Một hệ sinh thái ban đầu cho trường Đại học số được hình thành ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Hàng chục ngàn sinh viên và cán bộ, giảng viên của trường có thể thực hiện các hoạt động, từ gửi xe, theo dõi lịch học, xem điểm thi đến trả tiền ăn chỉ bằng chiếc smartphone. 

Sinh viên PTIT hào hứng sử dụng ứng dụng PTIT S-Link

Đào Văn Nghĩa, sinh viên năm 3, Khoa Kỹ thuật điện tử, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đang cắm cúi cùng nhóm bạn của mình trong Lab. Điện thoại rung, Nghĩa rời tay khỏi chỗ vi điều khiển đang nghiên cứu dở. Phần mềm PTIT S-Link thông báo cậu sắp có tiết học. “Có thể xem điểm và lịch học trên app này, tiện hơn rất nhiều so với xem trên web của trường. Gần đến giờ học, app sẽ gửi thông báo mình có môn học nào, phòng bao nhiêu và các thông tin tiết học”, Nghĩa hào hứng nói.

“Không chỉ nhắc lịch thi, thời khóa biểu hay lấy học liệu đâu, app này có một chức năng cực kỳ hay là Một cửa. Sinh viên có thể yêu cầu phúc khảo trực tuyến. Thông thường bọn em phải xuống phòng Một cửa để làm đơn và và đóng tiền nhưng giờ chỉ cần làm trên app này và chuyển tiền qua ngân hàng. Sắp tới, chúng em có thể có thể số dịch vụ khác nữa”, một cậu bạn trong nhóm nói.

Mô hình đại học số đã được định hình

PTIT S-Link như Nghĩa đang sử dụng là 1 trong số những ứng dụng được Học viện Bưu chính Viễn thông đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020. Đến nay, ứng dụng đã có hơn 12.000 lượt tải xuống và phục vụ đắc lực cho hầu hết các sinh viên đang theo học tại trường.

PTIT sẽ sớm đưa vào sử dụng mô hình lớp học thông minh

Nền tảng thực hành trực tuyến (D-Lab), lớp học thông minh (S-Class) và 1 Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cũng sắp được đưa vào vận hành. Hình hài của một đại học số đang dần được định hình ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Tháng 9/2020, khi trò chuyện với các cán bộ, giảng viên và sinh viên của Học viện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Chuyển đổi số đại học thì việc đầu tiên là đưa toàn bộ Học viện thành một xã hội số thu nhỏ. Toàn bộ hoạt động của Học viện, của giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi người trong Học viện sẽ có một định danh số”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT khi đó cho rằng, Học viện là một xã hội thu nhỏ, mà những người trẻ năng động về công nghệ sẽ rất thuận lợi để xây dựng một xã hội số tại đây, không chỉ việc học mà cả việc quản lý, sinh hoạt. Muốn đào tạo nhân lực chuyển đổi số thì hãy cho họ sống, học tập và làm việc trong môi trường số và đây cũng là cách đào tạo công nghệ số tốt nhất. “Quý IV năm 2020 và Quý I năm 2021 sẽ là thời gian để Học viện hợp tác với một công ty công nghệ số, để xây nên một đại học số. Hãy là người đi đầu!”.

Lời đề nghị của Bộ trưởng khi đó đã “kích nổ” cả Học viện.

Từ cuối năm 2020, Học viện đã quyết liệt đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số để có thể hoàn thành giai đoạn 1 vào 31/3/2021. Chúng tôi đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra” ông Đoàn Hiếu, Chánh văn phòng PTIT thở phào nhẹ nhõm.

Dồn lực để chuyển mình

Sinh viên có thể truy cập thư viện số để lấy các tài liệu, bài giảng

Tuy các hoạt động về ứng dụng CNTT theo chiều sâu đã được Học viện thực hiện trong nhiều năm trở lại đây nhưng để nâng cấp hoạt động này theo định hướng mới về chuyển đổi số, PTIT cũng gặp không ít khó khăn.“Khó khăn lớn nhất là thiếu hình mẫu của một đại học số cũng như chuyển đổi số trong các trường đại học, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới”, đại diện PTIT nói.

Để triển khai giai đoạn đầu, PTIT đã tập trung vào nghiên cứu, định hình kiến trúc của trường đại học số và hoàn thiện phương án chuyển đổi số Học viện đến năm 2025.

Với tinh thần triển khai chuyển đổi số theo mô hình “Quốc gia số thu nhỏ”, Học viện đã nghiên cứu, tham khảo các định hướng, chính sách của quốc gia trong hoạt động chuyển đổi số và xây dựng phương án chuyển đổi số bám theo 3 trục của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Học viện cũng xây dựng các mục tiêu chuyển đổi số theo 3 trục là Quản trị số – Dịch vụ số – Xã hội số. “Do một trường đại học mang nhiều đặc điểm của một xã hội thu nhỏ với rất nhiều tổ chức, cá nhân cùng học tập, làm việc, sinh hoạt..v.v nên việc tham khảo 3 trục của Chương trình chuyển đổi số quốc gia là rất phù hợp”, ông Đoàn Hiếu lý giải.

Sau hơn nửa năm từ khi quyết liệt triển khai nhiệm vụ do Bộ trưởng giao, các ứng dụng, nền tảng như PTIT S-Link; Hệ thống thực hành ảo D-Lab; Mô hình lớp học thông minh và Trung tâm điều hành số đã được phát triển, kết nối và dần trở thành hệ sinh thái ban đầu ở Học viện số.

Nhân rộng mô hình đại học số

PTIT sẽ tiếp tục hoàn thiện các cấu phần theo kiến trúc về Đại học số.

Tháng 12/2020, khi nói về chuyển đổi số đại học như một ví dụ về chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng “Một đại học số có lẽ đã đủ điều kiện để cho thí điểm”.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng TT&TT và quyết tâm của cán bộ, giảng viên, Học viện PTIT là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng và hình thành mô hình đại học số. Nhưng sẽ không phải là duy nhất!

Đổi mới căn bản phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, tích hợp “cá thể hóa” trên nền tảng CNTT, lấy người học làm trung tâm, gắn lý thuyết với thực hành, thực nghiệm; Thiết lập mô hình tổ chức và quản trị đại học thông minh, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong mọi hoạt động, vận hành thống nhất và đồng bộ hệ thống dữ liệu số – thông tin số – tri thức số dùng chung; Liên thông phục vụ hiệu quả công tác quản trị, chỉ đạo, điều hành và đổi mới hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học…

Đây là những mục tiêu được nêu trong Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khi đó, ông Nguyễn Kim Sơn ký ban hành vào những ngày cuối tháng 3/2021.

Trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 – 2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đại học Quốc gia Hà Nội đó là hoàn thiện mô hình tổ chức, quản trị đại học hiện đại, gắn với xây dựng đại học thông minh. Trong đó, quản trị thống nhất trải nghiệm của người học, giảng viên, cán bộ về đại học thông qua các hệ thống quản trị đại học số tích hợp và xuyên suốt, chính là mô hình mà Đại học Quốc gia Hà Nội hướng tới.

Những mô hình đại học số đang dần hình thành ở Việt Nam, bằng cách này hay cách khác.

Về phần mình, sau giai đoạn 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ thực hiện thí điểm tuyển sinh số và thực hiện môi trường không giấy tờ, không tiền mặt trong các hoạt động của trường. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các cấu phần theo kiến trúc về Đại học số đã xây dựng.

Theo báo Vietnamnet _ Duy Vũ