Đây là mong muốn và cũng là kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại chương trình Tọa đàm giữa Bộ trưởng với cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Ngày 19/9/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tọa đàm với tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện. Tham dự buổi tọa đàm còn có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ cùng 300 cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên Học viện.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại chương trình tọa đàm với cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện

Phát biểu với thầy và trò Học viện tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ về xu thế mô hình giáo dục đại học hiện đại trong bối cái cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, theo đó mở ra cơ hội cái mới thay cái cũ, đại học mới thay thế đại học cũ. Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng mang lại những cơ hội và thách thức cho Học viện. Mục tiêu chiến lược của Học viện trong thời gian tới là trở thành đại học số đầu tiên tại Việt Nam, phải như một quốc gia số thu nhỏ.

Học viện có lợi thế rất lớn khi trực thuộc một bộ công nghệ số, một bộ có tới 50.000 doanh nghiệp công nghệ số, trong số đó có nhiều doanh nghiệp mạnh, với hàng triệu lao động, với doanh thu hàng năm trên 100 tỷ đô la. Nhưng Học viện chưa tận dụng tiềm năng này. Học viện có cơ hội lớn nhất để trở thành đại học đi đầu về hoạt động nghiên cứu.

Về chuyển đổi số trong trường đại học, Học viện cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng giảm tải cho giáo viên, là đổi mới mô hình dạy và học, là hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên. Đào tạo giáo viên là đào tạo họ sử dụng các công cụ mới này. Mà việc này thì không khó. Chuyển đổi số đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. Ngoài ra, muốn đào tạo nhân lực chuyển đối thì hãy cho họ sống, học tập và làm việc trong môi trường số, đây cũng là cách đào tạo công nghệ số tốt nhất…

Về đào tạo lại và đào tạo nâng cao. CMCN lần thứ 4 sẽ làm nhiều nghề biến mất và cũng tạo ra nhiều nghề mới, hầu hết các nghề khác không biến mất nhưng yêu cầu kỹ năng mới. Và vì vậy, việc học nghề mới, việc học kỹ năng mới là nhu cầu rất lớn của xã hội. Trong xã hội tương lai, việc học sẽ là nhu cầu cả đời của mỗi người. Học viện phải giải quyết nhu cầu này. Nhu cầu này không kém gì nhu cầu học đại học, nhưng là một thị trường to lớn hơn rất nhiều. Học viện cần nghiên cứu để thành lập ngay bộ phận này. Để đáp ứng nhanh, cả về nội dung và người dạy, thì không gì bằng các nền tảng. Mỗi một nhu cầu mới sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số. Và nếu nhìn theo góc này, thì Học viện ngày càng giống một công ty công nghệ, hơn là một trường dạy học. Và thực sự, Học viện sẽ là một công ty công nghệ, phát triển công nghệ và nội dung để dạy học. Nhưng Học viện sẽ là một công ty công nghệ bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức dạy học của mình nên các nền tảng.

Đối với sinh viên viên Học viện, Bộ trưởng yêu cầu Học viện nên định hướng cho sinh viên thay vì học trước rồi làm sau thì giờ đây, sinh viên cần làm trước rồi học sau. Vì thế, việc giảng dạy sẽ dễ dàng hơn. Việc học cách giải quyết vấn đề và học cách tìm ra vấn đề là chính. Và vì thế, việc học cũng thú vị hơn, hữu ích nhiều hơn cho cả người học và người dạy.

Về cơ sở dữ liệu những sinh viên đã tốt nghiệp. Chắc ít ai nghĩ rằng tài sản lớn nhất của một trường đại học chính là những người đã tốt nghiệp. Sẽ có rất nhiều giá trị sinh ra từ đây. Tỷ lệ xin được việc sau khi tốt nghiệp, lương trung bình khi ra trường đi làm, 10 năm sau những người này ra sao, họ nói gì về nội dung giảng dạy, về cách dạy của trường, họ nói gì về trường với nơi họ làm, họ có muốn mang những đề tài nghiên cứu về cho trường không, họ có muốn về trường thỉnh giảng không, họ có muốn con họ học đại học ở đây không, những ai thành đạt, họ muốn đóng góp cho trường thì phải làm thế nào, v.v… Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu, ngay trong năm 2020 này, Học viện phải xây dựng CSDL về sinh viên của mình, theo dõi họ suốt cả chặng đường sau khi ra trường. Và vì thế mà tài sản của Học viện sẽ ngày một gia tăng.

 

Sau khi trả lời các câu hỏi giao lưu của thầy và trò Học viện về định hướng kết hợp giữa giáo dục tinh hoa và giáo dục đại chúng trong nền kinh tế số, thời hạn của quá trình chuyển đổi số, về kinh nghiệm duy trì kiên định với niềm tin, Bộ trưởng nhận định: các câu hỏi của thầy và trò Học viện là các câu hỏi nhỏ; chỉ khi các thầy cô, các em sinh viên thực sự trăn trở với các câu hỏi nhỏ, liên quan mật thiết đến công việc hàng ngày của mình thì mới có cách làm khác đi, cải tiến tốt hơn, từ đó làm cho cả tổ chức thay đổi.

Trước đó, Bộ trưởng đã làm việc với tập thể Lãnh đạo Bộ về định hướng chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Tin học hóa chủ trì, cùng với 3 doanh nghiệp có đại diện trong Hội đồng Học viện sẽ hỗ trợ Học viện trong quá trình thực hiện chuyển đổi số đại học.