Đây là khẳng định của PGS.TS Vũ Văn San, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập khoa Đào tạo Sau đại học – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Tới dự Lễ kỷ niệm có GS. TSKH Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông; nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đặng Đình Lâm, các nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai, Nguyễn Minh Hồng, các Giáo sư, Tiến sỹ trong và ngoài ngành và đông đảo các nghiên cứu sinh, các học viên cao học đã và đang học tập tại khoa.
Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, PGS. TS. Lê Nhật Thăng, Trưởng khoa Đào tạo Sau đại học cho biết: sau hơn 20 năm được giao nhiệm vụ đào tạo Sau đại học, công tác đào tạo Sau đại học của Học viện đã đạt được những thành tựu như: đã đào tạo được 96 Tiến sỹ; 2.857 thạc sỹ, trong đó có 1.099 Thạc sỹ chuyên ngành Kỹ thuật Viễn thông, 827 Thạc sỹ chuyên ngành Hệ thống thông tin, 268 Thạc sỹ chuyên ngành Khoa học máy tính và 663 Thạc sỹ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh. Nhiều người trong số họ đã trưởng thành, trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông, Công nghệ thông tin và Quản trị Kinh doanh, một số Tiến sỹ đã được phong chức danh Phó Giáo sư…
Đến nay Học viện đã đào tạo 05 chương trình đào tạo trình độ Thạc sỹ, 05 chương trình đào tạo các chuyên ngành trình độ Tiến sỹ. Các chương trình đào tạo này đã được hiệu chỉnh một cách toàn diện, chú trọng cập nhật công nghệ, kỹ thuật và quản lý mới.
Về Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ, khoa đã kết hợp hiệu quả công tác đào tạo Sau Đại học với công tác nghiên cứu khoa học của các giảng viên, cán bộ nghiên cứu của Học viện thông qua các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, đề tài Nghị định thư, đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản của Quỹ khoa học công nghệ quốc gia, đề tài cấp Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiệm vụ khoa học công nghệ của Tập đoàn VNPT.
Học viện đã có đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm chuyên sâu về Toán ứng dụng và tính toán, Học máy và ứng dụng, Thông tin vô tuyến, An toàn thông tin, Hệ thống vô tuyến và ứng dụng, Blockchain… nhằm hỗ trợ công tác đào tạo học viên cao học theo định hướng nghiên cứu và hoạt động nghiên cứu chuyên sâu của các nghiên cứu sinh.
Hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo Sau Đại học, Học viện đã có hợp tác rất thành công với Viện nghiên cứu Điện tử, Viễn thông Hàn Quốc – ETRI, Học viện cũng đã có những chương trình trao đổi nghiên cứu sinh, học viên cao học thành công với Tập đoàn Viễn thông Pháp (France Telecom) về mạng và dịch vụ Viễn thông từ năm 2009, trường Đại học Bưu điện Moscow, Saint Petersburg (Liên bang Nga) về tự động hóa Bưu chính, với trường Đại học bang Arizona về an toàn bảo mật thông tin, Telecom ParisTech (Cộng hòa Pháp), trường Đại học Công nghệ Sydney-Australia (UTS)…
Các luận án Tiến sỹ nghiên cứu tại Học viện được đánh giá là các công trình nghiên cứu chuyên sâu, có tính thời sự, mang tính cấp thiết; sử dụng phương pháp, công cụ nghiên cứu hiện đại, phù hợp với điều kiện nghiên cứu của Việt Nam. Nội dung nghiên cứu trong đa số luận án được đánh giá có tính học thuật cao, thể hiện được tính kế thừa, áp dụng và phát triển có sáng tạo những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đóng góp, đề xuất mới có giá trị khoa học và thực tiễn của các đề tài luận án đều được công bố, đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín, trong tuyển tập các báo cáo ở các Hội nghị khoa học trong và ngoài nước.
Phát biểu tại buổi Lễ, PGS. TS Vũ Văn San, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện khẳng định: với 5 chuyên ngành đào tạo trình độ Tiến sỹ và 5 chuyên ngành đào tạo trình độ Thạc sỹ, Khoa Đào tạo Sau đại học đã làm rất tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của một trường Đại học đào tạo chuyên sâu về Công nghệ thông tin và Truyền thông; cung cấp nhiều cán bộ có trình độ Tiến sỹ và Thạc sỹ không chỉ cho ngành Thông tin truyền thông mà còn cho nhiều ngành quan trọng của đất nước.
Đồng thời, Giám đốc Học viện cũng nhấn mạnh: Cuộc CMCN 4.0 đang đặt ra những thách thức mới, nhưng đây cũng là vận hội mới cho các ngành công nghệ, kỹ thuật tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực ICT với những lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế số là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (big data). Để chuẩn bị có những bước tiến nhảy vọt về công nghệ, các tổ chức Việt Nam cần sự đầu tư lớn cả về công nghệ và cả về nguồn nhân lực. Học viện tin tưởng là Khoa Đào tạo Sau đại học sẽ khẳng định được vị thế và vai trò của mình trong việc cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như ngành Thông tin và Truyền thông trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Khoa đào tạo Sau đại học cần phải đặt mục tiêu phát triển trở thành một đơn vị tổ chức giáo dục – đào tạo, nghiên cứu theo mô hình đào tạo sau đại học của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, gắn kết đào tạo – nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế số, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển trong lĩnh vực Thông tin truyền thông và xã hội.