Thời gian vừa qua, ứng dụng ChatGPT đã trở thành Chatbot được quan tâm nhiều nhất không chỉ tại Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Ngay sau khi ra mắt ChatGPT đã được lan truyền rộng rãi và nhận nhiều đánh giá tích cực từ người dùng. Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ gay gắt như hiện nay, Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc) dự kiến cũng sẽ ra mắt mô hình AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên tạo ra văn bản của riêng mình dành cho dịch vụ Tìm kiếm, có tên gọi SearchGPT trong thời gian tới.
SearchGPT được phát triển dựa trên lượng dữ liệu tiếng Hàn có quy mô lớn nhất và mô hình siêu AI ngôn ngữ HyperClova. NAVER tự tin có thể khắc phục những hạn chế của các mô hình AI hiện có, bao gồm tính tin cậy và cập nhật xu hướng mới, nhằm cung cấp cho người dùng trải nghiệm tìm kiếm tốt nhất. Dự kiến, SearchGPT sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6/2023.
Để giúp sinh viên Học viện tiếp cận với thông tin mang tính mới mẻ về công nghệ AI, đặc biệt là ứng dụng chatbot AI – ChatGPT, SearchGPT, có cách nhìn nhận đúng hướng và tích cực, cũng như phân tích, đánh giá những thách thức và cơ hội trong tương lai cho sinh viên ngành công nghệ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) sẽ phối hợp với Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc) tổ chức buổi livestream Hội thảo khoa học công nghệ về Chatbot AI với chủ đề ““Giải mã ChatGPT”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Học viện và Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc) theo dự án Vành đai AI toàn cầu.
Chương trình sẽ được diễn ra từ 19h đến 21h ngày 10/02/2023 trên Fanpage Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và các Kênh thông tin nội bộ của Đoàn thanh niên, Khoa học Công nghệ, các kênh sinh viên….Chương trình có sự tham gia của TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain PTIT, Viện trưởng Viện nghiên cứu Ứng dụng công nghệ CMC và ThS. Triệu Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu blockchain QNET.
Trước đó, năm 2020, PTIT và Tập đoàn NAVER đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án “xây dựng Vành đai Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo toàn cầu”. Theo thỏa thuận ký kết, hai bên sẽ triển khai các nội dung hợp tác trong Tổ chức các khoá học cho sinh viên gồm đào tạo về Embedded, IoT, AI, Big Data, Blockchain, Data; Tổ chức chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên. Theo đó, các sinh viên và giảng viên Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia hoạt động trao đổi do NAVER sắp xếp; Chuyển giao và áp dụng các công nghệ, sản phẩm dịch vụ thế mạnh của NAVER; Phát triển giáo trình mới và các chương trình đào tạo quốc tế; Cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực AI của PTIT; Tiến hành dự án đồng nghiên cứu giữa NAVER và PTIT; …
Trong hoạt động triển khai chương trình hợp tác, tháng 5/2021, Phòng nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu đa phương tiện tại PTIT chính thức ra mắt. Sự kiện này đã ghi dấu việc PTIT chính thức tham gia chương trình “Vành đai nghiên cứu và phát triển AI toàn cầu” được NAVER triển khai.
Nhằm mở rộng Vành đai Nghiên cứu và Phát triển AI toàn cầu, NAVER đã chính thức xây dựng trụ sở tại Việt Nam từ năm 2019. Đầu năm 2020, Naver đã hợp tác với các trường đại học công nghệ hàng đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghệ thông tin – Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tiếp chuỗi thành công đó, NAVER đã thành lập Trung tâm Lập trình tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, dự kiến tuyển dụng trên 300 lập trình viên và đặt mục tiêu trở thành trung tâm lập trình hàng đầu châu Á về nghiên cứu AI.