữ HyperClova. NAVER tự tin có thể khắc phục những hạn chế của các mô hình AI hiện có, bao gồm tính tin cậy và cập nhật xu hướng mới, nhằm cung cấp cho người dùng trải nghiệm tìm kiếm tốt nhất. Dự kiến, SearchGPT sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6/2023.

NAVER đã có hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đã tích lũy được kho tài nguyên công nghệ khổng lồ mà các công ty công nghệ khác trên thế giới không có. Ngay từ khi thành lập năm 1999, NAVER đã tập trung phần lớn nguồn vốn và sức lực vào Công nghệ thông tin, đặc biệt là Trí tuệ Nhân tạo. Khởi đầu cho công của NAVER là sự thành lập NAVER Search – Cổng thông tin tìm kiếm số một tại Hàn Quốc với khoảng 70% người dùng sử dụng.

Nhằm mở rộng Vành đai Nghiên cứu và Phát triển AI toàn cầu, NAVER đã chính thức xây dựng trụ sở tại Việt Nam từ năm 2019. Đầu năm 2020, Naver đã hợp tác với các trường đại học công nghệ hàng đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghệ thông tin – Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tiếp chuỗi thành công đó, NAVER đã thành lập Trung tâm Lập trình tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, dự kiến tuyển dụng trên 300 lập trình viên và đặt mục tiêu trở thành trung tâm lập trình hàng đầu châu Á về nghiên cứu AI.

Trước đó, năm 2020, PTIT và Tập đoàn NAVER đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án “xây dựng Vành đai Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo toàn cầu”. Theo thỏa thuận ký kết, hai bên sẽ triển khai các nội dung hợp tác trong Tổ chức các khoá học cho sinh viên gồm đào tạo về Embedded, IoT, AI, Big Data, Blockchain, Data; Tổ chức chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên. Trong hoạt động triển khai chương trình hợp tác, tháng 5/2021, Phòng nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu đa phương tiện tại PTIT chính thức ra mắt. Sự kiện này đã ghi dấu việc PTIT chính thức tham gia chương trình “Vành đai nghiên cứu và phát triển AI toàn cầu” được NAVER triển khai.