GDVN- Năm học 2022, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ chính thức tuyển sinh đào tạo đại học chính quy ngành Khoa học máy tính (định hướng Khoa học dữ liệu).

Nhà khoa dữ liệu, nghề nghiệp “quyến rũ” nhất thế kỷ 21

Tại Việt Nam, 5 năm gần đây đã chứng kiến nhiều thay đổi tích cực trong công cuộc chuyển đổi số, tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Làn sóng khởi nghiệp công nghệ (tech startup), việc gia tăng các dự án khởi nghiệp từ các công ty lớn đã có mặt trên thị trường mang đến nhiều hứng khởi và hy vọng. Một xu hướng mang tên Make in Vietnam đang trên đà phát triển mạnh, các lập trình viên, những chuyên gia công nghệ đã nghĩ nhiều hơn về việc đem sản phẩm Việt Nam ra thế giới. Các công ty tạo ra những sản phẩm công nghệ giá trị đang dần xuất hiện nhiều hơn.

Dưới sự bùng nổ của công nghệ hiện đại, khoa học công nghệ đã tác động và làm thay đổi diện mạo của đời sống ngày nay. Ngành công nghệ mà đặc biệt là Công nghệ máy tính hứa hẹn sẽ tiếp tục là một ngành học hot và thu hút nhiều sinh viên lựa chọn.


Năm 2022, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã mở ngành Khoa học máy tính (định hướng Khoa học dư liệu). Ảnh: NTCC

Trên thế giới, chương trình đào tạo cử nhân Khoa học dữ liệu cũng đã xuất hiện trong khoảng 5 năm trở lại đây. Cho tới thời điểm hiện tại, nhà khoa học dữ liệu được xem như là nghề nghiệp “quyến rũ” nhất của thế kỉ 21.

Khảo sát báo cáo thị trường IT của Topdev, sinh viên công nghệ thông tin mới ra trường có mức thu nhập từ 7-12 triệu đồng/1 tháng, đối với những người có 2-4 năm kinh nghiệm, mức lương sẽ dao động từ 13- 25 triệu.

Đối với cấp quản lý với trên 5 năm kinh nghiệm, mức lương có thể lên tới 30-60 triệu/tháng. Đây cũng là vị trí mà các nhà tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn cho việc chiêu mộ do mức độ đòi hỏi và yêu cầu gắt gao về kĩ năng. Bản báo cáo cũng chỉ ra xu hướng thông minh hóa doanh nghiệp với việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Học máy (Machine Learning) trong ngành Khoa học dữ liệu (Data Science). Minh chứng từ các báo cáo thống kê về đầu tư cho quản lý và phân tích dữ liệu của các ông lớn công nghệ như Software AG, Oracle, IBM, Microsoft, … mức lương của người làm trong ngành dữ liệu hiện tại có thể lên đến 470 triệu đồng/năm. Nhu cầu nguồn nhân lực ICT được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới đây.

Nhu cầu nguồn nhân lực ICT tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Các lý do chính dẫn dến tăng trưởng có thể kể đến: Việt Nam đã gây được sự chú ý khiến các công ty công nghệ tìm dến thuê và xây dựng đội ngũ phát triển sản phẩm; Làn sóng khởi nghiệp sáng tạo trỗi dậy mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ ngày càng mạnh. Từ năm 2020, nhu cầu tuyển dụng được dự báo tăng hơn 50%.

Để hiểu rõ hơn về nhu cầu nhân lực trong ngành của các doanh nghiệp cũng như các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng và thái độ dành cho Khoa học dữ liệu đồng thời làm căn cứ để thiết kế chương trình đào tạo Khoa học máy tính định hướng khoa học dữ liệu, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã thực hiện khảo sát với những công ty công nghệ, doanh nghiệp đang hoặc có định hướng phát triển theo hướng tập trung vào dữ liệu.

Dựa trên những khảo sát chi tiết được thực hiện cho thấy sự cần thiết của ngành đào tạo Khoa học dữ liệu nằm ở những lý do sau:

– Sự phát triển của công nghệ liên quan đến dữ liệu là rất rõ ràng.

– Xu hướng Data-driven nổi lên mạnh mẽ trong các công ty/doanh nghiệp

– Khoa học dữ liệu đang trở thành nhân tố quan trọng trong nhiều lĩnh vực.

– Đáp ứng nhu cầu của người học: Ngành đào tạo Khoa học dữ liệu chưa phát triển theo kịp nhu cầu.

– Đáp ứng nhu cầu nhân lực của các công ty công nghệ cao ICT.

– Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường Việt Nam và khu vực, định hướng sinh viên tốt nghiệp trở thành công dân toàn cầu (global citizen).


Tổ hợp xét tuyển: Toán, Lý, Hóa (A00 – khối A); hoặc Toán, Lý, Anh văn (A01 – khối A1) hoặc các phương án xét tuyển riêng của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: NTCC

Ngành Khoa học máy tính (định hướng Khoa học dữ liệu) tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đào tạo thế nào?

Trước những yêu cầu khách quan về sự cần thiết mở ngành đào tạo Khoa học dữ liệu,phù hợp với định hướng phát triển ngành Thông tin – Truyền thông của Bộ Thông tin – Truyền thông, với nhu cầu nguồn nhân lực, thị trường lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu của đất nước, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã mở ngành Khoa học máy tính (định hướng Khoa học dữ liệu).

Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Khoa học máy tính (định hướng Khoa học dữ liệu) được thiết kế và xây dựng theo định hướng vào lĩnh vực khoa học dữ liệu và cấp bằng kỹ sư cho người học sau khi tốt nghiệp; chương trình được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng và trình độ cao của ngành công nghệ thông tin nói chung và nhân lực ngành khoa học dữ liệu nói riêng phục vụ nhu cầu phát triển nhanh của kinh tế, xã hội.

Sinh viên được trang bị các kiến thức giáo dục đại cương về Lý luận chính trị, Khoa học tự nhiên, chú trọng vào Toán học; Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ sở ngành Khoa học máy tính bao gồm lập trình, thuật toán, máy tính và điều khiển thiết bị, cơ sở dữ liệu, công nghệ phần mềm, mạng máy tính, phân tích thiết kế hệ thống thông tin, an toàn bảo mật hệ thống thông tin, trí tuệ nhân tạo; Trang bị cho sinh viên các kiến thức chuyên sâu về Khoa học máy tính tập trung vào Khoa học dữ liệu cùng với các chuẩn kỹ năng, chuẩn ngoại ngữ phục vụ cho việc thích ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Chương trình đào tạo được thiết kế sử dụng phương pháp CDIO, có tham khảo các tiêu chuẩn về đảm bảo chất lượng giáo dục quốc gia và quốc tế (ABET); tham khảo và đối sánh với các chương trình đào tạo đại học ngành Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin của các trường đại học khác ở trong nước và quốc tế nhằm đào tạo sinh viên toàn diện, bao gồm các kiến thức nền tảng, kiến thức chuyên môn, kỹ năng và phẩm chất đạo đức, trong đó nhấn mạnh phát triển khả năng tự học, năng lực thực hành và trách nhiệm xã hội. Sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng chuyên sâu và phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu lao động của xã hội.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính (định hướng Khoa học dữ liệu) phù hợp với các vị trí việc làm sau:

– Có thể trở thành cán bộ kỹ thuật, quản lý, điều hành trong lĩnh vực khoa học máy tính;

– Có thể trở thành các lập trình viên, quản trị dự án, chuyên gia, trí tuệ nhân tạo, chuyên gia phân tích dữ liệu;

– Có thể trở thành cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về khoa học máy tính (đặc biệt theo chuyên ngành khoa học dữ liệu) tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các Cơ sở đào tạo);

– Có thể tiếp tục học tiếp lên trình độ sau đại học ở trong nước và nước ngoài, trở thành các nhà khoa học về khoa học máy tính, khoa học dữ liệu.

Ngành Khoa học máy tính (định hướng Khoa học dữ liệu), mã ngành: 7480101

Thời gian đào tạo 4,5 năm – 09 học kỳ, trong đó 08 học kỳ tích lũy kiến thức tại Học viện và 01 kỳ thực tập chuyên sâu, thực tập thực tế tại cơ sở. Cuối khóa, sinh viên làm Đồ án tốt nghiệp hoặc hoàn thành các học phần thay thế tốt nghiệp

Đối tượng tuyển sinh: là người đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, tham dự và trúng tuyển (đạt các yêu cầu đầu vào) trong kỳ tuyển sinh đại học hệ chính quy với Tổ hợp xét tuyển: Toán, Lý, Hóa (A00 – khối A); hoặc Toán, Lý, Anh văn (A01 – khối A1) hoặc các phương án xét tuyển riêng của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Để biết chi tiết hơn, thí sinh có thể truy cập địa chỉ website:

https://tuyensinh.ptit.edu.vn/

Nhật Minh

Nguồn: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/