Theo nhận định của đại diện Viện CNTT-TT (CDIT) thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) tại Việt Nam hiện đã có được những thành tựu ban đầu, với một số ứng dụng nổi bật của các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ.

3

Sản phẩm “Hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến nhi khoa tiền lâm sàng dự trên nền tảng công nghệ thực tại ảo” do Viện CDIT phát triển, cho phép các học viên có thể tham gia ở bất kỳ đâu, kể cả vùng sâu vùng xa bằng bất kỳ thiết bị máy tính (máy tính để bàn, xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh) nào có kết nối Internet với kinh phí hiệu quả so với các giải pháp khác (Ảnh minh họa)

Đánh giá về công nghệ thực tế ảo – VR, Thạc sĩ Bùi Vân Anh, Viện CDIT nhấn mạnh, đây là một trong những công nghệ hiện đại, mang tính đột phá và thuộc trọng tâm phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với nhiều lợi ích và đặc trưng mới lạ, công nghệ thực tế ảo đã được đưa vào ứng dụng wor rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong khoa học cũng như trong đời sống xã hội.

Cũng theo chia sẻ của đại diện Viện CDIT, với phương thức truyền đạt thông tin một cách chân thực, sống động, cuốn hút người xem và khả năng tương tác thời gian thực, công nghệ VR đã được các nước trên thế giới ứng dụng trong nhiều lĩnh vực quan trọng như quân sự, y tế, truyền thông, du lịch và đặc biệt trong giáo dục, đào tạo… Đơn cử như, với ngành y tế, VR được sử dụng trong chẩn đoán, điều trị, phẫu t huật, phục hồi chức năng, giảm đau trong điều trị vết thương và đào tạo sinh viên y khoa; hay VR cũng góp phần hiệu quả trong huấn luyện quân sự nhằm đào tạo các tân binh tiếp xúc với các công cụ, vũ khí an toàn hơn hoặc trải nghiệm qua các môi trường chiến đấu khác nhau…

Giới thiệu về những ứng dụng nổi bật của công nghệ VR tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, đại diện Viện CDIT cho hay, ở Việt Nam, đào tạo là lĩnh vực sớm ứng dụng công nghệ hiện đại này. Từ năm 2012, một nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng đã bắt đầu phát triển hệ thống ứng dụng công nghệ VR để mô phỏng cơ thể ảo nhằm phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho Bộ môn giải phẫu của nhà trường. Đến năm 2015, công trình nghiên cứu này được triển khai ứng dụng trên thực tế. Hệ thống mô phỏng các bộ phận chính của cơ thể con người như hệ xương, hệ cơ, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa. Thông qua mô hình và hệ thống phần cứng điều khiển, tương tác, sinh viên làm quen với việc thực hành trên các thiết bị nội soi và thực hành giải phẫu thay vì học trực tiếp trên xác, tiêu bản hoặc tranh.

 Cũng trong đào tạo y khoa, “Hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến nhi khoa tiền lâm sàng dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo” do Viện CDIT phát triển nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo cho Bệnh viên Nhi Trung ương. Bằng việc tích hợp công nghệ VR và nền tảng Internet đào tạo trực tuyến, hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến nhi khoa tiền lâm sàng dựa trên nền tảng công nghệ VR đã giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến đào tạo tiền lâm sàng, trao đổi tư vấn, hội chẩn giữa tuyến Trung ương xuống các tuyến dưới (thậm chí ở cả vùng sâu, vùng xa trên cả nước) một cách đồng bộ, trực quan sinh động, tương tác đa chiều, kịp thời trực tuyến, phù hợp với ngành Y tế, hướng tới xu hướng bệnh viện điện tử, bệnh án điện tử, xu hướng ứng dụng IoT và nền công nghiệp 4.0.

Một sản phẩm nổi bật nữa, theo tổng hợp của đại diện Viện CDIT, là hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn súng bộ binh (Trường bắn ảo) do Viện Công nghiệp Mô phỏng – Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Hệ thống được sử dụng để huấn luyện bắn và kiểm tra súng bộ binh dựa trên công nghệ mô phỏng nhằm tăng cường kỹ năng ngắm bắn cho bộ đội trước khi thực hiện bắn đạt thật trên thao trường. Hệ thống mô phỏng các đối tượng mục tiêu, thực địa trong môi trường 3D, mô phỏng âm thanh, hình ảnh quá trình tương tác thực – ảo, mô phỏng hiện tượng giật của súng như khi bắn đạn thật. Bên cạnh việc tránh được những rủi ro, hệ thống này giúp giảm thời gian và chi phí huấn luyện trên vũ khí thật.

Bên cạnh các ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, còn nhiều ứng dụng khác khác như: bảo tàng ảo, triển lãm số, du lịch ảo, kinh doanh bất động sản… Đồng thời, một số cong ty công nghệ ở Việt Nam cũng đã phát triển các thiết bị VR “Made in Vietnam” với giá rẻ, chẳng hạn như kính Horus Lite của Công ty Công nghệ RNG nhằm mang VR đến gần người dùng Việt Nam hơn.

Nhận định các lĩnh vực ứng dụng VR được phát triển tại Việt Nam kể trên phần nào cho thấy được những thành tựu ban đầu của các đơn vị nghiên cứu cũng như các công ty công nghệ của Việt Nam trong hành trình chinh phục công nghệ mới hướng tới công nghiệp 4.0, đại diện Viện CDIT khuyến nghị: “Trong hành trình này, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển nguồn nhân lực CNTT để có thể hoàn toàn làm chủ được hệ thống VR, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các sản phẩm VR “Made in Vietnam” được ứng dụng rộng rãi hơn trong tương lai”.

Vân Anh

Nguồn: ictnews