Nền tảng thực hành thông tin PTIT D-Lab vừa cán mốc 1 triệu lượt nộp bài tập sau 9 tháng triển khai. Với số lượng lượt nộp bài trung bình là trên 10.000 lượt/ngày, PTIT D- Lab đã giúp sinh viên Học viện thành thục hơn với các kỹ năng chuyên môn đặc biệt là trong điều kiện học trực tuyến do dịch bệnh Covid 19.
Đối với ngành Công nghệ thông tin, đặc biệt là đối với chuyên ngành Công nghệ phần mềm thì kỹ năng thực hành lập trình là tối quan trọng, sự thành thục của sinh viên khi lập trình cũng như cách giải quyết các bài toán, các thuật toán sẽ quyết định năng lực chuyên môn của sinh viên khi tốt nghiệp. Để đảm bảo chất lượng sinh viên ngành Công nghệ thông tin sau khi ra trường, việc gia tăng khối lượng các học phần thực hành là rất cần thiết, nhưng lại gây ra áp lực lớn với hoạt động giảng dạy các môn học của ngành học này.
Thực hiện chủ trương chuyển đối số giáo dục và trước yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo cho gần 6.000 sinh viên khối công nghệ, kỹ thuật của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, từ tháng 6 năm 2020, nền tảng thực hành thông minh PTIT D-Lab đã được chính thức triển khai và áp dụng cho các môn thực hành thuộc ngành Công nghệ thông tin của Học viện.
Sau 9 tháng triển khai, nền tảng thực hành thông tin PTIT D-Lab vừa cán mốc 1 triệu lượt nộp bài tập với số lượng lượt nộp bài trung bình là trên 10.000 lượt/ngày, PTIT D- Lab đã giúp sinh viên Học viện thành thục hơn với các kỹ năng chuyên môn đặc biệt là trong điều kiện học trực tuyến do dịch bệnh Covid 19.
Nền tảng D-Lab đã phát huy tốt vai trò tự học, tự đọc và phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên. Số lượng giờ thực hành của sinh viên tăng lên đồng nghĩa với khả năng thuần thục về lập trình cũng được cải thiện rõ rệt, tạo môi trường cho phong trào học tập của sinh viên nói chung và phong trào lập trình nói riêng của sinh viên Học viện khởi sắc hơn so với thời gian trước đây. Được biết, hệ thống hoàn toàn có thể sẵn sàng đáp ứng cho lưu lượng 15.000 sinh viên học đồng thời.