Trong những năm gần đây, trước nhu cầu xã hội ngày càng tăng về nguồn nhân lực Công nghệ thông tin, số lượng sinh viên theo học ngành Công nghệ thông tin ngày càng có xu hướng gia tăng. Đối với các trường Đại học công nghệ, kỹ thuật, đây là một áp lực không hề nhỏ trước trách nhiệm của nhà trường trước xã hội. Đó là trách nhiệm vừa đảm bảo đào tạo đáp ứng được nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, vừa đảm bảo trang bị đủ các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sinh viên để đáp ứng được yêu cầu của các vị trí chức danh trong doanh nghiệp.

Đối với ngành Công nghệ thông tin, đặc biệt là đối với chuyên ngành Công nghệ phần mềm thì kỹ năng thực hành lập trình là tối quan trọng, sự thành thục của sinh viên khi lập trình cũng như cách giải quyết các bài toán, các thuật toán sẽ quyết định năng lực chuyên môn của sinh viên khi tốt nghiệp. Để đảm bảo chất lượng sinh viên ngành Công nghệ thông tin sau khi ra trường, việc gia tăng khối lượng các học phần thực hành là rất cần thiết, nhưng lại gây ra áp lực lớn với hoạt động giảng dạy các môn học của ngành học này.

Hiện nay nhiều trường Đại học trên thế giới đã áp dụng phương pháp chấm thi, thực hành tự động trên máy tính nhằm giảm tải công việc cho giảng viên cũng như tăng tính khách quan trong đánh giá kết quả của sinh viên. Tuy nhiên, những hệ thống này hầu hết là đang ở dạng ứng dụng độc lập, chỉ chuyên chấm bài mà chưa được tích hợp thêm tính năng quản lý để phục vụ hoạt động quản lý môn học, giảng viên, sinh viên …

Thực hiện chủ trương chuyển đối số giáo dục và trước yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo cho gần 6.000 sinh viên khối công nghệ, kỹ thuật của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, từ năm 2020, nền tảng thực hành thông minh PTIT D-Lab đã được chính thức triển khai và áp dụng cho các môn thực hành thuộc ngành Công nghệ thông tin của Học viện.

Nếu như trước đây, mô hình lớp học thực hành truyền thống được tổ chức thành các lớp học phần với nhóm thực hành 30 sinh viên, mỗi môn học sẽ dành từ 2 đến 4 buổi thực hành để sinh viên thực hành các kiến thức lý thuyết được học trên lớp. Trong các buổi học thực hành tại lớp, giảng viên sẽ giao bài tập cho sinh viên và đánh giá, chấm điểm từng bài tập của sinh viên.  Điều này dẫn đến việc hạn chế sự theo dõi, kiểm tra, đánh giá của giảng viên đối với từng cá nhân sinh viên; sinh viên cũng thiếu động lực để hoàn thành bài tập, rèn luyện các kỹ năng thực hành. Trong khi đó, khi thi và kiểm tra, với đề bài thường không linh hoạt, giảng viên khó giám sát việc sao chép, gian lận của sinh viên.

Với những bài thực hành trực tuyến trên nền tảng thực hành thông minh PTIT D-Lab, những khó khăn mà thầy và trò Học viện gặp phải với mô hình thực hành trực tiếp đã được khắc phục hoàn toàn.

Sinh viên sẽ không còn phụ thuộc vào lịch học thực hành do nhà trường sắp xếp nữa mà có thể thực hành tại bất cứ đâu, bất cứ khi nào theo thời gian phù hợp đối với sinh viên. Với các tài khoản được cá nhân hóa tới từng cá nhân sinh viên, sinh viên được tiếp cận nguồn bài tập lớn hơn và được sắp xếp theo lộ trình trình độ kiến thức từ mức độ dễ đến mức độ khó dần để phù hợp với sinh viên; nền tảng D-Lab cũng đóng vai trò là diễn đàn học thuật của sinh viên Học viện khi sinh viên có môi trường để trao đổi học hỏi lẫn nhau, được đánh giá, phân cấp thứ hạng theo số lượng bài thực hành, thời gian giải quyết các bài toán trên hệ thống hay trên cơ sở những đóng góp, những đánh giá từ cộng đồng sinh viên khi tham gia diễn đàn. Thay vì chờ đợi giảng viên xem, kiểm tra, góp ý, đánh giá cho bài thực hành của mình, sinh viên đã có công cụ để rà soát lỗi tự động, chấm tự động, kiểm thử tự động.

Đối với giảng viên, nền tảng hỗ trợ công tác kiểm tra, đánh giá kết quả bài thực hành, rà soát lỗi sai phạm sao chép, giúp giảng viên quản lý, theo dõi tiến trình học tập tới từng sinh viên, tiết kiệm thời gian kiểm tra, đánh giá, chấm bài tập cho sinh viên, giảm áp lực giảng dạy.

Qua một năm triển khai, đến nay đã có trên 5.200 tài khoản đăng ký trên hệ thống với 1200 bài tập kèm bộ dữ liệu kiểm thử, 510.000 lượt bài tập được nộp lên hệ thống, tổng thời gian thực hành trung bình mỗi sinh viên cho mỗi môn học là 87 giờ/sinh viên. Tốc độ hệ thống xử lý chấm và trả kết quả cho mỗi lượt nộp bài tập sau không quá 1 phút.

Theo đánh giá của các giảng viên, nền tảng D-Lab đã phát huy tốt vai trò tự học, tự đọc và phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên. Số lượng giờ thực hành của sinh viên tăng lên đồng nghĩa với khả năng thuần thục về lập trình cũng được cải thiện rõ rệt, tạo môi trường cho phong trào học tập của sinh viên nói chung và phong trào lập trình nói riêng của sinh viên Học viện khởi sắc hơn so với thời gian trước đây. Được biết, hệ thống hoàn toàn có thể sẵn sàng đáp ứng cho lưu lượng 15.000 sinh viên học đồng thời. Trong thời gian tới, tất cả các môn học thực hành của các ngành công nghệ, kỹ thuật của Học viện sẽ được cập nhật lên hệ thống D-Lab.